Đoàn công tác Ban Quản lý Khu NNCNC Thành phố Hồ Chí Minh tham quan mô hình của Công ty Cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Phù Vân.
Hiện nay nông nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh được định hướng phát triển theo hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, bền vững. Trong đó định hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao, tăng cường ứng dụng khoa học - kỹ thuật, đặc biệt là các công nghệ mới, tiên tiến, công nghệ sinh học vào chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản chất lượng cao.
Thành phố Hồ Chí Minh có vị trí địa lý nằm ở trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy, đường hàng không có tính kết nối khá cao thuận lợi cho giao thương, tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản. Kết hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, hệ thống nước ngầm, mạng lưới sông rạch đa dạng, phù hợp cho sản xuất và phát triển một số cây trồng, vật nuôi, các sản phẩm nông nghiệp, tạo nên những tiềm năng và lợi thế nhất định cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Thành phố.
Về quy mô thị trường tiêu thụ, Thành phố Hồ Chí Minh có quy mô dân số lớn và có xu hướng ngày càng tăng. Thu nhập và mức chi tiêu của người dân Thành phố khá cao. Hàng năm Thành phố đón một lượng lớn khách thăm quan, du lịch, học tập… đưa Thành phố trở thành một trong những thị trường tiêu thụ tại chỗ có quy mô rất lớn trong cả nước, trong đó có các sản phẩm tươi sống, sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao.
Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm khoa học và công nghệ của cả nước với hệ thống các viện, trường, cơ sở nghiên cứu, cơ sở đào tạo có cơ sở vật chất ngày càng hiện đại; tập trung nhiều doanh nghiệp có năng lực, trình độ công nghệ cao trong chế biến, chế tạo; lực lượng lao động nông nghiệp, đội ngũ cán bộ khoa học phục vụ sản xuất, nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp đông đảo và có trình độ cao đáp ứng yêu cầu về phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt các cấp, các ngành của thành phố luôn quan và tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao và nông thôn vùng ngoại thành. Thành phố đã sớm ban hành nhiều chính sách, giải pháp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp nói chung, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao.
Cùng với những tiềm năng và lợi thế về địa lý, dân số, khoa học công nghệ và chính sách là những cơ hội rất lớn khác cho phép nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao của Thành phố phát triển.
Nền kinh tế Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới mở ra các cơ hội to lớn về thị trường tiêu thụ cả trong nước và quốc tế đối với các mặt hàng nông sản chủ lực của thành phố như rau, hoa, cây cảnh, tôm, cá cảnh, nhuyễn thể, thịt, trứng, sữa, đặc biệt là các sản phẩm công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Vị thế quốc tế của Việt Nam ngày càng được củng cố và không ngừng tăng lên, trong đó có sự đóng góp to lớn của Thành phố Hồ Chí Minh, là cơ hội để mở rộng hợp tác, liên kết cùng phát huy lợi thế, cùng phát triển. Bên cạnh đó là các chính sách đối với nông nghiệp, nông thôn và nông dân đang được Nhà nước tiếp tục đổi mới. Đặc biệt là chính sách về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, cùng sự quan tâm hỗ trợ của cộng đồng Quốc tế, sẽ là cơ hội để nông nghiệp, nông thôn của Thành phố phát triển nhanh và bền vững hơn.
