Thời gian qua, việc hợp tác được triển khai trên nhiều lĩnh vực để kinh tế - xã hội giữa các địa phương như thương mại; công thương; nông nghiệp; xúc tiến đầu tư; du lịch; khoa học và công nghệ; thông tin và truyền thông; đô thị, môi trường; giao thông vận tải; văn hóa, thể thao; phát thanh, truyền hình; lao động và xã hội; an ninh, trật tự.

Để phát huy hơn nữa tiềm năng, lợi thế của các bên góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của từng địa phương và Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, các tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp cần tập trung hơn nữa vào các nội dung cụ thể: Việc liên kết phát triển phải tạo lập được không gian kinh tế chung cho tăng trưởng của toàn vùng và của TPHCM; phát huy tốt nhất lợi thế từng địa phương và của vùng.

Việc hợp tác cần có trọng tâm, trọng điểm ưu tiên tập trung vào một số lĩnh vực chủ yếu mà từng địa phương, doanh nghiệp có lợi thế, những mong muốn, yêu cầu gì của địa phương, doanh nghiệp đối với Thành phố Hồ Chí Minh và đối với Vùng. Từ đó tạo môi trường thuận lợi và tiền đề cho sự phát triển chung của cả Vùng như: hợp tác phát triển nông nghiệp, thương mại - dịch vụ; hợp tác phát triển để kết nối mạng kết cấu hạ tầng giao thông; hạ tầng thông tin và truyền thông; chuyển giao khoa học kỹ thuật; cung cấp các dịch vụ hạ tầng công nghiệp và sản phẩm du lịch; kinh tế biển và đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng nhân lực phục vụ cho phát triển du lịch.

Bên cạnh đó, việc phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Phát huy tối đa lợi thế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường; đặc biệt là các giải pháp hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu.

Về phát triển hạ tầng giao thông, đối với các dự án giao thông thuộc thẩm quyền của Trung ương, TPHCM sẽ chủ động, phối hợp cùng các địa phương làm việc, đề xuất với các cơ quan Trung ương để sớm triển khai thực hiện; tăng cường các hoạt động kết nối cung - cầu, xúc tiến đầu tư - thương mại; nghiên cứu, đề xuất bố trí các vị trí để mở rộng các chuỗi cung ứng, bán lẻ hàng hóa tại các tỉnh, các showroom trưng bày sản phẩm đặc trưng của các tỉnh tại TPHCM.

TPHCM cũng sẽ đẩy mạnh hơn nữa trong hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số, kinh tế nông nghiệp, kinh tế thị trường - chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, đào tạo nguồn nhân lực nhằm tạo chuyển hóa tiềm năng, lợi thế của các địa phương giá trị cụ thể, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của vùng và tạo cầu nối để doanh nghiệp các bên liên kết, hợp tác với nhau, đặc biệt là nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển du lịch; hợp tác, phát triển mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực y tế - giáo dục ở địa phương (Thành phố sẽ hỗ trợ hội chẩn từ xa, đào tạo nhân lực, …) từ đó vừa chăm sóc đời sống vật chất tinh thần tốt nhất cho người dân của Vùng và vừa giảm áp lực cho khu vực trung tâm của Thành phố; thúc đẩy hợp tác công - tư trên nguyên tắc cùng có lợi và đóng góp vào sự phát triển chung./..

 

 

 

PV(t/h)