Đồng chí Lại Xuân Phương- Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Phú Thọ. (Ảnh: CM)

Thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; Qui định số 124-QĐ/TW ngày 02/02/2018 của Ban chấp hành Trung ương; Chỉ thị số 13 – CT/TU về Thành ủy TP Hồ Chí Minhvà Quyết định số 70/QĐ-ĐU ngày 30/9/2014 của Đảng ủy Tổng công ty về việc ban hành Quy chế giám sát, phản biện xã hội; tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của tổ chức Công đoàn và Đoàn thanh niên trong Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh. Hàng năm, ngoài việc xây dựng kế hoạch kiểm tra giám sát trong Ðảng, Công ty Điện lực Phú Thọ còn lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức đoàn thể thực hiện vai trò giám sát của nhân dân đối với hoạt động của Ðảng. Việc thực hiện tốt công tác giám sát và phản biện xã hội giúp Đảng ủy Công ty nắm bắt được tâm tư, thái độ, nguyện vọng của quần chúng nhân dân về những chủ trương, đường lối của Đảng; về kết quả hành động, thái độ ứng xử của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong lãnh đạo, thực hiện nhiệm vụ chính trị, giữ vững Đảng bộ luôn trong sạch vững mạnh.

Dưới sự lãnh đạo Đảng ủy Công ty Điện lực Phú Thọ, Công đoàn Công ty Điện lực Phú Thọ hàng năm đều xây dựng chương trình phối hợp cùng Đoàn thanh niên Công ty thực hiện tốt công tác giám sát và phản biện theo chức năng nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn và quy định của Bộ Chính trị và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đồng thời xây dựng kế hoạch hàng năm, tổ chức thăm hỏi, nắm bắt tình hình đời sống, lao động, việc làm và phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ chính sách có liên quan đến người lao động tại Công ty.

Từ năm 2014 đến nay, Công đoàn Công ty Điện lực Phú Thọ phối hợp với Chính quyền, Đoàn Thanh niên tổ chức nhiều cuộc kiểm tra, giám sát tại Công ty việc thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở, các chế độ chính sách theo quy định của pháp luật đối với cán bộ, CNVC-LĐ, cụ thể như: Công tác chuẩn bị và tổ chức, hội nghị người lao động, đối thoại người lao động; việc xây dựng các nội quy, quy chế, trích lập, sử dụng các quỹ; tuyển dụng, bổ nhiệm, đánh giá phân loại cán bộ; việc thực hiện các quy định về nâng bậc lương, nâng ngạch, khen thưởng, kỷ luật, đào tạo, bồi dưỡng; việc thực hiện các chế độ, chính sách về chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, chế độ tiền lương, định mức lao động, hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, công tác an toàn vệ sinh lao động.

Qua hoạt động kiểm tra, giám sát, Công đoàn đã nắm tình hình thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; quy chế dân chủ cơ sở, nắm bắt thực tế đời sống, lao động, việc làm; việc thực hiện các chế độ chính sách theo quy định của pháp luật lao động đối với cán bộ, CNVC-LĐ, từ đó có ý kiến tới Ban Giám đốc, Ban Lãnh đạo đơn vị có biện pháp thực hiện ngày càng tốt hơn các quy định của Đảng và Nhà nước; cán bộ, CNVC-LĐ ngày càng ý thức hơn về trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ của mình trong việc thực hiện quy chế dân chủ và các nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị. Việc giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ, CNVC-LĐ được Lãnh đạo Công ty quan tâm; việc tổ chức, hội nghị người lao động, đối thoại người lao động ngày càng đi vào nền nếp, đúng quy định.

Thực hiện hoạt động phản biện xã hội, Công đoàn tổ chức cho cán bộ, CNVC-LĐ tham gia ý kiến vào các dự thảo luật như: Luật Dân sự, Luật Hình sự, Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật Bảo hiểm xã hội; các văn bản dự thảo của Tổng công ty, Công ty và các cơ quan, ban, ngành về tổ chức triển khai thực hiện đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Các ý kiến tham gia của các Tổ công đoàn luôn sát với thực tiễn, hợp tình hợp lý đều được Tổng công ty, chấp thuận bổ sung, sửa đổi trong các dự thảo.

Có thể khẳng định, hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Công đoàn và tổ chức Đoàn thanh niên Công ty Điện lực Phú Thọ trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc góp phần cho các Tổ công đoàn, cán bộ, công nhân viên chức, lao động thực hiện ngày càng tốt hơn chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; quy chế dân chủ cơ sở; các chế độ chính sách. Qua giám sát, phản biện xã hội, các tổ chức Đoàn thể đã phản ánh được tâm tư, nguyện vọng, đời sống, lao động, việc làm của cán bộ, công nhân viên chức, lao động và thực tế hoạt động của Công ty để từ đó có sự chỉ đạo đối với các tổ chức đoàn thể không ngừng thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đồng thời điều chỉnh, bổ sung kịp thời các chính sách, chương trình, kế hoạch sát với thực tiễn đời sống xã hội, bảo đảm cho các tập thể, cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, tạo điều kiện Công ty không ngừng phát triển.

