Đóng góp tích cực và hiệu quả cho sự phát triển chung của Vùng

Sinh viên ĐHQG-HCM học thiết kế vi mạch.

ĐHQG-HCM là nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực Đông Nam Bộ và cả nước. ĐHQG-HCM đang triển khai 59 chương trình chất lượng cao, 43 chương trình tài năng, 03 chương trình tiên tiến. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp được làm đúng nghề ở mức cao, trung bình đạt trên 90%, được các nhà tuyển dụng tin tưởng, đánh giá cao.

Theo số liệu năm 2023, ĐHQG-HCM hiện có tổng số 37.572 sinh viên (SV) của Vùng Đông Nam Bộ đang theo học trong đó nhiều nhất là TP Hồ Chí Minh với 24.140 SV, tiếp theo lần lượt là Đồng Nai (5.224 SV), Bình Dương (2840 SV), Bà Rịa - Vũng Tàu (2.415 SV), Bình Phước (1.592 SV), Tây Ninh (1.361 SV).

ĐHQG-HCM đã ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện với 5 địa phương của Vùng; đã tham gia xây dựng, tư vấn và phản biện nhiều chính sách; hỗ trợ công tác quản trị, tuyển sinh, đào tạo cho các trường đại học, cao đẳng; thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đóng góp tích cực và hiệu quả cho sự phát triển chung của Vùng.

Vị trí chiến lược Với tổng diện tích 643ha vừa được Thủ tướng Chính phủ phê quyệt quy hoạch chi tiết 1/2000 tháng 7/2023, tọa lạc trên địa bàn thành phố Thủ Đức và thành phố Dĩ An, nằm ở vị trí thuận lợi, ngay cửa ngõ Đông Bắc TP Hồ Chí Minh, gần Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, tiếp giáp nhiều khu công nghiệp lớn của các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, khu đô thị ĐHQG-HCM có diện tích rộng, cảnh quan tự nhiên đẹp, hệ thống giao thông thuận tiện, là vị trí kết nối chiến lược các địa phương trong Vùng.

Quy mô đào tạo lớn nhất cả nước với hơn 90.000 sinh viên đại học, gần 10.000 học viên sau đại học; Chương trình đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực: khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, kỹ thuật công nghệ, quản lý kinh tế - luật, khoa học sức khỏe và khoa học nông nghiệp; đủ trình độ từ đại học (139 ngành), thạc sĩ (141 ngành) và tiến sĩ (98 ngành). Đội ngũ giảng viên đa phần tâm huyết, trách nhiệm và có trình độ chuyên môn cao (~1.500 giảng viên có trình độ tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư); liên tục bổ sung cán bộ nghiên cứu trẻ được đào tạo bài bản trong nước và quốc tế.

Đặc biệt, ĐHQG-HCM có số lượng cựu sinh viên lớn, thành công trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Mạng lưới đối tác trong nước và quốc tế luôn được mở rộng. ĐHQG-HCM có mạng lưới đối tác học thuật quốc tế là các tổ chức giáo dục hàng đầu từ châu Á, châu Âu, châu Mỹ và châu Úc; Tạo được uy tín tốt trong phát triển và triển khai các dự án với nhiều tổ chức quốc tế (năm 2023, ĐHQG-HCM đang triển khai 04 dự án quốc tế do Ngân hàng thế giới, tổ chức USAID của Hoa Kỳ, tổ chức KOICA của Hàn Quốc, tổ chức ACIAR của Australia tài trợ với tổng kinh phí hơn 132 triệu USD); Ký kết và triển khai hiệu quả nhiều hợp tác với các bộ - ngành - địa phương, doanh nghiệp.

ĐHQG-HCM thuộc top 1.000 các trường đại học tốt nhất thế giới, đứng vị trí 167 các trường đại học xuất sắc nhất châu Á. ĐHQG-HCM là cơ sở dẫn đầu cả nước về công bố quốc tế (năm 2023 công bố ~2.400 bài), về số lượng chương trình kiểm định quốc tế (tính đến tháng 8/2023 có 126 chương trình). Có 6/7 trường đại học thành viên của ĐHQG-HCM đã thực hiện tự chủ chi thường xuyên. Thầy cô giáo và sinh viên của ĐHQG-HCM đạt nhiều giải thưởng danh giá về khoa học và công nghệ trong nước và quốc tế như Giải thưởng Kovalevskaia, Giải thưởng L’OrealUNESCO, Giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN, Giải thưởng Tạ Quang Bửu, Giải thưởng Quả cầu vàng,…

Với những đóng góp thiết thực, có giá trị đối với sự phát triển kinh tế - xã hội TP Hồ Chí Minh nói riêng và các tỉnh Đông Nam Bộ nói chung, ĐHQG-HCM được Thủ tướng Chính phủ tin tưởng giao chủ trì Đề án “Phát triển Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thuộc nhóm cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á”. Đề án này thuộc Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết 24.

