|
Lãnh đạo Mặt trận Tổ quốcViệt Nam TP. Hồ Chí Minh giám sát Dự án cải thiện môi trường nước thành phố lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ, giai đoạn 2. (Ảnh: Website Thành ủy TP. Hồ Chí Minh) |
Trong nhiều năm qua, dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hồ Chí Minh phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và Nhân dân trong công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng dựng Đảng bộ, chính quyền các cấp Thành phố và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Hoạt động giám sát, phản biện xã hội có nhiều điểm sáng
Trong 10 năm qua, hệ thống dân vận, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã phối hợp tổ chức được 1.728 lớp tập huấn về công tác giám sát, phản biện xã hội với 141.305 lượt người tham dự, trong đó cấp Thành phố: 20 lớp với 5.713 lượt người tham dự; quận, huyện: 376 lớp với 40.153 lượt người tham dự; phường, xã, thị trấn: 2.953 lớp với 237.896 lượt người tham dự.
Đáng chú ý, Ban Dân vận Thành ủy phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố tổ chức nhiều tọa đàm thiết thực như: “Những giải pháp thực hiện hiệu quả Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị”; “Nâng cao chất lượng công tác giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư”; “Nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”; “Công tác phối hợp tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, người đứng đầu chính quyền các cấp với nhân dân”; “Giải pháp nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân giám sát tổ chức đảng, đảng viên và hoạt động của chính quyền các cấp thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU và Đề án giám sát số 06-ĐA/TU ngày 20/8/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh”...
Từ năm 2021 đến nay, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên. Từ khi thực hiện Quyết định số 217 và 218-QĐ/TW đến nay, toàn thành phố đã tổ chức giám sát trên 11.382 cuộc, trong đó cấp thành phố: 167 cuộc; quận – huyện, thành phố Thủ Đức 2.094 cuộc; phường, xã, thị trấn 9.121 cuộc. Ban thanh tra nhân dân phường, xã, thị trấn đã tổ chức hơn 6.375 cuộc. Nội dung giám sát tập trung vào những nội dung liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, công nhân – người lao động; hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước; cơ quan hành chính sự nghiệp; chính sách an sinh xã hội; những vấn đề liên quan đến đời sống xã hội thường ngày,… những kiến nghị, kết quả giám sát đều được nghiên cứu, tổng hợp nghiêm túc, cầu thị và được lập thành văn bản chuyển đến cơ quan chức năng xem xét, giải quyết, đồng thời, các cơ quan tổ chức giám sát đều phân công, cử cán bộ theo dõi, đôn đốc các đơn vị chức năng về giải quyết các kiến nghị, báo cáo sau giám sát.
Nhìn chung, hoạt động phản biện xã hội có nhiều điểm sáng, tập trung vào phản biện dự thảo Quy hoạch phát triển mạng lưới y tế đến năm 2020; dự thảo đề án Quy hoạch phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng TP. Hồ Chí Minh đến năm 2025; dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 74/2008/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân Thành phố về quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè trên địa bàn thành phố; dự thảo Ban hành Quy định giải quyết tranh chấp đất đai trên địa bàn Thành phố; dự thảo Đề án không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, phường trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, dự thảo Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Đặc biệt, tổ chức 2 hội nghị phản biện các chương trình, kế hoạch, đề án của Ủy ban nhân dân Thành phố thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh và mới đây là các dự thảo triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2013/QH15 của Quốc hội.
Giải pháp nâng cao hoạt động giám sát, phản biện
Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức chương trình “Ngày hội Biên phòng toàn dân” tại xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ.
Những kết quả trên thể hiện sự quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, năng động trong quản lý, điều hành của chính quyền, đặc biệt là nỗ lực, tinh thần cầu thị của các cơ quan quan có chức năng tổ chức giám sát, phản biện, nhưng trên hết đó sự đồng thuận của Nhân dân. Tuy nhiên, đối với quy mô, tính chất, sự phát triển của một đô thị đặc biệt, nhất là trong bối cảnh triển khai nhiều nghị quyết của Trung ương, chiến lược phát triển thành phố, đòi hỏi hoạt động giám sát, phản biện phải được đầu tư, nghiên cứu một cách khoa học và tổ chức chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả hơn nữa và có nhiều giải pháp thiết thực.
Đầu tiên, coi sự quan tâm, lãnh đạo thường xuyên của cấp ủy đảng là nhân tố then chốt; sự phối hợp tích cực, trách nhiệm của chính quyền và sự thống nhất của các đơn vị liên quan trong tổ chức thực hiện là trọng tâm, góp phần nâng tầm hoạt động giám sát, phản biện, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Thống nhất về nhận thức xem giám sát, phản biện xã hội là một hoạt động mang tính nhân dân, tính dân chủ, tính xây dựng và tính khoa học; công khai minh bạch là yếu tố cơ bản, thường xuyên, lâu dài của hoạt động giám sát, phản biện.
Bên cạnh đó, để góp phần thúc đẩy hoạt động phản biện xã hội ngang tầm với sự phát triển xã hội, nhất thiết cần có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học chuyên ngành, người có kinh nghiệm hoạt động trên lĩnh vực thực tiễn của lĩnh vực phản biện. Cần thiết, nghiên cứu, đề xuất vận hành cơ chế “mở” để mời gọi các nhà khoa học, chuyên gia tham gia, nhất là phản biện những lĩnh vực, nội dung, các nhóm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố.
Cùng với đó, thành viên tham gia hoạt động giám sát, phản biện cần trang bị về cơ sở lý luận, cơ sở pháp lý và kinh nghiệm thực tiễn, có khả năng tổng hợp, phân tích vấn đề ở nhiều góc độ, có bản lĩnh, không ngại va chạm; đặc biệt là những người có uy tín, được Nhân dân tin tưởng, sát dân, gần dân và hiểu dân, lấy hạnh phúc của Nhân dân là phương châm trong thực hiện giám sát, phản biện.
Song song đó, cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu xem việc trả lời kiến nghị, báo cáo sau giám sát, phản biện là trách nhiệm, sự tôn trọng đối với Nhân dân. Nhất thiết đưa việc trả lời kiến nghị, báo cáo sau giám sát vào chương trình hành động của người ứng cử; vào chương trình hành động hàng năm; làm thước đo đánh giá năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của người đứng đầu.
Mặt khác, các nội dung, hoạt động giám sát, phản biện phải được nghiên cứu khoa học, triển khai đồng bộ, trọng tâm, trọng điểm; nghiêm túc, quyết liệt trong đeo bám các đơn vị liên quan trả lời kiến nghị, báo cáo sau giám sát, phản biện./.