|
Toàn cảnh buổi làm việc. (Ảnh: CM) |
Chiều 6/11, Đoàn cán bộ khảo sát thực tế nhóm 2 - Ban Chỉ đạo Tổng kết Trung ương (Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa), do đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, trưởng nhóm 2 làm trưởng đoàn, có buổi làm việc với Ban Quản lý khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.
Báo cáo với đoàn công tác, đồng chí Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đến tháng 11/2023, Khu Công nghệ cao Thành phố có 160 dự án còn hiệu lực. Trong đó, có 70 dự án sản xuất công nghệ cao, 18 dự án dịch vụ công nghệ cao, 21 dự án nghiên cứu và triển khai (R&D), 9 dự án đào tạo ươm tạo, 23 dự án công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, 9 dự án thương mại dịch vụ, 10 dự án phát triển hạ tầng. Trong 50 dự án FDI, có các tập đoàn khu công nghệ nổi tiếng như: Intel, Nidec, Jabil (Mỹ), Nipro, NTT (Nhật Bản), Sam sung (Hàn Quốc) Sanofi, Datalogic (Italy)….Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài bao gồm cả cấp mới và điều chỉnh tăng vốn 10,163 tỷ USD/50 dự án (bình quân vốn đầu tư 203 triệu USD/1 dự án) và tổng vốn đầu tư trong nước tương đương 2,097 tỷ USD/110 dự án (bình quân vốn đầu tư 19,1 triệu USD/1 dự án). Giải ngân vốn đầu tư thực hiện của doanh nghiệp đạt 5,585 tỷ USD, chiếm 46,4%. Qua đây cho thấy số lượng dự án FDI chưa bằng ½ số dự án trong nước (50 dự án/110 dự án) nhưng vốn đầu tư gấp 05 lần (10,163 tỷ USD/2,097 tỷ USD). Đến nay, giá trị sản xuất lũy kế toàn Khu Công nghệ cao Thành phố đạt gần 146 tỷ USD.
Khu Công nghệ cao đã hợp tác với Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, cùng các Viện trường triển khai các hoạt động R&D, đào tạo, ươm tạo Công nghệ cao, doanh nghiệp Công nghệ cao, đạt được một số kết quả bước đầu như cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp, đào tạo và tái đào tạo, một số hợp tác đề tài khoa học công nghệ cấp Quốc gia và Thành phố. Qua đó hình thành và phát triển năng lực nội sinh về Công nghệ cao cho Thành phố và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
|
|
Đồng chí Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh tặng quà lưu niệm đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương. (Ảnh: CM) |
Sau hơn 20 năm đi vào hoạt động, Khu Công nghệ cao Thành phố đã chứng minh sự đúng đắn của Thành phố Hồ Chí Minh trong cách tiếp cận và chọn phương thức tiến hành triển khai dự án. Đó là tạo môi trường thuận lợi để thu hút các dự án công nghệ cao từ các tập đoàn, công ty sở hữu công nghệ nguồn, có uy tín trên thế giới. Qua đó, đã góp phần quan trọng trong công tác xây dựng thể chế về hoạt động công nghệ cao, Khu Công nghệ cao. Đặc biệt, Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh được đánh giá là Khu Công nghệ cao thành công nhất trong các Khu Công nghệ cao quốc gia.
Tuy nhiên, các hoạt động lan tỏa từ Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh chưa đạt như kỳ vọng là nhanh chóng tạo vùng kinh tế theo hướng công nghệ cao, hiện đại. Việc hợp tác, liên kết giữa các viện trường, nhất là Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, giữa cộng đồng doanh nghiệp các khu công nghiệp, khu chế xuất với Khu Công nghệ cao tuy đạt được những thành tựu quan trọng nhưng mang tính cục bộ, nhỏ lẻ. Công tác quản lý nhà nước, nhất là mô hình quản lý vận hành Khu Công nghệ cao chưa đáp ứng tính đặc thù của hoạt động công nghệ cao. Từ đó, chưa hình thành được hệ sinh thái phát triển công nghệ cao bền vững, lan tỏa.
