Nông dân Bình Thuận thu hoạch thanh long. (Ảnh: Việt Quốc)
Hiện nay Trung Quốc đã khắt khe hơn về các quy định tiêu chuẩn hàng hóa thực phẩm. Mặt khác, nền kinh tế Trung Quốc dù lớn nhưng chủ yếu vẫn xuất khẩu, các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc rất tương đồng với Việt Nam, điều này vừa tạo khó khăn và thách thức đối với hàng hóa Việt Nam. Tuy ngành chế biến lương thực thực phẩm đang gặp khó khăn nhưng về lâu dài dư địa phát triển và tiềm năng xuất khẩu vẫn còn rất lớn nếu các doanh nghiệp khai thác tốt thị trường Trung Quốc và các thị trường tiềm năng khác.
Riêng với TP Hồ Chí Minh thì ngành chế biến lương thực, thực phẩm là một trong bốn ngành công nghiệp trọng điểm ưu tiên phát triển của TP. Năng lực sản xuất của doanh nghiệp sản xuất lương thực thực phẩm TP không chỉ đảm bảo đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân và thị trường trong nước mà đã xuất khẩu đến thị trường nhiều nước trên thế giới.
Để thích ứng, doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh đã từng bước chuyển sang phát triển theo chiều sâu, tối ưu hóa nguồn lực, nghiên cứu và đưa ra sản phẩm sử dụng có nguồn gốc thực vật, thực phẩm tốt cho sức khỏe, có chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và xu hướng tiêu dùng thực phẩm mới của khách hàng.
13 mặt hàng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc
Tình hình kinh tế - xã hội TP Hồ Chí Minh trong tháng 5 có một số điểm tích cực như chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tính tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 5,5% so với cùng kỳ; tính chung 5 tháng đầu năm 2023 chỉ số IIP trên địa Thành phố tăng 1,6% so với cùng kỳ. Đối với ngành ngành chế biến lương thực, thực phẩm là một trong bốn ngành công nghiệp trọng điểm của Thành phố, chiếm 14 - 15% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Ngành này cũng đóng góp từ 14 - 15% giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp trên địa bàn Thành phố, trong 5 tháng đầu năm 2023 chỉ số sản xuất công nghiệp ngành lương thực thực phẩm và đồ uống của ngành này giảm 4,7% so với cùng kỳ.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu rau quả Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt 804,646 triệu USD, tăng gần 28% so với cùng kỳ năm 2022 và chiếm 58,67% thị phần. Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Ðặng Phúc Nguyên cho biết, xuất khẩu rau quả tăng tại thị trường Trung Quốc một phần là do trong tháng 4, nhiều cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc tăng giờ hoạt động mỗi ngày để tiếp nhận xe hàng. Ðiều này cho thấy nhu cầu từ thị trường Trung Quốc đang rất lớn sau một thời gian dài suy giảm do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Về nông sản, trong 3 tháng đầu năm, sầu riêng Việt Nam chưa vào chính vụ cho nên xuất khẩu còn cầm chừng. Tháng 4 và tháng 5, nguồn cung sầu riêng bắt đầu lớn, xuất khẩu mặt hàng này có sự gia tăng mạnh mẽ. Ngoài ra, Việt Nam đã chính thức xuất khẩu khoai lang chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, tạo đà cho bước tăng trưởng của ngành hàng này. Đáng chú ý, tháng 4/2023, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã phê duyệt, cấp mã số cho 70 vùng trồng và 13 cơ sở đóng gói khoai lang đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch. Đặc biệt sắn lát khô là một trong những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng tại thị trường Trung Quốc trong 4 tháng qua với khối lượng xuất khẩu đạt 411,84 nghìn tấn, trị giá 108,75 triệu USD, tăng 17,9% về lượng và tăng 11,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 90,31% tổng lượng sắn lát khô xuất khẩu của cả nước. Xuất khẩu cà-phê của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm 2023 đạt 13,42 nghìn tấn, trị giá 40,38 triệu USD, giảm 7,4% về lượng và giảm 9,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, tháng 4/2023, giá xuất khẩu bình quân cà-phê của Việt Nam sang Trung Quốc đạt mức 2.940USD/tấn, giảm 1,5% so với tháng 3/2023 và giảm 11,3% so với tháng 4/2022. Tính chung bốn tháng đầu năm 2023, giá xuất khẩu bình quân cà-phê sang thị trường Trung Quốc đạt mức 3.006USD/tấn, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm 2022. Thị phần cà-phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc giảm từ 23,96% trong quý I năm 2022 xuống còn 13,9% trong quý I năm 2023. Số liệu thống kê cũng cho thấy, kim ngạch xuất khẩu cà-phê chế biến sang Trung Quốc đạt 24,23 triệu USD trong 4 tháng đầu năm nay, giảm 16,6% so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh đó, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam cũng vẫn chịu sức ép do nhu cầu tiêu thụ thấp. Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc giảm từ 39,36% trong quý I năm 2022 xuống 29,75% trong quý I năm 2023.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực thủy sản, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đang giảm mạnh. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt 363,28 triệu USD, giảm 31,95% so với bốn tháng đầu năm 2022.
Từ nửa cuối năm 2022, Việt Nam và Trung Quốc đã lần lượt ký nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sầu riêng, chuối, khoai lang, tổ yến sang thị trường Trung Quốc, mở ra cơ hội mới cho các mặt hàng thâm nhập sâu vào thị trường rộng lớn này. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tính đến nay, Việt Nam đã có 13 mặt hàng nông sản XK chính ngạch sang Trung Quốc, gồm: tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, vải, chanh dây và sầu riêng.
