TP Thủ Đức thực hiện giám sát tại phường Thảo Điền. (Ảnh: PV)

Ban Thường vụ Thành ủy Thủ Đức đã chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc chủ trì và phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội các cấp của thành phố tổ chức 98 cuộc giám sát với nhiều nội dung khác nhau. Ngoài ra, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường giám sát 615 cuộc; Ban Thanh tra Nhân dân các phường 192 cuộc và Ban giám sát đầu tư cộng đồng các phường tổ chức 300 cuộc.

Đặc biệt, Ban Thường vụ Thành ủy Thủ Đức cũng đã chỉ đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Thủ Đức chủ trì thành lập 12 Đoàn giám sát chuyên đề, đồng thời chỉ đạo Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố hướng dẫn Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường tổ chức 477 Hội nghị Nhân dân cấp phường với tổng 28.851 lượt người tham dự, 5.019 ý kiến, kiến nghị.

Ngoài ra, Mặt trận Tổ quốc thành phố phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân thành phố tham gia giám sát về các lĩnh vực kinh tế, văn hoá - xã hội, thực hiện chính sách, pháp luật của các cơ quan khối Nội chính. Đáng chú ý là trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII, khoá XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, Ủy ban Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Việt Nam thành phố đã tổ chức 25 cuộc giám sát tại Ủy ban nhân dân các phường và Phòng Nội vụ thành phố về việc chấp hành các quy định của pháp luật về bầu cử.

Về công tác phản biện xã hội, Ban Thường vụ Thành ủy Thủ Đức luôn quan tâm chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố quan tâm công tác phản biện xã hội; qua đó tổ chức 98 cuộc phản biện về các vấn đề được Nhân dân quan tâm.

Song song với các hoạt động giám sát, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phối hợp Hội đồng nhân dân tổ chức tốt các cuộc tiếp xúc cử tri với Đại biểu Quốc hội khóa XV; phối hợp tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, sau các kỳ tiếp xúc cử tri, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Thủ Đức luôn giám sát, theo dõi, đôn đốc chính quyền trả lời, giải quyết các kiến nghị chính đáng của cử tri, của Nhân dân. Các kiến nghị, phản ánh đều được giải quyết kịp thời.

 

Tuy nhiên quá trình thực hiện còn gặp một số khó khăn vướng mắc như: một số đơn vị còn bị động từ khâu lựa chọn hình thức phối hợp đến nội dung, đối tượng giám sát; kế hoạch giám sát và phản biện xã hội đề ra chưa thực sự đáp ứng với nhu cầu cần được giám sát và phản biện xã hội từ phía chính quyền; việc tuyên truyền, vận động, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân có lúc, có nơi chưa kịp thời, từ đó ảnh hưởng đến hiệu quả công tác giám sát tại cơ sở; công tác phản biện có thực hiện thường xuyên nhưng chưa rõ nét, chủ yếu thực hiện ở việc tham gia góp ý kiến vào dự thảo các văn bản của Trung ương, của TP Hồ Chí Minh, TP Thủ Đức.

Do đó, thời gian tới, công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của cấp ủy Đảng, sự phối hợp tích cực, trách nhiệm của chính quyền, sự thống nhất của các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên; phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thành viên các tổ tư vấn; cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trên các lĩnh vực.

Cùng với đó, phát huy vai trò chủ động, chủ trì, tham mưu của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong việc tổng hợp, xác định nội dung giám sát, phản biện của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; kịp thời báo cáo, xin ý kiến thống nhất của cấp ủy cùng cấp. Trao đổi, thống nhất với Ban Dân vận Thành uỷ, Ủy ban nhân dân thành phố, Khối vận Đảng uỷ, Ủy ban nhân dân các phường để tránh trùng lắp, chồng chéo trong quá trình đối thoại, giám sát và phản biện xã hội.

Mặt khác, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội; tạo điều kiện về cơ chế và kinh phí đảm bảo cho hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Kết hợp chặt chẽ giữa việc nắm bắt dư luận xã hội, tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của đoàn viên, hội viên và Nhân dân với hoạt động giám sát, phản biện, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc  Việt Nam và các tổ chức thành viên ở từng cấp.

Căn cứ tình hình thực tế của từng địa phương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp lựa chọn những nội dung, vấn đề giám sát, phản biện xã hội phù hợp, những vấn đề mà xã hội và Nhân dân đang quan tâm để báo cáo với Thành uỷ, Đảng uỷ phường thống nhất với chính quyền cùng cấp xây dựng kế hoạch thực hiện.

Quá trình triển khai, thực hiện giám sát, phản biện xã hội phải đúng quy định, đảm bảo quy trình, trung thực, khách quan. Việc tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị sau phản biện của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được đầy đủ nhưng có sự chắt lọc kỹ càng, đảm bảo căn cứ pháp lý, khoa học và thực tiễn; các giải pháp đưa ra phải thực sự phát huy tính chủ động, tự giác, tích cực, coi trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân, đảm bảo hiệu quả, tính khả thi. Đồng thời, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội phải theo dõi, đôn đốc, giám sát việc tiếp thu, thực hiện kiến nghị của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị sau giám sát, phản biện và góp ý./.

CM