Toàn cảnh diễn đàn. (Ảnh: Chi Mai)

Ngày 21/11/2023, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố (ITPC) phối hợp với Tổng lãnh sự quán Ấn độ tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ - Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam năm 2023.

Chương trình là dịp để các doanh nghiệp của Việt Nam và Ấn Độ gặp gỡ, giao lưu, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh, nâng cao mối quan hệ đối tác truyền thống, bạn bè gần gũi và thân thiết giữa hai nước. Thông qua diễn đàn, doanh nghiệp hai nước sẽ tìm kiếm được nhiều đối tác tiềm năng tương xứng và các cơ hội hợp tác kinh doanh – xuất nhập khẩu mới tại thị trường hai nước, góp phần thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai quốc gia nói chung cũng như mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Ấn Độ và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.

Theo số liệu của Tổng cục Hải Quan Việt Nam, trong năm 2022, tổng giá trị thương mại Việt Nam - Ấn Độ đạt 15,05 tỷ USD tăng 13,6% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu sang Ấn Độ đạt 7,96 tỷ USD, tăng 26,8% so với 6,28 tỷ USD năm 2021. Tổng giá trị nhập khẩu từ Ấn Độ trong năm 2022 đạt giá trị 7,09 tỷ USD tăng 1,8% so với 6,96 tỷ USD cùng kỳ năm trước. Ấn Độ trở thành đối tác thương mại đứng thứ 8 của Việt Nam. Ấn Độ hiện có hơn 400 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký khoảng hơn 1 tỷ USD, đứng thứ 26 trong tổng số 141 các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.

Thành phố Hồ Chí Minh luôn coi trọng mối quan hệ hợp tác kinh tế với Ấn Độ. Tính đến tháng 10 năm 2023, Ấn Độ đang có 237 dự án đầu tư với tổng số vốn lên hơn 130 triệu đô la, đứng thứ 23 trên 120 quốc gia có đầu tư vào Thành phố. Hai bên còn rất nhiều tiềm năng và dư địa để phát triển với thị trường hai nước rộng lớn, hàng hóa hai nước có sự bổ sung tốt cho nhau. Hiện nay, Việt Nam và Ấn Độ đã ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, Hiệp định về Khuyến khích và Bảo hộ Đầu tư giữa Việt Nam và Ấn Độ, Hiệp định Thương mại và Hợp tác Kinh tế giữa Việt Nam và Ấn Độ.

Thành phố Hồ Chí Minh với vị trí là một đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế và là đầu tàu có sức thu hút, sức lan tỏa của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bước sang năm mới 2024, cũng là thời điểm Thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực và Việt Nam cũng là một trong 143 thành viên tham gia quy định này của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), đây là cột mốc quan trọng đối với cả nhà đầu tư lẫn nước nhận đầu tư, khi thuế tối thiểu áp dụng tối thiểu 15% trên toàn cầu.

Bà Hồ Thị Quyên, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) cho biết, trong những năm qua Thành phố Hồ Chí Minh và Ấn Độ đã không ngừng củng cố, phát triển mối quan hệ trên các lĩnh vực hợp tác thương mại, đầu tư, giao lưu nhân dân.

Tuy nhiên, “Thành phố Hồ Chí Minh nhận thấy tiềm năng hợp tác với các đối tác Ấn Độ còn rất lớn và mong muốn Ấn Độ tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai bên gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội, đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực thế mạnh như thương mại, du lịch, khoa học-công nghệ, y tế, giáo dục...”, bà Hồ Thị Quyên nhấn mạnh.

Tại diễn đàn, Đại diện Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh đã giới thiệu về môi trường đầu tư tại thành phố. Theo đó, nhấn mạnh Hiện Thành phố Hồ Chí Minh đang áp dụng 4 các hình thức ưu đãi chính cho nhà đầu tư nước ngoài như: Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn, giảm thuế 10% trong thời hạn 15 năm, hoặc không quá 30 năm; Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất; Miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất. Thành phố sẽ miễn giảm tiền thuê trong thời gian xây dựng cơ bản trong vòng 3 năm, đồng thời miễn sau thời gian xây dựng từ 15 năm đến 19 năm tùy từng loại dự án; ưu đãi Khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế. Trong đó, thời gian trích khấu hao tài sản cố định từ 5 đến 20 năm với phương pháp tính khấu hao theo đường thẳng.

Đại diện Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, Thành phố Hồ Chí Minh vừa được Quốc hội Việt Nam thông qua Nghị quyết số 98 về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh với kỳ vọng rằng các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội sẽ tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá giải quyết các điểm nghẽn về kinh tế xã hội của Thành phố, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư, cụ thể: Thành phố được thí điểm mô hình đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD). Đây là mô hình định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch, phát triển đô thị, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư.

Cùng với đó, Thành phố được áp dụng loại hợp đồng xây dựng – vận hành – chuyển giao (BOT) đối với các dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu.

Bên cạnh đó, Thành phố được mở rộng lĩnh vực áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trong các lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo và văn hóa-thể thao

Nhấn mạnh về ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Thành phố, Bà Hồ Thị Quyên thông tin, Đó chính là đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); đầu tư nghiên cứu và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, năng lượng sạch có quy mô vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên (tương đương 125 triệu đô la); đầu tư dự án trong lĩnh vực công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip, pin công nghệ mới, vật liệu mới, công nghiệp năng lượng sạch có quy mô vốn đầu tư từ 30.000 tỷ đồng trở lên( tương đương 1.250 triệu đô la); đầu tư dự án xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ theo quy hoạch có quy mô vốn đầu tư từ 50.000 tỷ đồng trở lên (tương đương (2.083) triệu đô la./.

CM