Sự phát triển nhanh của khoa học và công nghệ ở trong nước và quốc tế trong giai đoạn hiện nay với nhiều thành tựu nổi bật trong đó có lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ cao. Đặc biệt là xu hướng chuyển đổi số trong nông nghiệp mở ra cơ hội về ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm. Đây là những yếu tố có tính thúc đẩy mạnh mẽ qua đó tạo nên những bước đột phá cả về năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Thành phố. Kết hợp với nguồn lao động trong khu vực nông nghiệp, nông thôn của Thành phố khá dồi dào, có xu hướng tăng, đặc biệt là về trình độ trong những năm gần đây; xu hướng dịch chuyển lao động có tay nghề cao từ các tỉnh thành lân cận về Thành phố được dự báo sẽ tăng trở lại sau thời gian giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19. Đây là những cơ hội rộng mở cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệc cao. Bên cạnh đó, mức độ quan tâm, ưu tiên đầu tư, phát triển trong nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của các cá nhân và tổ chức ngày càng tăng là cơ hội để thu hút các nguồn vốn đầu tư, tập trung các nguồn lực cho đào tạo, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ mới, tiên tiến, hiện đại vào sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, bên cạnh những cơ hội, tiềm năng và lợi thế nền nông nghiệp công nghệ cao của thành phố cũng đối mặt với không ít thách thức cần được nhận diện, qua đó giúp các nhà quản lý, hoạch định chính sách có cơ sở xem xét đánh giá, đề xuất định hướng phát triển phù hợp cho nền nông nghiệp công nghệ cao của Thành phố trong thời gian tới.
Tốc độ đô thị hóa trên địa bàn Thành phố trong những năm qua diễn ra nhanh nhưng công tác quản lý, kiểm soát còn thiếu chặt chẽ và bất cập, dẫn đến đất nông nghiệp bị chia cắt manh mún, thiếu ổn định và sử dụng chưa hiệu quả. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước và đất đai có chiều hướng gia tăng. Trong thời gian tới nếu không có phương pháp quản lý và các chính sách phù hợp sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp của Thành phố. Kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng nông thôn mới và công tác đầu tư cho hạ tầng nông nghiệp, nông thôn của Thành phố tuy đã được quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, tập trung quy mô sản xuất hàng hóa lớn. Cơ chế quản lý đô thị và nông thôn của Thành phố tuy đã được cải thiện nhiều mặt nhưng vẫn chưa chặt chẽ, nhiều chính sách khi triển khai vào thực tế gặp phải không ít khó khăn và hiệu quả mang lại chưa cao.
Tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng đến nông nghiệp ngày càng nghiêm trọng và phức tạp. Tình trạng nhiệt độ tăng, ngập úng, tình trạng sụt lún, sạt lở bờ sông rạch khó dự báo chính xác và đòi hỏi chi phí kiểm soát, ứng phó lớn. Nguồn nước tưới vùng địa hình cao hạn chế do ở cuối nguồn của hệ thống thủy lợi, sự thay đổi mực nước ngầm, các vùng thấp cửa sông bị ảnh hưởng mặn, phèn, ngập úng gây nên những tác động không nhỏ đến các khu vực sản xuất nông nghiệp của Thành phố.
Chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn của Thành phố vẫn còn hạn chế nhất định nếu so với yêu cầu phát triển ở quy mô của nền nông nghiệp hàng hóa lớn. Độ tuổi của lao động nông nghiệp ngày càng cao, chất lượng lao động chưa đồng đều, khoảng cách chênh lệch về mức sống của người dân giữa khu vực đô thị và nông thôn lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp, nông thôn.
Chuỗi liên kết giữa các nhà bán lẻ trong nước nói chung và thành phố nói riêng với các chuỗi cung ứng chưa tốt. Chưa hình thành được đầy đủ các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị đủ lớn và đủ mạnh cho các mặt hàng, sản phẩm chủ lực của nông nghiệp thành phố. Thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu biến động, chịu tác động của nhiều yếu tố bất ổn như dịch bệnh, xung đột chính trị, quân sự, kinh tế. Bên cạnh đó những quy định, yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa nông sản, nguồn gốc xuất xứ, các rào cản kỹ thuật tạo nên những thách thức và áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Hệ thống chính sách, giải pháp về phát triển nông nghiệp nói chung và nông nghiệp công nghệ cao nói riêng ban hành nhiều nhưng vẫn còn những bất cập, chưa phát huy hết hiệu quả, người sản xuất khó tiếp cận, nhất là chính sách về hỗ trợ tín dụng, đầu tư cơ giới hóa, phát triển kinh tế hợp tác. Kinh tế tập thể, trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp, nông thôn chậm phát triển, tạo nên những thách thức không nhỏ trong quá trình chuyển nhanh nền nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao./.