Hoạt động góp ý xây dựng Đảng của tổ chức Đoàn thể tại Công ty luôn được bám sát theo các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, EVN và Tổng công ty, Công ty; Xây dựng kế hoạch, chương trình hành động và triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Tổng công ty lần thứ III, nhiệm kỳ 2020 – 2025; Nghị quyết Đại hội đại biểu TP Hồ Chí Minh khóa XI và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Việc xây dựng và chấp hành các quy chế quản lý nội bộ của Công ty; việc triển khai thực hiện Chủ đề năm 2022 của Công ty, một số chỉ tiêu chính trong kế hoạch SXKD trong năm của Công ty như về nâng cao năng suất lao động, đầu tư phát triển lưới điện; Thực hiện chuyển đổi số trong các lĩnh vực hoạt động sản xuất – kinh doanh và quản trị doanh nghiệp; nâng cao trách nhiệm với xã hội, nội dung công tác phối hợp đã đựơc đưa vào Hội nghị người lao động năm 2022; thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về dân chủ ở cơ sở.

Ban chấp hành Công đoàn, Ban chấp hành Chi đoàn Công ty định kỳ mỗi quý thực hiện góp ý cho Đảng ủy Công ty thông qua Hội nghị Ban lãnh đạo Công ty làm việc với Đoàn thể định kỳ hàng quý và thực hiện góp ý các dự thảo các văn bản.

Thực tiễn cho thấy, qua công tác giám sát và phản biện xã hội, các tổ chức Đoàn thể đã phát hiện những nội dung còn thiếu, chưa sát, chưa đúng, chưa phù hợp trong các văn bản dự thảo của các cơ quan Đảng, Nhà nước; kiến nghị những nội dung thiết thực, góp phần bảo đảm tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn và tính hiệu quả trong việc hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; phản ánh, đề xuất với cấp ủy, chính quyền các cấp việc thực hiện các cơ chế, chính sách.

Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, hoạt động giám sát, phản biện xã hội của tổ chức Đoàn thể trong thời gian vừa qua vẫn bộc lộ những hạn chế. Vai trò của tổ chức Đoàn thể trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước chưa thực sự sâu sắc, toàn diện. Công tác chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện hoạt động giám sát, phản biện xã hội của tổ chức Công Đoàn, Đoàn thanh niên cấp trên đối với tổ chức cấp dưới chưa thể hiện tính đặc thù về tình hình kinh tế - xã hội, đặc điểm công tác; chưa xác định rõ nội dung, hình thức trọng tâm cần tập trung triển khai phù hợp với năng lực của các tổ chức.

Đồng chí Lại Xuân Phương- Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Phú Thọ nhấn mạnh, để phát huy tốt hơn vai trò của các tổ chức đoàn thể trong công tác góp ý xây dựng Đảng và giám sát và phản biện xã hội, trong thời gian tới, Công đoàn, Đoàn thanh niên Công ty đề xuất một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là: cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt về Quy chế giám sát và phản biện xã hội để thống nhất về nhận thức trong tổ chức đoàn thể; có như vậy công tác giám sát và phản biện xã hội của tổ chức đoàn thể mới đạt được hiệu quả, phát huy được dân chủ, tập hợp được ý kiến đông đảo Cán bộ công nhân viên – người lao động trong Công ty tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Hai là: Định kỳ hàng năm, tổ chức đoàn thể cần chủ động lựa chọn những nội dung, vấn đề bức xúc mà Công ty đang quan tâm có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Đoàn viên nói riêng, Cán bộ công nhân viên – người lao động trong Công ty để xây dựng kế hoạch triển khai công tác giám sát và phản biện xã hội, trong đó cần đặc biệt quan tâm đến việc lựa chọn phương pháp giám sát, phản biện phù hợp.

Ba là: Trước khi tổ chức giám sát phải chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ cho đoàn giám sát. Đặc biệt là tài liệu liên quan đến nội dung giám sát gửi cho tất cả các thành viên của đoàn giám sát để nghiên cứu trước khi giám sát; đồng thời cần có sự phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên của Đoàn giám sát.

Bốn là: Đoàn giám sát phải thực hiện đầy đủ đúng quy trình, phù hợp với chức năng nhiệm vụ từ khâu lựa chọn nội dung, báo cáo xin ý kiến cấp ủy, xây dựng kế hoạch, thành lập đoàn giám sát, tổ chức giám sát, tổng hợp báo cáo, thông báo kết quả giám sát... phải đảm bảo đúng mục đích yêu cầu đặt ra.

Năm là: Cần bố trí, lựa chọn những Cán bộ có chuyên môn sâu, năng lực nhìn nhận, phân tích, đánh giá vấn đề, có tư duy độc lập và năng lực tổng hợp, phản biện, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần trách nhiệm đối với công việc; thường xuyên bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.

Sáu là: Cần phối hợp chặt chẽ giữa Công đoàn và Đoàn thanh niên Công ty với cấp Uỷ đảng, chính quyền các cấp trong việc cung cấp thông tin, đảm bảo để thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội theo đúng các quy định hướng dẫn. Các cấp ủy đảng, chính quyền cần tạo mọi điều kiện để tổ chức đoàn thể Công ty tổ chức giám sát và phản biện xã hội đạt hiệu quả hơn./.

Chi Mai