|
Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: Chi Mai) |
Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh được Quốc hội phê chuẩn ngày 24/6/2023, là nghị quyết có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng cho những bước phát triển vượt bậc mới của Thành phố Hồ Chí Minh.
Kết luận 12 của Bộ Chính trị ngày 21/8/2021 về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới đã khẳng định người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam; là nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Do vậy, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung, cộng đồng doanh nhân người Việt ở nước ngoài nói riêng, là nguồn lực dồi dào cần được thu hút để chung tay thực hiện những nhiệm vụ phát triển đã đặt ra của Thành phố trong thời gian tới.
Cộng đồng doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng phát huy vai trò cầu nối
Theo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ ngoại giao thông tin, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài thông tin, đến nay có khoảng 6 triệu người Việt sinh sống, làm việc, học tập trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ trong đó trên 80% là tại các nước phát triển, với nguồn lực dồi dào thể hiện trên 4 lĩnh vực, bao gồm: nguồn lực tri thức, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao.
Theo ước tính, có khoảng 600 nghìn người Việt Nam ở nước ngoài có trình độ đại học trở lên, trong đó có nhiều nhà khoa học có tên tuổi ở các lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu như y dược, công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, chế tạo máy, công nghệ sinh học, vật liệu mới, năng lượng v. v. Đội ngũ trí thức người Việt Nam ở nước ngoài đã và đang tăng cường tính liên kết, tập hợp trong những hội, mạng lưới trí thức. Sự kết nối này đang tạo ra các cơ chế làm việc, hợp tác ngày càng linh hoạt và tập trung được các chuyên gia khi tham gia vào các dự án.
Tính đến tháng 10/2022, kiều bào từ 35 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư 385 dự án tại 42/63 tỉnh, thành Việt Nam với tổng số vốn đăng ký 1,72 tỷ đô la Mỹ. Lượng kiều hối gửi về nước tính từ năm 1993 đến năm 2022 đạt trên 190 tỷ USD, gần bằng nguồn vốn FDI đã giải ngân trong cùng kỳ. Cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài có đóng góp quan trọng đối với việc xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, quảng bá sản phẩm Việt Nam.
Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng phát huy vai trò cầu nối văn hóa, ẩm thực, ngôn ngữ, quảng bá hình ảnh đất nước, xúc tiến du lịch; người Việt Nam ở nước ngoài tích cực tham gia các chương trình từ thiện, nhân đạo do trong nước phát động; đặc biệt khi xảy ra thiên tai, đại dịch. Trong đại dịch COVID-19, người Việt Nam ở nước ngoài đã ủng hộ 80 tỷ đồng cùng nhiều trang thiết bị y tế; tích cực phối hợp triển khai ngoại giao vắc-xin.
Trong công tác thu hút nguồn lực kiều bào, TP Hồ Chí Minh luôn dẫn đầu với khoảng hơn 2 triệu người Việt Nam ở nước ngoài có liên kết với Thành phố. Hiện Thành phố có khoảng hơn 3 nghìn doanh nghiệp do kiều bào đầu tư với số vốn hơn 45 nghìn tỷ đồng. Thành phố cũng thu hút hơn 400 trí thức kiều bào về làm việc dài hạn, gần 200 trí thức tham gia hợp tác nghiên cứu trong các lĩnh vực về giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ… TP Hồ Chí Minh cũng là địa phương có lượng kiều hối gửi về hàng năm chiếm khoảng 50% tổng lượng kiều hối trên cả nước. Năm 2022, kiều hối về Thành phố lên đến hơn 6,8 tỷ USD.
Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài được đánh giá sẽ tiếp tục phát triển về lượng và chất, dự kiến có thể lên đến 10 triệu người trong thời gian tới, do vậy vẫn còn rất nhiều dư địa để Thành phố tiếp tục triển khai công tác thu hút nguồn lực kiều bào tham gia phát triển Thành phố.
Đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Trưởng ban Chỉ đạo Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam TP Hồ Chí Minh cho rằng, TP Hồ Chí Minh luôn nhận thức vai trò rất lớn của các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam ở trong và ngoài nước, nhất là người Việt Nam đang ở nước ngoài để quảng bá, giới thiệu, truyền thông đến với bạn bè quốc tế các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước nói chung, của TP Hồ Chí Minh nói riêng. Đặc biệt là Nghị quyết số 98 của Quốc Hội để các hội đoàn, hiệp hội doanh nghiệp, chuyên gia, trí thức, doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài ủng hộ, đồng hành cùng TP Hồ Chí Minh trong việc tổ chức tuyên truyền, triển khai và thực hiện.
Ông Nguyễn Hồ Hải nhấn mạnh, nhằm tiếp tục triển khai thực hiện, tuyên truyền, khơi dậy niềm tự hào dân tộc của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, các tầng lớp Nhân dân Thành phố và cộng đồng doanh nghiệp trong việc tổ chức tuyên truyền, triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 98, trong thời gian tới, Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh mong muốn tiếp tục được lắng nghe, chia sẻ về giải pháp, hiến kế cho Thành phố.