Hiện nay Trung Quốc là 1 trong 3 thị trường nhập khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Tính đến hết tháng 4/2023, giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 20,9%, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với Việt Nam, Trung Quốc được xem là đối tác thương mại lớn nhất về thị trường xuất khẩu. Cụ thể trong Quý I, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đến Trung Quốc đạt 11,9 tỷ USD, giảm 11,3% so với cùng kỳ. Các nhóm hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Trung Quốc bao gồm: nhóm hàng chế biến, chế tạo, đạt 9,5 tỷ USD, giảm 11,26% và nhóm hàng nông, thủy sản đạt 1,8 tỷ USD, tăng 2,39%.
Sản phẩm cần đạt chất lượng tốt, mới có cơ hội xuất khẩu.
Để gia tăng kim ngạch xuất khẩu tại thị trường Trung Quốc, các sản phẩm nông sản cần có chất lượng tốt và đáp ứng trúng nhu cầu của người tiêu dùng. Như với trái thanh long - một trong những mặt hàng xuất khẩu chính sang Trung Quốc thì ngoài yêu cầu về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định, các doanh nghiệp xuất khẩu cần hết sức lưu ý đến nhu cầu từng giai đoạn của thị trường này.
Mặc dù Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu thanh long lớn nhất thế giới, nhưng từ năm 2015 đến nay, kim ngạch nhập khẩu của nước này có chiều hướng chững lại và giảm dần do sự phát triển diện tích sản xuất thanh long trong nước đáp ứng thêm một phần nhu cầu người tiêu dùng. Do đó, nếu muốn giữ vững và tiếp tục tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu thanh long, thì người sản xuất và doanh nghiệp phải tạo ra được những lợi thế cạnh tranh lớn hơn về giá, độ ngọt, màu sắc cho sản phẩm. Với sản phẩm tiềm năng sầu riêng cũng vậy, hiện Trung Quốc đang mở rộng khai thác từ nhiều nguồn cung với các phương thức vận chuyển khác nhau cho nên Việt Nam muốn chiếm lĩnh thị trường cần phải nâng cao chất lượng, giảm giá thành và giữ uy tín sản phẩm.
Ðối với lĩnh vực thủy sản, giai đoạn 2018-2022, thương mại thủy sản Việt Nam-Trung Quốc đã tăng trưởng mạnh nhất trong các thị trường chính. Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ. Các sản phẩm thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều nhất là tôm, cua, cá hồi, mực, cá minh thái, cá tuyết, cá tra. Trong đó, tôm và cá tra là một trong số những sản phẩm xuất khẩu chủ lực. Tuy nhiên, thời gian qua do xuất khẩu hai mặt hàng này giảm, kéo theo kim ngạch xuất khẩu thủy sản chung sang Trung Quốc sụt giảm.
Theo VASEP, bên cạnh mặt hàng sụt giảm kim ngạch thì cá cơm khô xuất khẩu sang Trung Quốc đang có sức hút lớn với mức tăng 50% trong quý I năm 2023. Nhiều sản phẩm khác có giá trị xuất khẩu tăng mạnh như tôm khô, cá chỉ vàng đông lạnh, cá hố đông lạnh... Ðây cũng là gợi ý cho việc mở rộng mặt hàng xuất khẩu để bù đắp kim ngạch của các doanh nghiệp.
Việt Nam và Trung Quốc đã có nhiều thỏa thuận hợp tác song phương, cũng như các hiệp định đa phương như: Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); giai đoạn tới, Trung Quốc cũng đang thúc đẩy việc tham gia vào Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)….. Bên cạnh đó, do gần gũi về địa lý, tập quán tiêu dùng của người dân Trung Quốc có một số nét tương đồng với người Việt, mối quan hệ giao thương truyền thống có từ lâu đời, điều này tạo lợi thế rất lớn về hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.
“Dù hàng rào thuế quan cơ bản được dỡ bỏ khi Trung Quốc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do. Tuy nhiên, các biện pháp kỹ thuật lại được áp dụng nhiều hơn như: Tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật bị siết chặt, thường xuyên sử dụng các biện pháp tự vệ, chống bán phá giá”- ông Lương Văn Tài – Tùy viên thương mại bộ phận Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc chia sẻ.
Theo ông Lương Văn Tài, xu hướng tiêu dùng của người dân Trung Quốc, nhất là người tiêu dùng ở đô thị đang ngày càng quan tâm đến các sản phẩm tốt cho sức khỏe và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Trong đó, các quy định và hệ thống quản lý, giám sát về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc… đối với hàng hóa thực phẩm được quy chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế.
Ông Trần Phú Lữ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư và Thương mại TP Hồ Chí Minh (ITPC), để xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật nhu cầu của người tiêu dùng, tuân thủ quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc… của thị trường Trung Quốc.
Cùng quan điểm trên, ông Đinh Vĩnh Cường, Chủ tịch Tập đoàn 365 Group cho biết, để xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, chúng ta nên xây dựng chiến lược phát triển ngành, xây dựng thương hiệu song song với xây dựng vùng sản xuất, vùng nuôi trồng chuyên canh tập trung, quy mô lớn dựa theo tín hiệu thị trường. Đồng thời, doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật và tuân thủ quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của thị trường Trung Quốc… Đồng thời, có chiến lược về vấn đề logistics, xây dựng được các kho bảo quản nông sản ở các địa phương biên giới. Điều này sẽ giúp bảo quản lâu hơn, giữ được chất lượng tốt khi đến thời hạn giao hàng./.