09:57 04/01/2024
print  

Kết quả nổi bật của Ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2023

(ĐCSVN)- Ngành Y tế TP Hồ Chí Minh đã thống nhất chọn ra 10 sự kiện nổi bật trong số nhiều hoạt động trọng tâm đã được toàn ngành nỗ lực triển khai đồng bộ trong suốt thời gian qua.

Người dân xã đảo Thạnh An được tiếp cận dịch vụ tầm soát ung thư cổ tử cung bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo.(Ảnh: PV)

Ngay sau khi kiểm soát ổn định dịch COVID-19, cùng với các cơ chế, chính sách đặc thù của Thành phố dành cho y tế, nhân viên ngành y tế đã không ngừng nỗ lực triển khai nhiều hoạt động thiết thực hướng đến mục tiêu tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Một năm sắp kết thúc, Ngành Y tế TP Hồ Chí Minh đã thống nhất chọn ra 10 sự kiện nổi bật trong số nhiều hoạt động trọng tâm đã được toàn ngành nỗ lực triển khai đồng bộ trong suốt thời gian qua.

Dưới đây là 10 sự kiện nổi bật của Ngành y tế TP Hồ Chí Minh trong năm 2023:

1. Trí tuệ nhân tạo được triển khai hiệu quả tại trạm y tế xã đảo

Lần đầu tiên trên cả nước, người dân xã đảo Thạnh An được tiếp cận dịch vụ tầm soát ung thư cổ tử cung bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Vào ngày 8/11/2023, hệ thống soi cổ tử cung từ xa (TeleCervicography) đã được các y, bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương mang đến Trạm y tế xã đảo Thạnh An để tầm soát ung thư cổ tử cung cho phụ nữ đang sinh sống tại đây. Đây là lần đầu tiên trên phạm vi cả nước, một kỹ thuật soi cổ tử cung có tích hợp AI giúp phát hiện và tầm soát ung thư cổ tử cung được triển khai ngay tại trạm y tế xã, và cũng là ứng dụng AI thứ hai trong công tác chăm sóc sức khoẻ cộng đồng được triển khai tại xã đảo. Trước đó, cách đây 1 năm, Sở Y tế đã triển khai ứng dụng AI trong chụp X-quang ngực, ứng dụng này đã giúp nhân viên y tế của trạm y tế xã đảo nhanh chóng phát hiện tổn thương trên phim X-quang trong bối cảnh không thể tuyển dụng bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh về công tác tại xã đảo.

 2. Chấm dứt hình ảnh quá tải nghiêm trọng tại bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh và Nhi đồng 1

Năm 2023 là năm cột mốc đánh dấu việc chấm dứt hình ảnh quá tải nghiêm trọng kéo dài trong nhiều năm của 02 bệnh viện chuyên khoa đầu ngành của Thành phố và cả khu vực phía Nam, đó là Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh và Bệnh viện Nhi đồng 1. Thay vào đó là hình ảnh các cháu bệnh nhi và người bệnh được chăm sóc trong các khoa, phòng mới thật khang trang, hiện đại tại các cơ sở mới của Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh (cơ sở 2, khánh thành vào ngày 15/4/2023) và Bệnh viện Nhi Đồng 1 (khối nhà Trung tâm Phẫu thuật Nhi và Trung tâm Sơ sinh khánh thành vào ngày 27/5/2023) được đầu tư từ ngân sách nhà nước.

3. Khám sức khoẻ người cao tuổi, bước đầu nhận dạng mô hình sức khoẻ của người cao tuổi trên địa bàn Thành phố

Triển khai công tác khám sức khoẻ, tầm soát bệnh không lây cho người cao tuổi sinh sống trên địa bàn Thành phố theo một cách làm thống nhất trong toàn Ngành, từ nội dung, phương thức triển khai cho đến công tác chuyển đổi số toàn bộ quy trình khám sức khoẻ. Nhờ vậy, mô hình sức khoẻ của người cao tuổi đang sinh sống trên địa bàn Thành phố bước đầu đã được nhận dạng, cụ thể là: tăng huyết áp (58,6%), đái tháo đường (29,8%), hen phế quản - bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (3,7%), ung thư và nghi ngờ có dấu hiệu ung thư (3,7%), có dấu hiệu và triệu chứng trầm cảm (2,9%), lo âu (2,0%), và đặc biệt ghi nhận 28,8% người cao tuổi có nguy cơ té ngã. Mô hình bệnh tật ở người cao tuổi trên địa bàn Thành phố là cơ sở thực tiễn để Ngành y tế xây dựng kế hoạch cụ thể giúp quản lý công tác chăm sóc và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi.

