Tại Việt Nam, hơn 20% chủ sở hữu doanh nghiệp vừa và nhỏ là phụ nữ. (Ảnh: PV)

Thị trường mua sắm toàn cầu trị giá hàng nghìn tỷ đô la và thu hút sự tham gia của các tổ chức lớn và nhỏ, nhà nước và tư nhân, thông qua việc trao đổi hàng hóa và dịch vụ. Tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, mua sắm công được ước tính khoảng 11 đến 13 nghìn tỷ đô la hàng năm.

Mặc dù vậy, trên toàn cầu các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chỉ nhận được 1% chi tiêu mua sắm công và tư. Bất bình đẳng giới có hệ thống, dựa trên các chuẩn mực giới lỗi thời đang cản trở phụ nữ có bối cảnh khác nhau về chủng tộc, giai cấp, khuynh hướng tình dục, năng lực, trình độ học vấn, được tiếp cận công bằng với các mạng lưới, tài chính và thị trường bao gồm cả thị trường mua sắm.

Điều này cản trở doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ từ khởi nghiệp đến mở rộng doanh nghiệp, hoặc tối ưu hóa lợi nhuận. Tiếp cận thị trường thông qua các cơ hội mua sắm là yếu tố quan trọng đối với các doanh nghiệp có trách nhiệm giới và doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ vì điều này giúp họ nâng cao quyền năng, tạo lợi nhuận, đóng góp hơn nữa cho nền kinh tế và để doanh nghiệp của họ phát triển.

Theo số liệu thống kê của Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư  cho biết, Thực tế là Việt Nam đã cao hơn mức trung bình toàn cầu với tỉ lệ 39% (tăng 6% so với năm 2020) và xếp thứ 3 trên thế giới (trong số 29 quốc gia được khảo sát) - sau Philippines và Nam Phi - ngang bằng với Brazil và Ấn Độ, và xếp thứ 2 ở Châu Á Thái Bình Dương sau Philippines 48%.

Các vị trí hàng đầu thường được phụ nữ đảm nhận trong doanh nghiệp tại Việt Nam năm 2021 là Giám đốc tài chính với tỉ lệ 60% (tăng từ 32% của năm 2020) đưa Việt Nam đứng số 1 tại Châu Á Thái Bình Dương. Vị trí Giám đốc Nhân sự đứng thứ hai với 59%, đây cũng là một vị trí rất phổ biến tại các khu vực còn lại của Châu Á Thái Bình Dương. Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong tỉ lệ phụ nữ giữ vị trí Giám đốc điều hành với mức tăng từ 7% lên 20% vào năm 2021 (xếp thứ 7 trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương).

Tuy nhiên, tại Việt Nam, hơn 20% chủ sở hữu doanh nghiệp vừa và nhỏ là phụ nữ; 51% doanh nghiệp Việt Nam có phụ nữ trong cơ cấu chủ sở hữu, cao hơn so với các quốc gia khác. Những doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đa số ở cấp thấp nhất của chuỗi cung ứng trong nhiều ngành và gặp khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu mua sắm của các công ty lớn.      

Nguyên nhân của hiện tượng này do sức cạnh tranh thấp, đa phần làm các công việc có tay nghề thấp; năng lực quản trị doanh nghiệp và tiếp cận thông tin, ứng dụng công nghệ còn hạn chế; “trách nhiệm kép” phải chăm sóc gia đình, sự tiếp cận hạn chế với các nguồn lực, thiếu hụt các mạng lưới hỗ trợ kinh doanh cho phụ nữ; chính sách can thiệp cân bằng giới trong lãnh đạo doanh nghiệp thiếu và yếu, thay đổi diễn ra chậm.

Bà Caroline Nyamayemobe, Quyền Trưởng Văn phòng UN Women tại Việt Nam nhấn mạnh “Bằng chứng cho thấy các quốc gia có bình đẳng giới cao hơn có nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn và cạnh tranh hơn. Việc ưu tiên mua sắm từ các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và doanh nghiệp có trách nhiệm giới giúp tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ và thúc đẩy tiến trình bình đẳng giới tại Việt Nam. Ngoài ra, đây cũng một trong những yếu tố giúp nâng cao uy tín và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình hội nhập. Vì vậy, đó là đôi bên cùng có lợi và do đó là một sự lựa chọn thông minh.”

Bà Nguyễn Kim Lan –Quản lý chương trình Tăng cường Quyền năng Kinh tế cho Phụ nữ WRT– UN Women Việt Nam cho biết, theo Khảo sát của UN Women tiến hành với 350 tổ chức, doanh nghiệp cho thấy, hơn 70% doanh nghiệp cho biết mua sắm có trách nhiệm giới làm tăng nguồn cung và giảm tình trạng gián đoạn nguồn cung; Mua sắm có trách nhiệm giới làm tăng tính cạnh tranh của nhà cung cấp giúp tiết kiệm trung bình 20% chi phí mua sắm; 74% cho biết mua sắm có trách nhiệm giới củng cố thương hiệu và danh tiếng của công ty; 70% áp dụng mua sắm có trách nhiệm giới để tăng cường đổi mới sáng tạo, nhạy bén và linh hoạt; 76% đồng ý rằng mua sắm có trách nhiệm giới nâng cao sự hài lòng của nhân viên, giữ chân nhân tài; 68% tận dụng mua sắm có trách nhiệm giới để tìm hiểu thêm về nhà cung ứng, và tìm hiểu rủi ro tiềm ẩn và cơ hội mới trong chuỗi cung ứng.