Bên cạnh đó, thông qua cầu nối của các chuyên gia trí thức, doanh nhân, doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài để kết nối, thu hút các định chế tài chính và tập đoàn kinh tế quốc tế quan tâm tìm hiểu, xúc tiến đầu tư vào TP Hồ Chí Minh; Tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của TP Hồ Chí Minh nhằm thu hút nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp cho Thành phố theo cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh, đưa Nghị quyết vào cuộc sống một cách nhanh nhất, có hiệu quả nhất; Kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo các Sở, ngành tiếp thu ý kiến đóng góp của các Hội đoàn doanh nhân, doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài về tính khả thi, thực tiễn của Nghị quyết số 98 nhằm tham mưu Lãnh đạo Thành ủy có ý kiến chỉ đạo triển khai thực hiện phù hợp thực tiễn cuộc sống.
Ông Nguyễn Hồ Hải nhấn mạnh, TP Hồ Chí Minh luôn trân trọng và cảm ơn sự quan tâm phối hợp chặt chẽ của lãnh đạo Hội Doanh nghiệp người Việt Nam ở Mỹ, Úc, Trung Quốc, Thái Lan, Thụy Sĩ, Anh và Campuchia cùng các đồng chí lãnh đạo các hội, đoàn doanh nhân, doanh nghiệp người Việt Nam trong và ngoài nước đã tích cực góp sức cho thành phố trong thời gian qua.
Hiến kế giải pháp thu hút hơn nữa nguồn lực cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài
Ông Mai Phan Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ ngoại giao gợi ý, kiều bào có thể tham gia, đóng góp trí tuệ và nguồn vốn cho Thành phố, trong đó cần hiến kế xây dựng các chính sách để hoàn thiện hơn nữa khung pháp lý theo hướng hiện đại, tạo môi trường cho các dự án đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển; tham gia vào các dự án đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển, chuyển giao kinh nghiệm và công nghệ giúp Thành phố làm chủ các phát minh đột phá trong các lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế bền vững; tham gia đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp vào các dự án chiến lược của thành phố như đầu tư cho startups đổi mới sáng tạo, cộng nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới… Đồng thời quảng bá đến bạn bè quốc tế về môi trường đầu tư, môi trường sáng tạo, năng động của Thành phố, xây dựng thương hiệu TP Hồ Chí Minh là một trung tâm đổi mới sáng tạo, siêu đô thị xanh, thông minh, bền vững.
Để thúc đẩy các hoạt động kết nối, huy động nguồn lực kiều bào cho các địa phương, trong đó có TP Hồ Chí Minh, ông Mai Phan Dũng đề xuất một số giải pháp để Thành phố thu hút hơn nữa nguồn lực cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, như: Hoàn thiện cơ chế tiếp nhận, xử lý, phản hồi, vận dụng và phát huy hiệu quả các sáng kiến, ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đội ngũ trí thức, cộng đồng doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài; thông tin các dự án, chính sách chiến lược cần thu hút nguồn lực kiều bào trên các cổng thông tin điện tử, kết nối các mạng lưới để doanh nhân, trí thức kiều bào quan tâm có thể tìm hiểu, tham gia; phối hợp xây dựng cơ sở dữ liệu, thông tin về những nhu cầu của Thành phố để Ủy ban có thể giới thiệu cá nhân hoặc doanh nghiệp kiều bào phù hợp.
Đưa ra những thuận lợi của Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Trung Quốc, trong việc thu hút nhà đầu tư có chất lượng, có uy tín đến TP Hồ Chí Minh, sau khi Nghị quyết 98 được ban hành, Tiến sỹ Trà My-Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc chia sẻ: Từ góc độ cá nhân, các doanh nghiệp mong muốn thu hút những dự án khoa học kỹ thuật cao, như robot logistics, tự động hoá, công nghệ sinh học, năng lượng mới, hay những dự án chuyển giao khoa học và công nghệ... và quyết định 98 chính là khung nền cơ sở, khai thông và định hướng và triển khai những việc tiếp theo. Do đó, Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Trung Quốc nguyện đồng hành cùng TP Hồ Chí Minh trong việc thu hút nhà đầu tư có chất lượng, có uy tín về thành phố. Bên cạnh đó, Hội doanh nghiệp cũng vẫn sẽ tiếp tục chung tay hỗ trợ nhiều hơn nữa cho doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh trong việc quảng bá, giới thiệu hàng Việt Nam đến với thị trường khổng lồ tỷ dân này.
Về phần mình, ông Hồ Văn Lâm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Thái - Việt Nam toàn Thái kiến nghị cần có cơ chế để Người Việt Nam ở nước ngoài có thể tham gia, hoặc làm cầu nối, hỗ trợ các dự án, kêu gọi đầu tư của Thành phố. Cùng với đó, cần có cổng thông tin chính thống để cập nhật thông tin để bà con người Việt Nam ở nước ngoài tiện theo dõi, có thể tập trung về một đầu mối như Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài của Thành phố. Đồng thời, nên có thông tin về các dự án, kế hoạch kêu gọi đầu tư cho thành phố theo Nghị quyết 98 để thông tin đến kiều bào, những lĩnh vực nào kiều bào có thể tham gia, hoặc kết nối, kêu gọi các nhà đầu tư cho Thành phố.
Với tầm nhìn và sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự đồng lòng của toàn hệ thống chính trị, toàn dân, sự chung tay của một trong những nguồn lực của đất nước, nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài, TP Hồ Chí Minh sẽ không chỉ thành công trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, siêu đô thị xanh, thông minh của cả nước mà còn của khu vực và thế giới./.