4. Xác định 07 nhóm giải pháp hướng đến phát triển y tế chuyên sâu của Ngành y tế TP

Hội nghị “Đánh giá hiệu quả và định hướng phát triển y tế chuyên sâu tại TP Hồ Chí Minh” lần đầu tiên đã được tổ chức thành công (ngày 17/06/2023). Từ thực tiễn trong công tác chăm sóc sức khoẻ người dân và những bài học kinh nghiệm của các nước, Ngành y tế Thành phố xác định 07 nhóm giải pháp để Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sớm đi vào cuộc sống trong công tác chăm sóc sức khoẻ người dân. Bảy nhóm giải pháp đó là: (1) Hình thành trung tâm đào tạo nhân lực y tế chất lượng cao; (2) Phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại, hình thành 3 cụm y tế chuyên sâu trên địa bàn Thành phố; (3) Không ngừng phát triển kỹ thuật chuyên sâu đáp ứng mô hình bệnh tật và nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân; (4) Xây dựng mạng lưới chăm sóc theo chuyên khoa từ y tế chuyên sâu đến y tế cơ sở theo hướng y tế vùng; (5) Cung ứng đầy đủ các loại hình chăm sóc sức khỏe có chất lượng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân; (6) Phát triển TP Hồ Chí Minh  trở thành điểm đến du lịch y tế, đẩy mạnh kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền; (7) Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế.

5. Hợp tác quốc tế nâng cao năng lực kiểm soát và phòng chống dịch bệnh

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện giữa Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) và Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) đã diễn ra vào ngày 31/8/2023. Đây là sự kiện quan trọng, mở ra cơ hội mới giúp nâng cao năng lực của HCDC, thông qua các hoạt động chuyển giao kỹ thuật về chẩn đoán tác nhân gây bệnh truyền nhiễm, bao gồm phân lập và phát hiện tác nhân gây bệnh bằng phương pháp sinh học phân tử và giải mã gen, kiểm soát dịch bệnh, nghiên cứu về y tế cộng đồng, đánh giá tác động toàn diện của các chính sách trong công tác dự phòng. Cũng trong dịp này, Ngân hàng huyết thanh thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM chính thức đi vào hoạt động với quy mô lưu trữ từ 400.000 - 500.000 mẫu, giúp thu thập, bảo quản và cung cấp các nguồn mẫu để thực hiện xét nghiệm, phục vụ công tác kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm với 4 mục tiêu quan trọng: dự đoán dịch hoặc phát hiện sớm khả năng bùng phát dịch; đánh giá tình hình miễn dịch cộng đồng; đánh giá hiệu quả của một số biện pháp can thiệp; khảo sát sự lưu hành thầm lặng của tác nhân gây bệnh.

6. Ký kết thoả thuận hợp tác giữa các Sở Y tế theo hướng liên kết vùng nhằm không ngừng nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân trong khu vực

Năm 2023, lần đầu tiên Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã ký kết thoả thuận hợp tác và phát triển với Sở y tế của 18 tỉnh, thành thuộc vùng Đồng bằng Sông Cửu long và vùng Đông Nam bộ. Ký kết thoả thuận hợp tác và phát triển nhằm đẩy mạnh hơn nữa sự hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật và đào tạo nhân lực chuyên môn giữa các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa đầu ngành của TP Hồ Chí Minh với các bệnh viện  đa khoa, chuyên khoa của các tỉnh trong khu vực. Bên cạnh đó, ký kết thoả thuận hợp tác và phát triển còn mở ra một hướng mới giúp nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân thông qua việc kết nối dữ liệu và thông tin trong công tác phòng chống dịch bệnh, xây dựng mạng lưới chăm sóc và điều trị chuyên khoa theo quy mô vùng.