Đồng thời nhấn mạnh lợi ích khi doanh nghiệp thực hiện mua sắm có trách nhiệm giới bao gồm: Tăng doanh thu và giảm chi tiêu mua sắm; Mở rộng phạm vi nguồn cung và khả năng chống chịu; Củng cố thương hiệu; Đổi mới sáng tạo hơn và khả năng thích ứng cao hơn cho phép các công ty đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng; Nguồn cung đa dạng mới cải thiện việc tăng hiệu suất và năng suất; Thị trường bền vững thông qua phát triển kinh tế và tăng trưởng toàn diện, dẫn đến các cơ hội kinh doanh mới và rộng mở; Tuyển dụng và giữ chân lao động tài năng và kỹ năng; Tăng năng suất lao động, đổi mới và sáng tạo; Tạo ra sản phẩm và dịch vụ đa dạng, đáp ứng nhu cầu khác nhau của khách hàng; Tăng uy tín nhãn hiệu và hình ảnh doanh nghiệp; Giảm nguy cơ mâu thuẫn và tranh chấp…

Bà Nguyễn Kim Lan khẳng định, “Nếu phụ nữ được bình đẳng trong nền kinh tế, GDP toàn cầu sẽ tăng 28 nghìn tỷ USD vào năm 2025. Chúng ta có thể tạo cơ hội thị trường bình đẳng cho phụ nữ bằng cách đa dạng nhà cung cấp thông qua mua sắm có trách nhiệm giới tại Việt Nam”.

Đưa ra giải pháp phát triển doanh nghiệp bền vững và thúc đẩy bình đẳng giới, ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng, Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, về khung pháp lý chung đã ban hành nhiều Quyết định, Thông tư ưu tiên cho doanh nghiệp nữ như: Quyết định 1362/QĐ-TTg ngày 11/10/2019 phê duyệt kế hoạch phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Thông tư 03/2019/TT-BKHĐT ngày 22/01/2019 quy định Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững của Việt Nam với mục tiêu 5 đạt được bình đẳng về giới, tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái. Luật Đấu thầu 2023 đối tượng được hưởng ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu gồm nhà thầu có sử dụng số lượng lao động nữ từ 25% trở lên.

Bên cạnh đó, Một số ngân hàng thương mại có các chính sách hỗ trợ tiếp cận tín dụng dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ: VPBank mở thẻ tín dụng do doanh nghiệp do nữ làm chủ (thẻ WE) với hạn mức tới 4 tỷ đồng, miễn lãi lên đến 55 ngày, mọi chi tiêu qua thẻ đều được tính là hợp lệ để khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp. VPBank cũng có chương trình cấp tín dụng với hạn mức lên tới 20 tỷ đồng cho doanh nghiệp có chủ là phụ nữ. BIDV đã ký kết với ADB và ngân hàng nhà nước hiệp định dự án hỗ trợ giảm thiểu tác động tiêu cực của COVID-19 cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ để hỗ trợ lãi vay, hoặc hỗ trợ phí cam kết rút vốn đối với các khoản vay mới tại BIDV với mức tối đa 10.000 USD/khách hàng.

Đặc biệt, SHB được Tạp chí The Asian Banking and Finance (ABF) trao giải thưởng “Ngân hàng có sáng kiến vì phụ nữ 2021” qua những nỗ lực tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ vay ngân hàng với nhiều ưu đãi đặc biệt nhằm giảm thiểu tác động của COVID-19. SeABank ưu đãi dành riêng cho doanh nghiệp có phụ nữ làm chủ với lãi suất cho vay bằng VND ngắn hạn tối thiểu 5,6%/năm, miễn phí trả nợ trước hạn; lãi suất cho vay trung hạn, dài hạn tối thiểu 8%/năm trong 12 tháng đầu tiên, miễn phí trả nợ trước hạn sau 36 tháng; lãi suất thấu chi có tài sản đảm bảo tối thiểu 8%/năm, không có tài sản đảm bảo tối thiểu 10%/năm….

Song song đó, doanh nhân nữ phải chủ động tiếp cận, tìm hiểu các thông tin về chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ phát triển; Tham gia đối thoại, thường xuyên phản ánh vướng mắc, khó khăn cần tháo gỡ cũng như nêu sáng kiến, ý tưởng đóng góp thông qua các bộ phận một cửa tại các sở, ngành địa phương. Chủ động, tích cực tham gia các mạng lưới hiệp hội, hội, câu lạc bộ doanh nhân nữ để học hỏi kiến thức kinh doanh và nghề nghiệp, hỗ trợ vốn, tiếp cận tín dụng, hỗ trợ giúp đỡ các doanh nghiệp khác. Tích cực tiếp cận các khoá đào tạo, tư vấn, thông tin, hỗ trợ pháp lý. Tích cực tiếp cận các tổ chức trung gian hỗ trợ bao gồm các vườn ươm doanh nghiệp, trung tâm hỗ trợ kỹ thuật, không gian làm việc chung, tổ chức tăng tốc khởi nghiệp, quỹ đầu tư v.v.../..

CM