Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Củ Chi giải ngân vốn tại Điểm giao dịch xã.

Thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, với trọng trách và sứ mệnh mà Chính phủ và Thành phố trao cho Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Thành phố - Ngân hàng chuyên biệt phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách khác, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tín dụng chính sách xã hội đã được minh chứng là một chính sách đúng đắn, thể hiện sự ưu việt, nhân văn của Đảng và Nhà nước, có ý nghĩa to lớn trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới và góp phần quan trọng trong việc hạn chế “tín dụng đen” trên địa bàn Thành phố.

Tại Điều 5, Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ quy định “Việc cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội được thực hiện theo phương thức ủy thác cho các tổ chức tín dụng, đoàn thể chính trị - xã hội theo hợp đồng ủy thác hoặc trực tiếp cho vay đến người vay”, Ngân hàng Chính sách xã hội cùng các đoàn thể chính trị - xã hội nhận ủy thác qua đó đã xây dựng một phương thức quản lý, tổ chức cho vay vốn rất đặc thù bảo đảm khai thác tích cực điểm mạnh thể chế, cấu trúc chính trị của Việt Nam nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và xã hội tham gia vào công tác giảm nghèo. Nhất là sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/ TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, vai trò trách nhiệm giữa Ngân hàng Chính sách xã hội và các đoàn thể chính trị - xã hội trong thực hiện chính sách tín dụng ngày càng được phát huy hiệu quả trong việc hỗ trợ các đối tượng chính sách để đưa nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước đến với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, giúp nông dân sử dụng vốn đúng mục đích, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Đặc biệt, trong quá trình tổ chức thực hiện công việc ủy thác, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với các cấp Hội Nông dân của Thành phố thường xuyên tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về hoạt động tín dụng chính sách; ban hành văn bản các loại để chỉ đạo, triển khai, hướng dẫn và tổ chức thực hiện; trực tiếp và phối hợp tổ chức các hoạt động kiểm tra, giám sát, tập huấn hằng năm; xây dựng các tin bài, phóng sự tuyên truyền về tín dụng chính sách xã hội,...

Năm 2018, các cấp Hội Nông dân Thành phố đang quản lý 758 Tổ Tiết kiệm và vay vốn, với dư nợ ủy thác qua tổ chức Hội là 735 tỷ 532 triệu đồng cho 32.999 tổ viên đang còn dư nợ. Đến 30/6/2023, dư nợ là 1.549 tỷ 992 triệu đồng tăng 814 tỷ 460 triệu đồng và tăng 210% so với năm 2018, dư nợ tăng bình quân 42%/năm. Nợ quá hạn năm 2018 là 0,77%/ tổng dư nợ được giảm dần qua các năm, hiện nay nợ quá hạn chiếm 0,47%/tổng dư nợ ủy thác của Hội. Chất lượng hoạt động của Tổ Tiết kiệm và vay vốn do Hội quản lý ngày càng được nâng cao, có 696 Tổ xếp loại tốt, khá (chiếm tỷ lệ 92,2%). Nguồn vốn tín dụng chính sách ủy thác qua Hội Nông dân đã giúp cho gần 150.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác, trong đó có hội viên nông dân Thành phố được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế, việc làm và giải quyết một phần nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống.

Kết quả trên khẳng định sự gắn bó chặt chẽ, mật thiết giữa Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TP Hồ Chí Minhvà các cấp Hội Nông dân của Thành phố ngay từ những ngày đầu tham gia công tác ủy thác. Phát huy điểm mạnh của một bên là Ngân hàng - tổ chức tài chính tín dụng chuyên nghiệp, trực tiếp quản lý, thực hiện các hoạt động cho vay, thu hồi vốn vay theo quy định và một bên là mạng lưới tổ chức Hội Nông dân trải rộng từ Thành phố đến cơ sở và tại các chi, tổ Hội Nông dân ở các khu phố, ấp,… cùng hơn 150 cán bộ Hội Nông dân các cấp của Thành phố tham gia thực hiện một số nội dung công việc trong quy trình cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác  đã và đang là cầu nối đưa vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng một cách nhanh chóng, hiệu quả, đảm bảo dân chủ, công khai và minh bạch góp phần giúp cho hội viên nông dân nói riêng và các hộ thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhiều cơ hội tiếp cận vốn chính sách tín dụng.