7. Chính sách đặc thù phát triển mạng lưới cộng tác viên sức khoẻ cộng đồng đã được lãnh đạo Thành phố ban hành

Nghị quyết quy định về mức chi hỗ trợ cộng tác viên sức khỏe cộng đồng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã được Hội đồng nhân dân Thành phố biểu quyết thông qua (tại Kỳ họp thứ 12, ngày 11/11/2023). Tiếp đến, vào ngày 02/12/2023, UBNDTP đã ban hành Quyết định triển khai Đề án “Chính sách đặc thù phát triển mạng lưới cộng tác viên sức khoẻ cộng đồng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh". Đây là một chính sách mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng để Ngành Y tế xây dựng và phát triển mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng bao phủ toàn Thành phố. Trong tương lai không xa, một lực lượng cộng tác viên sức khoẻ cộng đồng với hơn 15.000 người sẽ là cánh tay nối dài của hệ thống y tế cơ sở trong cộng đồng dân cư sẽ giúp Ngành y tế Thành phố thực hiện tốt công tác truyền thông, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

8. Nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, viên chức y tế đang giữ trách nhiệm lãnh đạo, quản lý tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ngành y tế

Ngành y tế Thành phố triển khai chương trình luân chuyển vị trí công tác dành cho các cán bộ quản lý trẻ (còn ít nhất 3 nhiệm kỳ) để thêm cơ hội rèn luyện, thử thách, tăng thêm trải nghiệm trong công tác quản lý để sẵn sàng kế thừa các vị trí lãnh đạo tại các đơn vị khác nhau khi có nhu cầu. Năm 2023 cũng là năm đầu tiên mà Giám đốc của các bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa của Thành phố, bệnh viện quận, huyện và các trung tâm y tế được tham gia khóa tập huấn chuyên đề cập nhật kiến thức quản lý tài chính, quản lý đấu thầu trang thiết bị y tế dành cho giám đốc do các giảng viên là các chuyên gia của Bộ Tài chính, Bộ Y tế và Kiểm toán Nhà nước hướng dẫn.

9. Chuyển đổi cổng dịch vụ công của Ngành y tế vào Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Thành phố, triển khai liên thông dữ liệu hành nghề Dược vào kho dữ liệu dùng chung của Thành phố

Trong năm 2023, Sở Y tế đã triển khai tái cấu trúc, xây dựng các quy trình điện tử về cung ứng dịch vụ công và được Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt 97 quy trình nội bộ; kết hợp 18 quy trình ghép trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh, dược để rút ngắn thời gian giải quyết, cắt giảm thành phần hồ sơ cho người dân; 57 thủ tục, trong đó có 33 thủ tục cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 24 thủ tục cung cấp dịch vụ công trực tuyến một phần đáp ứng yêu cầu trên môi trường điện tử giai đoạn 2023 – 2025. Từ ngày 01/8/2023, Sở Y tế đã chính thức chuyển đổi Cổng dịch vụ công trong lĩnh vực y tế vào Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Thành phố, chính thức tiếp nhận hồ sơ dịch vụ công trên Hệ thống thông tin một cửa điện tử dùng chung của Thành phố. Đồng thời, Sở Y tế cũng đã số hóa nguồn dữ liệu hành nghề Dược của hơn 11.000 chứng chỉ hành nghề và hơn 10.000 giấy phép kinh doanh của các cơ sở kinh doanh, triển khai liên thông dữ liệu này vào kho dữ liệu dùng chung của Thành phố.

10. Phối hợp với các sở, ngành và chính quyền địa phương tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm hoạt động quảng cáo trái phép trong lĩnh vực y tế

Trước thực trạng quảng cáo trái phép trên nền tảng mạng xã hội trong lĩnh vực y tế với nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ và tính mạng của người dân, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã cùng với các Sở, ngành và Công an TP Hồ Chí Minh  thảo luận và thống nhất các giải pháp phối hợp nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý đối với hoạt động quảng cáo trong lĩnh vực y tế, cụ thể là: Sở Thông tin và Truyền thông làm đầu mối trong việc xây dựng công cụ để quản lý hoạt động quảng cáo của các cá nhân, tổ chức trên địa bàn, trong đó có hoạt động quảng cáo trong lĩnh vực y tế;  Sở Văn hoá và Thể thao  tăng cường công tác truyền thông đến các nhân vật là người của công chúng có tham gia các hoạt động quảng cáo trong lĩnh vực y tế, không tham gia các hoạt động quảng cáo lĩnh vực y tế khi chưa được xác nhận nội dung được phép quảng cáo của cơ quan quản lý; Thanh tra Sở Y tế phối hợp Công an TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm các vi phạm trọng điểm, điển hình trong hoạt động quảng cáo y tế trên không gian mạng (facebook, zalo, tiktok, youtube,…); Trung tâm báo chí TP Hồ Chí Minh thực hiện công tác tuyên truyền, hướng dẫn đối với các cơ quan báo, đài khi thực hiện đăng tải nội dung quảng cáo trong lĩnh vực y tế cần xác định rõ căn cứ pháp lý hoạt động của cơ sở và nội dung đăng tải./.

CM