Hệ thống xe buýt TP.Hồ Chí Minh đã xuống cấp cần thay mới để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân (Ảnh: K.V)

Theo đó, TP.Hồ Chí Minh đang đầu tư thêm các xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch, dự kiến đến cuối năm nay sẽ có hơn 800 xe sử dụng khí thiên nhiên (CNG), hoạt động trên 39 tuyến xe buýt có trợ giá của Thành phố.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các xe buýt sử dụng CNG được tiếp nhiên liệu dễ dàng, Ủy ban nhân dân TP.Hồ Chí Minh đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam xem xét, chỉ đạo Công ty cổ phần Kinh doanh khí hóa lỏng miền Nam tiếp tục ưu tiên và đẩy nhanh tiến độ xây dựng mới 9 vị trí trạm nạp nhiên liệu CNG, cụ thể là tại khu vực Công viên 23-9, Bến xe Chợ Lớn, Ga hành khách quận 8, Bến xe buýt Tân Phú, Bến xe Miền Ðông, Bến xe Miền Tây, Bến xe Ngã tư Ga, Bến xe HTX 19-5, Bến xe Củ Chi, đồng thời mở rộng 4 trạm nạp nhiên liệu CNG hiện đang hoạt động. Về giá cung cấp khí CNG, TP.Hồ Chí Minh cũng đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam xem xét cơ chế, chính sách thống nhất về giá cung cấp trên địa bàn, có thể giữ ổn định giá bán bằng 60% so với giá dầu DO cho hoạt động xe buýt của Thành phố.

Hiện, các phương tiện xe buýt sử dụng CNG được nạp nhiên liệu tại bốn trạm gồm: Bãi xe buýt Phổ Quang, Bến xe buýt Ðại học Quốc gia, Bến xe An Sương và trạm Tân Kiên, với công suất nạp là 256 xe/380 xe và giá cung cấp bằng 60% so với giá dầu DO. Theo Trung tâm Quản lý và Điều hành Vận tải Hành khách Công cộng TP.Hồ Chí Minh, việc đưa vào hoạt động các xe buýt sử dụng khí CNG mang lại hiệu quả tích cực, góp phần cải thiện chất lượng dịch vụ, tạo diện mạo mới cho loại hình vận tải hành khách công cộng của thành phố và góp phần không nhỏ trong việc giảm thấp nhất tình trạng ô nhiễm môi trường. So với động cơ xăng và dầu DO, sử dụng khí CNG động cơ vận hành êm, các khí độc hại giảm từ 53 đến 63%, khí CO2 giảm 20%, không gây bụi và khói đen.

Liên quan đến hoạt động xe buýt tại TP.Hồ Chí Minh, Trung tâm Quản lý và Điều hành Vận tải Hành khách Công cộng Thành phố này cho biết, tính đến nay trên địa bàn Thành phố đã có trên 100 tuyến xe buýt có trợ giá và trên 30 tuyến xe buýt không trợ giá, với tổng số phương tiện là trên 2500 xe. Tuy nhiên, lượng hành khách đi xe buýt có chiều hướng giảm, nguyên nhân được cho là do thái độ phục vụ hành khách của lái xe, nhân viên soát vé chưa tốt, vẫn còn tình trạng hành khách bị móc túi khi đi xe buýt.

Trong khi đó, nhiều tài xế xe buýt do không chịu được áp lực làm việc quá căng thẳng đã xin nghỉ việc khiến cho không ít đơn vị vận tải gặp khó trong việc quản lý đội ngũ tài xế. Qua quá trình khai thác chất lượng phương tiện đã xuống cấp, không còn thu hút người dân. Người dân chê xe buýt còn do tình hình phân luồng giao thông phục vụ thi công làm cho lộ trình xe buýt bị kéo dài hơn, thời gian hành trình của chuyến xe tăng lên ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của hành khách. Việc điều chỉnh lộ trình của các tuyến bị ảnh hưởng do thi công này cũng đã làm ảnh hưởng đến nhu cầu chuyển tuyến của hành khách sang các tuyến khác hoặc chuyển sang sử dụng phương tiện cá nhân. Cơ sở hạ tầng giao thông chưa hoàn thiện nên hoạt động của xe buýt chưa thuận lợi, không có làn đường ưu tiên cho xe buýt, luồng tuyến xe buýt chưa hợp lý vì thiếu bến bãi dẫn đến sự trùng lắp tuyến trên các trục đường chính.

Đối với trạm dừng nhà chờ, bến bãi, quỹ đất dành cho xe buýt ít, chưa thuận lợi, phù hợp cho việc kết nối mạng, chuyển tuyến, nhiều trạm dừng nhà chờ chưa được bố trí hợp lý, thiếu ô sơn, nhà chờ, thậm chí bị chiếm dụng làm cho xe ra vào trạm gặp rất nhiều khó khăn gây chậm thời gian chuyến đi và an toàn cho hành khách  trên xe, ngoài ra còn gây cản trở cho các phương tiện khác cùng tham gia giao thông.v.v../.

K.V