Từ đó, đã nâng cao nhận thức của người vay trong việc tuân thủ nguyên tắc tín dụng “có vay có trả”; chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, người vay không chỉ biết nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm mà còn biết quản lý, sử dụng vốn hiệu quả và nắm bắt thị trường. Các cấp Hội Nông dân qua đó có thêm điều kiện, nguồn lực để tập hợp, đoàn kết nông dân, xây dựng các chi, tổ Hội Nông dân; hoạt động và phong trào nông dân trở nên thiết thực hơn, thu hút nhiều nông dân vào tổ chức Hội góp phần phát huy được vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong các phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động ủy thác tại cơ sở vẫn còn một số hạn chế tồn tại cần khắc phục như: Một số nơi, tổ chức Hội Nông dân cơ sở chưa phối hợp chặt chẽ với chính quyền và Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc chỉ đạo, quản lý hoạt động của Tổ Tiết kiệm và vay vốn, di biến động của tổ viên hay đôn đốc thu hồi một khoản nợ tồn đọng. Công tác kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác của một số cơ sở Hội Nông dân còn chưa đầy đủ. Trình độ năng lực đội ngũ cán bộ quản lý Tổ chưa đồng đều, có nơi còn hạn chế.

Để khắc phục khó khăn tồn tại, Đại diện lãnh đão Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho rằng: công tác tuyên truyền hết sức quan trọng giúp người vay hiểu đúng về mục đích, ý nghĩa, quyền lợi và trách nhiệm của bản thân từ đó nâng cao chất lượng tín dụng, giảm tỷ lệ rủi ro; giúp cấp ủy, chính quyền các cấp nhận thức vị trí, vai trò, trách nhiệm đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội của địa phương mình.

Cùng với đó, xây dựng được cơ chế phối hợp chặt chẽ, cụ thể giữa Hội Nông dân Thành phố và Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Thành phố. Mạng lưới Tổ Tiết kiệm và vay vốn có vai trò quan trọng là nơi bình xét, giám sát, đôn đốc trả nợ, thực hành tiết kiệm của tổ viên, nắm chắc tình hình sử dụng vốn của hộ vay do đó chất lượng Tổ Tiết kiệm và vay vốn là yếu tố quyết định chất lượng tín dụng trên địa bàn; bố trí cán bộ làm công tác ủy thác có tính ổn định, lâu dài, đủ năng lực, trình độ, nhiệt tình trách nhiệm trong tham mưu và tổ chức thực hiện hoạt động ủy thác ở các cấp Hội.

Mặt khác, Ban Thường vụ Hội Nông dân các cấp phải chủ động, phối hợp chặt chẽ với chính quyền và Ngân hàng Chính sách xã hội cùng cấp trong xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động hằng năm để gắn kết giữa việc cho vay vốn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và thực hiện các chương trình, nghị quyết của Hội.

Song song đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác của Hội cấp trên đối với cấp dưới, đối với Tổ Tiết kiệm và vay vốn, người vay vốn. Coi trọng công tác đào tạo, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ Hội và cán bộ Ban quản lý Tổ Tiết kiệm và vay vốn. Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo, giao ban, sơ kết, tổng kết theo định kỳ.

Để tiếp tục thực hiện hoạt động ủy thác giữa Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Thành phố và các đoàn thể chính trị - xã hội nói chung, Hội Nông dân Thành phố nói riêng ngày càng phát huy được hiệu quả; chính sách tín dụng ưu đãi ngày càng đi sâu vào đời sống nhân dân, góp phần tạo điều kiện cho Ngân hàng Chính sách xã hội và Hội Nông dân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao về mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội, Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Thành phố cũng kiến nghị các cấp Hội Nông dân của Thành phố cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Thành phố trong việc thực hiện tốt các nội dung ủy thác, khắc phục vấn đề còn tồn tại, yếu kém. Lồng ghép có hiệu quả giữa tín dụng chính sách xã hội với các chương trình, dự án, các hoạt động, phong trào do các cấp Hội Nông dân phát động hàng năm. Phối hợp với các cơ quan liên quan để hỗ trợ người vay về kỹ thuật, chuyển giao khoa học công nghệ, khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay.

Tiếp tục chú trọng công tác kiểm tra, giám sát; sơ, tổng kết hoạt động thực tiễn để có sự tổng hợp, đánh giá đúng thực trạng của đối tượng thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi theo sự phát triển kinh tế - xã hội, từ đó có những tham mưu, đề xuất Chính phủ, Thành phố ban hành những chủ trương, chính sách phù hợp, kịp thời./.

 

PV