Nghiên cứu khoa học tại Đại học Quốc tế - ĐHQG-HCM.

 

Thành phố Hồ Chí Minh là một trong hai trung tâm lớn nhất cả nước về kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ; là đầu mối giao lưu quốc tế, có vị trí địa chính trị, địa kinh tế quan trọng đối với khu vực và cả nước. Thành phố đã và đang là địa phương tiên phong trong triển khai thí điểm nhiều chủ trương, chính sách đổi mới đột phá, không chỉ đóng góp đáng kể vào công cuộc phát triển kinh tế- xã hội của Thành phố, mà còn nhân rộng ra cả nước. Một trong những chính sách nổi bật đó là vấn đề thu hút và huy động đội ngũ trí thức, chuyên gia đóng góp vào sự phát triển chung của thành phố.

Những năm qua, Thành phố đã triển khai nhiều chính sách, giải pháp xây dựng và phát triển đội ngũ tri thức khoa học, công nghệ, cụ thể như: Thành phố đã đầu tư cơ sở vật chất là Công viên phần mềm Quang Trung, Khi Công nghệ cao, Khu Nông nghiệp công nghệ cao và 13 đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng hoạt động khoa học, công nghệ tạo điều kiện hoạt động nghiên cứu, phát triển và sáng tạo cho đội ngũ trí thức khoa học, công nghệ. Thành phố cũng khuyến khích xã hội đầu tư phát triển mạng lưới với hơn 483 tổ chức khoa học công nghệ và 134 phòng thí nghiệm.

Thành phố đã triển khai nhiều chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ; các chương trình hỗ trợ bồi dưỡng nâng cao chuyên môn chuyên sâu trong lĩnh vực công nghệ trọng điểm như bán dẫn, phân tích kiểm nghiệm, trong quản trị tài sản trí tuệ, đổi mới sáng tạo… Thông qua các chương trình nghiên cứu khoa học đặt hàng, giai đoạn 2016-2022 Thành phố đã đặt hàng nghiên cứu 529 trí thức tham gia thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ, thu hút hơn 5.290 trí thức tham gia thực hiện. Kết quả có hơn 2.117 đơn vị tài sản trí tuệ, 800 bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI.

Bên cạnh đó, Thành phố cũng đã triển khai chương trình vườn ươm sáng tạo khoa học- công nghệ trẻ nhằm tạo điều kiện cho nhà khoa học trẻ, sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học. Giai đoạn 2019-2022, Thành phố đã hỗ trợ thực hiện 133 đề tài khoa học với hơn 1.260 trí thức trẻ, sinh viên tham gia thực hiện. Kết quả rất đáng khích lệ với 133 bài báo khoa học, trong đó có 101 bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI/Scopus, 4 bằng sáng chế và 7 kết quả thương mại hóa. Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học cũng thu hút hơn 3.649 đề tài của 12.563 sinh viên đến từ 182 trường đại học của 46 tỉnh, thành trong cả nước tham gia.

Giai đoạn 2016-2022, Thành phố đã hỗ trợ hình thành 45 cơ sở ươm mầm, hỗ trợ hơn 3.000 dự án khởi nghiệp sáng tạo cho các sinh viên, trí thức trẻ khởi nghiệp, sáng tạo và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học. Thành phố đã hỗ trợ hoạt động của các tổ chức, thiết chế, tổ chức các hội thảo, diễn đàn hằng năm để trao đổi, lắng nghe đóng góp của đội ngũ tri thức, chuyên gia nhà khoa học trong và ngoài nước. Hằng năm thành phố luôn duy trì tổ chức nhiều giải thưởng tôn vinh hoạt động đóng góp cho sự phát triển của thành phố như: Giải thưởng sáng tạo thành phố, giải thưởng sáng tạo khoa học- kỹ thuật; giải thưởng sáng tạo khoa học -kỹ thuật thanh thiếu niên; giải thưởng sáng chế…

Các nhân viên làm việc tại Trung tâm Công nghệ Sinh học TP Hồ Chí Minh (Ảnh: HCMBIOTECH)

 

Có thể nói các chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học và công nghệ là ý tưởng sáng tạo, đột phá, thể hiện sự nỗ lực và quyết tâm cao của Thành phố trong thời gian qua. Những chính sách nêu trên đã góp phần xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức thành phố ngày càng trưởng thành về số lượng và chất lượng và đóng góp tích cực cho sự phát triển của thành phố mặc dù kết quả đạt được nhìn chung còn khiếm tốn, chưa tạo được sức lan tỏa và thay đổi căn bản trên nhiều ngành, lĩnh vực mũi nhọn theo mục tiêu và yêu cầu đề ra.

Tuy nhiên, cơ chế, chính sách thu hút chuyên gia khoa học công nghệ cho đến nay chỉ mới tập trung ở 4 đơn vị và chủ yếu là thu thút chuyên gia nước ngoài, Việt kiều, chưa thu hút được các chuyên gia trong nước ở các viện trường; nhất là chưa quy tụ được đông đảo và phát huy trí tuệ của đội ngũ tri thức trong và ngoài thành phố, Nguyên nhân chính được cho là còn các vướng mắc, rào cản trong quá trình thực thi, cần được đề xuất, tháo gỡ khoa học-công nghệ thành phố phải thực sự là động lực cho sự phát triển./..

Phú Thành