|
Đại biểu dự họp mặt chụp hình lưu niệm. |
Ngày 22/7, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TP Hồ Chí Minh tổ chức họp mặt kỷ niệm 76 năm ngày thương binh liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2023). Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh tham dự.
Ngày 17/7/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh có thư gửi Mặt trận Việt Minh, bức thư nêu rõ: Mặt trận cần chọn một ngày trong năm làm “Ngày thương binh” để nhân dân ta có dịp tỏ lòng biết ơn, yêu mến thương binh.Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Người, ngày 27/7/1947 tại xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, Mặt trận Việt Minh đã tổ chức mít tinh trọng thể đón thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn dân tham gia phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”.
76 năm qua, thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã không ngừng phát huy truyền thống “Ăn quả nhớ người trồng cây”, “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, chăm sóc ngày càng tốt hơn, chu đáo hơn các thương binh, gia đình liệt sĩ, Bà Mẹ Việt Nam anh hùng và những người có công với nước.
Qua hơn 35 năm đổi mới, với sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân công cuộc đổi mới ở nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử: Kinh tế tăng trưởng khá nhanh, An ninh quốc phòng được đảm bảo, đời sống nhân dân được nâng lên cải thiện rõ rệt, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường, chính trị - xã hội ổn định. Đó là những điều kiện rất thuận lợi để Đảng, Nhà nước, nhân dân ta phấn đấu thực hiện cho được chủ trương nhất quán mà các Đại hội của Đảng đã đề ra là: chăm lo tốt hơn đối với các gia đình chính sách và người có công với nước, bảo đảm tất cả các gia đình chính sách có cuộc sống bằng hoặc khá hơn mức trung bình của nhân dân địa phương.
Phát biểu tại họp mặt, bà Trần Kim Yến, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh cho biết, trong những năm qua, hệ thống MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên của Thành phố đã vận động nguồn lực xã hội phụng dưỡng đến cuối đời cho các Mẹ Việt Nam Anh Hùng với kinh phí phụng dưỡng từ 2 triệu đến 5 triệu đồng/Mẹ/tháng; hỗ trợ kinh phí cho thương binh nặng, thương binh đặc biệt nặng có hoàn cảnh khó khăn từ 2 triệu đồng/tháng. Nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa đã được triển khai, hỗ trợ giúp đỡ các gia đình chính sách, thương binh, bệnh binh, gia đình có công như xây dựng, sữa chữa nhà tình nghĩa, hỗ trợ phương tiện sinh kế, phương tiện sinh hoạt, trao tặng học bổng Nguyễn Hữu Thọ; hỗ trợ vốn tạo việc làm cho thương binh, vợ thương binh, vợ liệt sĩ, học bổng cho con em gia đình chính sách; tổ chức các chương trình như “thắp nến tri ân”, sửa chữa các phần mộ liệt sĩ, thay mới các khung, bằng Tổ quốc ghi công, chương trình về nguồn…qua đó giáo dục thanh thiếu niên tự hào về lịch sử anh hùng của dân tộc, lòng yêu quê hương đất nước… những hoạt động ý nghĩa đó đã góp phần giúp các gia đình chính sách, thương binh, bệnh binh cải thiện cuộc sống, có thêm niềm tin, nghị lực vươn lên, tiếp tục đóng góp cho sự phát triển chung của Thành phố.
|
|
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên phát biểu tại buổi họp mặt. |
Đến dự và phát biểu tại họp mặt, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh “Tổ quốc chúng ta có được hoà bình độc lập toàn vẹn lãnh tổ, cơ đồ, tiềm lực uy tín như ngày hôm nay, chúng ta đã phải đổ biết bao mồ hôi, xương máu. Trong các cuộc kháng chiến bảo vệ tổ quốc, cả nước có hơn1,1 triệu liệt sĩ, gần 130.000 Mẹ Việt Nam anh hùng; hơn 800.000 thương binh, bệnh binh có gần 13.000 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng lao động; gần 111.000 người hoạt động cách mạng bị địch bắt giam cầm, tra tấn; hơn 200.000 liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt; hơn 300.000 hài cốt liệt sĩ đã được quy tập về nghĩa trang, chưa xác định được danh tính. Chúng ta nhắc lại con số đó để thấy rằng cái giá của hòa bình, độc lập của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân là vô cùng to lớn, không có thể đong đo đếm được”.
Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên nhận định, thời gian qua, Đảng bộ, Chính quyền TP Hồ Chí Minh đã ban hành nhiều chính sách về ưu đãi đối với người có công, triển khai có hiệu quả các chính sách của Nhà nước đối với người có công, từng bước nâng cao mức sống của người có công, thân nhân của người có công với cách mạng; đặc biệt những việc làm này đã ngày càng trở thành hoạt động sống của mỗi người. Nhiều tổ chức cá nhân âm thầm lặng lẽ làm việc tốt mà không muốn kể ai nghe. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng những bù đắp của Thành phố cho các thương binh, liệt sĩ và những người có công không sao bằng được những gì mà họ đã cống hiến cho nhân dân, và cho đất nước. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thành phố luôn tin tưởng các đồng chí thương binh, gia đình liệt sĩ có công với nước, luôn luôn cảm thông và tiếp tục nỗ lực phấn đấu vượt qua thử thách trong cuộc sống.
Thành phố đang đứng trước cái thời cơ và thử thách để xây dựng Thành phố xứng đáng với sự hy sinh vô bờ của bao thế hệ tiền nhân, xứng đáng với Thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu. Trung ương cho phép Thành phố được thực hiện thí điểm một số giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để khai thác các nguồn lực, lợi thế để phát triển nhanh và bền vững; do đó, toàn hệ thống chính trị đã tập trung để triển khai quyết liệt, đưa Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 98 của Quốc hội vào cuộc sống. Thành phố sẽ tận dụng mọi thời cơ khắc phục và vượt qua thử thách rào cản, ý chí quyết tâm, tinh thần tự lực, tự cường; phát huy hơn nữa nội lực, huy động ngoại lực, phấn đấu thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ 11 đề ra, xứng đáng với vai trò đầu tàu, là động lực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và của cả nước đặc biệt là lo vấn đề an sinh xã hội, nâng cao chất lượng sống của Nhân dân, trong đó đặc biệt là chất lượng sống của gia đình chính sách; xây dựng thành phố văn minh hiện đại nghĩa tình như khát vọng của Nhân dân Thành phố và cả nước./.