Đẩy mạnh đào tạo ngành thiết kế vi mạch

Mục tiêu đến năm 2030, ĐHQG-HCM thuộc nhóm 100 cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á, kiến tạo động lực tăng trưởng mới, không gian phát triển mới, nhanh và bền vững cho vùng Đông Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung thông qua các hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, gắn kết và phục vụ cộng đồng, cụ thể: đến năm 2025, ĐHQG-HCM có 10 nhóm ngành nằm trong top 100 theo bảng xếp hạng nhóm ngành các đại học châu Á. Đến năm 2030, ĐHQG-HCM nằm trong top 100 các đại học hàng đầu châu Á. Đến năm 2045, ĐHQG-HCM nằm trong top 50 các đại học hàng đầu châu Á.

Theo đó, ĐHQG-HCM sẽ đào tạo 1.500 kỹ sư và 500 thạc sĩ thiết kế vi mạch; đào tạo và cấp chứng chỉ công nghiệp và quốc tế về thiết kế vi mạch cho khoảng 15.000 kỹ sư; đào tạo hơn 10.000 kỹ sư, cử nhân, 3.200 thạc sĩ và 600 tiến sĩ ngành Công nghệ sinh học và một số nhóm ngành liên quan; đào tạo hơn 20.000 cử nhân, kỹ sư, 2.000 thạc sĩ, 300 tiến sĩ trong lĩnh vực Công nghệ thông tin và AI.

Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ đạt trên 75%. Có hơn 200 chương trình đào tạo bậc đại học, sau đại học được kiểm định bởi các tổ chức kiểm định quốc tế; 20 chương trình đào tạo được 2 trường thành viên cấp bằng. Đào tạo tốt nghiệp khoảng 140.000 cử nhân, kỹ sư, kiến trúc sư, bác sĩ, thạc sĩ, tiến sĩ có kiến thức toàn diện, có trách nhiệm xã hội, có tư duy khởi nghiệp và có kỹ năng lãnh đạo. Tỷ lệ sinh viên có việc làm sau một năm tốt nghiệp đạt trên 90%. Đạt hơn 10 huy chương vàng trong các kỳ thi Olympic quốc tế cho các môn toán, tin học, vật lý, hóa học và sinh học.

Công bố hơn 35.000 bài báo khoa học trong danh mục Scopus; Xuất bản định kỳ báo cáo phân tích, dự báo kinh tế xã hội, văn hóa Việt Nam; Hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia với tổng diện tích sàn xây dựng 42.000m2 ; Ươm tạo ít nhất 10 công ty khởi nghiệp gọi vốn thành công với quy mô trên 10 triệu USD/dự án; Các chương trình đào tạo và nghiên cứu về Công nghệ bán dẫn, Công nghệ thông tin và Trí tuệ nhân tạo, Công nghệ sinh học nằm trong tốp 50 của châu Á…

Để đạt mục tiêu trên, ĐHQGHCM tập trung mở rộng chương trình đào tạo liên ngành cho một số lĩnh vực then chốt như: Công nghệ bán dẫn, thiết kế vi mạch….

Trong giai đoạn sắp tới, ước đoán ngành vi mạch trong nước cần 1.000 kỹ sư mỗi năm, nhưng hiện tại Việt Nam không có nhiều nhân lực chuyên về sản xuất, thiết kế vi mạch, cũng như chưa có sản phẩm mẫu, sản phẩm thương mại hóa. Do đó, vẫn còn khoảng trống trong việc đào tạo nhân lực phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp.…

Nhằm góp phần tăng cường nhân lực cho ngành này, ĐHQG-HCM đang hướng đến việc xây dựng chương trình đào tạo khoảng 1.000 kỹ sư thiết kế vi mạch trong giai đoạn 2023-2027, cụ thể thông qua các khóa đào tạo năng lực 200 kỹ sư/năm và 100 sinh viên tốt nghiệp/năm. Trong giai đoạn 5 năm này, ĐHQG-HCM đặt mục tiêu hình thành từ 4 nhóm nghiên cứu mạnh trở lên trong lĩnh vực thiết kế vi mạch. Khung chương trình đào tạo sẽ gồm các khóa chuyên sâu, cấp tốc và hợp tác với doanh nghiệp. Kỹ sư tốt nghiệp có thể nhận chứng chỉ quốc tế để đi làm hoặc học lên bậc sau đại học.

PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG-HCM, cho biết chương trình đào tạo tiên tiến về thiết kế vi mạch ở bậc đại học và sau đại học của ĐHQG-HCM sẽ gắn liền với thực tiễn của các doanh nghiệp, kinh nghiệm từ các quốc gia có thế mạnh, và kết nối với định hướng chung từ Chính phủ. Đào tạo và nghiên cứu vi mạch sẽ triển khai song hành, các phòng thí nghiệm hiện đại phục vụ hai mục tiêu này sẽ được xây dựng. Phòng thí nghiệm không chỉ phục vụ cho các chuyên gia, sinh viên trong hệ thống ĐHQG-HCM mà có thể sẽ mở rộng khả năng phục vụ cho các nhà khoa học, sinh viên quan tâm đến vi mạch, bán dẫn ở khu vực phía Nam.

ĐHQG-HCM thể hiện vai trò chủ động trong việc tham gia thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp vi mạch tại Việt Nam. Hiện nay nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao về vi mạch trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. ĐHQG-HCM với vai trò là một trong hai hệ thống giáo dục lớn nhất Việt Nam, sẽ là nơi tiên phong trong viêc xây dựng các chương trình đào tạo chuyên sâu về vi mạch.

ĐHQG-HCM hướng đến hoàn thiện khung chương trình đào tạo và nghiên cứu lĩnh vực thiết kế vi mạch; xúc tiến hợp tác với các trường đại học, tổ chức quốc tế, địa phương và doanh nghiệp trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu vi mạch. Trước mắt ĐHQG-HCM tập trung xây dựng khung chương trình và triển khai đào tạo đại học và sau đại học tiên tiến ngành thiết kế vi mạch; triển khai đào tạo cấp chứng chỉ công nghiệp và quốc tế về thiết kế vi mạch.

Sau đó, xây dựng, cập nhật chương trình đào tạo về Công nghệ thông tin và AI theo hướng liên ngành. Công nhận các tín chỉ trên nền tảng MOOC của các trường đại học hàng đầu thế giới. Kiểm định các chương trình đào tạo theo chuẩn ABET/AUN và các tiêu chuẩn quốc tế. Triển khai chương trình đào tạo tích hợp từ đại học đến tiến sĩ; chương trình đồng đào tạo với doanh nghiệp. Tập huấn bồi dưỡng giáo viên, giảng viên kiến thức chuyên sâu; Phát triển mạng lưới giảng viên, chuyên gia trong nước và quốc tế….

Để phát triển ĐHQG-HCM trở thành trung tâm nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực Công nghệ bán dẫn thuộc nhóm hàng đầu châu Á cần có nhiều giải pháp quan trọng trong đó, cần thành lập, phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, hợp tác với các đối tác công nghiệp và quốc tế để nghiên cứu và chế tạo.

Tiếp đến, nghiên cứu làm chủ một số công nghệ thiết kế vi mạch: (IP, ICs, sản phẩm điện tử ứng dụng), công nghệ vi mạch tương tự và siêu cao tần, thiết kế vi mạch tương tự và các hệ thống tích hợp công suất thấp, thiết kế hệ thống trên chip, thiết kế vi mạch theo định hướng ASIC; xây dựng chương trình MPW chế tạo thử nghiệm vi mạch.

Cùng với đó, thành lập Viện nghiên cứu bán dẫn ĐHQG-HCM (VNU-HCM Semiconductor Research Institute - VSRI) làm đầu mối phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, phòng thí nghiệm phục vụ đào tạo và nghiên cứu chuyên sâu, hiện đại trong lĩnh vực vi mạch; đẩy mạnh chế tạo thử nghiệm, nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế và phát minh sáng chế…./..



 

Chi Mai