Để thu hút các dự án và làm chủ công nghệ cao, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố kiến nghị cần nhanh chóng hoàn thiện pháp luật về phát triển công nghệ cao, khu công nghệ cao. Thực hiện vai trò kiến tạo của nhà nước. Đồng thời, giao nhiệm vụ tiên phong kiến tạo xây dựng một số ngành công nghiệp nền tảng, chiến lược cụ thể cho các khu công nghiệp quốc gia.
Có cơ chế, chính sách, giao thẩm quyền và đầu tư cho Khu công nghệ cao quốc gia tương xứng để thực hiện nhiệm vụ tiên phong góp phần trực tiếp xây dựng các ngành công nghiệp nền tảng mũi nhọn cho đất nước. xây dựng Luật Đầu tư mạo hiểm và cơ chế thành lập quỹ hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo.
Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát các quy định về đầu tư và các quy định về khoa học-công nghệ để có sự thống nhất; quy định cụ thể trình tự thủ tục đánh giá, các biểu mẫu giải trình, biểu mẫu đánh giá sự phù hợp về mặt công nghệ...
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trần Tuấn Anh đánh giá cao những kết quả đạt được của Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời nhấn mạnh, so với các Khu Công nghệ cao cả nước thì đây là Khu Công nghệ cao đã định hình và ghi được rất nhiều dấu ấn.
Tuy nhiên, Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn nhiều tồn tại, còn nhiều hạn chế cần có những bước linh hoạt để chuyển biến mạnh mẽ hơn, và vấn đề này là trách nhiệm của Trung ương và chính quyền địa phương cùng phối hợp.
|
|
Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại buổi làm việc. (Ảnh: CM) |
Đồng chí Trần Tuấn Anh cho rằng, “thực tiễn đã diễn ra cho chúng ta rất nhiều kinh nghiệm quý, vì vậy, đề nghị Khu Công nghệ cao Thành phố sớm báo cáo với Thành phố Hồ Chí Minh để có chỉ đạo đánh giá, tổng kết một cách cơ bản lại quá trình triển khai thực hiện các Nghị quyết của Trung ương Đảng liên quan công nghệ cao. Và làm cho rõ được những kết quả tích cực trong triển khai thực hiện, vai trò, ý nghĩa của công nghệ cao trong thực tiễn phát triển của thành phố thời gian qua, đóng góp của nó cũng như làm rõ được những tồn tại, hạn chế...Làm sao trong các giai đoạn phát triển chúng ta thấy rõ được sự thay đổi của bối cảnh và cục diện mà tác động đến công nghệ cao và vai trò của công nghệ cũng như chủ thể công nghệ cao... Qua đó, chúng ta có những đề xuất và làm rõ hơn nữa về địa vị, cơ sở của Khu Công nghệ cao trong quan điểm đường lối phát triển của Đảng.”
Đồng chí Trần Tuấn Anh cũng cho hay, đất nước đang có định hướng xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, vì vậy, trong quá trình báo cáo xây dựng Nghị quyết 29 rất cần những báo cáo cụ thể về việc Khu Công nghệ cao có quan hệ thế nào với các trung tâm đổi mới sáng tạo để hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Đồng chí đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh chủ động tổng kết, có báo cáo đề xuất cụ thể với Trung ương để triển khai các quyết sách. Đặc biệt, về chuỗi hoạt động công nghệ cao gắn liền giữa các cơ sở đào tạo với các viện nghiên cứu.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh chia sẻ, hiện nay, chưa có định hình rõ nét về pháp lý, chức năng nhiệm vụ của Khu Công nghệ cao. Qua thực tiễn hoạt động, đề nghị Khu Công nghệ cao sớm báo cáo Thành phố Hồ Chí Minh để có đánh giá quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng liên quan đến Khu Công nghệ cao, vai trò ý nghĩa của Khu Công nghệ cao trong thực tiễn của TP trong thời gian qua, các đóng góp, kiến nghị lẫn hạn chế.
Thay mặt lãnh đạo TP, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan ghi nhận ý kiến đóng góp của đoàn khảo sát và đề nghị Ban Quản lý Khu Công nghệ cao sớm hoàn thiện báo cáo tổng hợp trình UBND Thành phố Hồ Chí Minh./.