Toàn cảnh Hội thảo.

Ngày 17/5, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp cùng Công ty TNHH Alibaba.com (Việt Nam) và Công ty TNHH Mediastep Software Viet Nam tổ chức Hội thảo “Những điểm mới trong xuất khẩu hàng hóa toàn cầu thông qua thương mại điện tử B2B - Alibaba.com”.

Hội thảo nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác tối đa nền tảng thương mại và số lượng khách hàng sẵn có của Alibaba.com, từ đó đưa sản phẩm đến với nhà phân phối và người tiêu dùng một cách nhanh chóng, tiết kiệm cả thời gian và chi phí, mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Đồng thời, Hội thảo cũng giúp doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu trên thị trường quốc tế.

Những nội dung do các diễn giả trình bày trong Hội thảo, bao gồm: xu hướng thương mại điện tử xuyên biên giới; các thông tin, dữ liệu thị trường và xu hướng mới về ngành lương thực thực phẩm; giới thiệu về thương mại điện tử xuyên biên giới với Alibaba.com; công cụ mới góp phần thành công cho các sản phẩm và cách thức xây dựng thương hiệu khi tham gia Alibaba.com; giải pháp hoàn thiện và tăng hiệu quả đối với các nhà bán hàng tham gia Alibaba.com.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Đào Minh Chánh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, thương mại điện tử Việt Nam trong những năm qua ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ. Khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam với hàng nghìn doanh nghiệp trên cả nước cho thấy lĩnh vực thương mại điện tử tiếp tục phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng trên 25% và đạt quy mô trên 20 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng này có thể được duy trì trong giai đoạn ba năm 2023 – 2025.

Ông Đào Minh Chánh  nhấn mạnh, năm nay được dự báo sẽ là năm tiếp tục bùng nổ của thị trường thương mại điện tử. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc cơ hội tăng trưởng dành cho tất cả doanh nghiệp. Trong bối cảnh thương mại điện tử ngày càng phát triển, việc dự báo và nắm bắt những xu hướng mới sẽ là chìa khóa quan trọng để doanh nghiệp thành công, gia tăng khả năng cạnh tranh và thu hút khách hàng mục tiêu.

“Trong ngành lương thực và thực phẩm, sự phát triển của thương mại điện tử đang tạo ra những cơ hội và thách thức mới Các doanh nghiệp ngày một nhận thức rõ về nhu cầu tham gia thương mại điện tử để tăng cường tiếp cận khách hàng tiềm năng, gia tăng doanh số. Với sự phát triển của các ứng dụng trên nền tảng công nghệ thông tin, thị trường kinh doanh hiện tại của doanh nghiệp không còn bị giới hạn bởi vị trí địa lý, không còn chỉ ở phạm vi nội địa mà là ở phạm vi toàn cầu.”- ông Đào Minh Chánh phân tích./.

 

 

CM