|
Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo TP Hồ Chí Minh hoạt động mạnh mẽ vớihơn 100 quỹ đầu tư mạo hiểm. (Ảnh:https://kinhtevadubao.vn) |
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ XI đã xác định “phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động” là một trong những nhiệm vụ cấp thiết để phát triển Thành phố nhiệm kỳ 2020 - 2025. Trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, Thành phố xác định định hướng chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng dựa vào khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó khẳng định vai trò của khoa học công nghệ phải thực sự là động lực cho sự phát triển.
Hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã đạt được các kết quả khả quan
Thời gian qua, hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã đạt được các kết quả khả quan, từng bước trở thành động lực thúc đẩy nền kinh tế của Thành phố, nổi bật như:
Hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Thành phố ngày càng đi vào chiều sâu và có những đóng góp tích cực vào sự phát triển của Thành phố. Thành phố đã xây dựng và ban hành nhiều cơ chế chính sách để thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Qua đó, thúc đẩy đầu tư của xã hội cho hoạt động khoa học và công nghệ, ước tính bình quân giai đoạn 2021 - 2023 chi đầu tư cho khoa học và công nghệ của xã hội đạt 0,88%/GRDP. Tỉ trọng đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) vào GRDP của Thành phố của doanh nghiệp thuộc 4 ngành công nghiệp và 9 ngành dịch vụ trọng yếu của Thành phố giai đoạn 2021-2022 bình quân đạt trên 47,2%.
Thành phố đã tập trung đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm xây dựng thành phố thông minh, phục vụ chương trình chuyển đổi số và các ngành công nghiệp chủ lực một số sản phẩm tiêu biểu như: Mạng băng thông rộng cho thành phố thông minh; Bộ tiêu chuẩn HL7 FHIR và DICOM ứng dụng cho bệnh án điện tử và cho liên thông dữ liệu giữa các bệnh viện; Hệ thống đo lường nước thông minh; Công nghệ bê tông in 3D dùng cho công trình xây dựng; Ứng dụng công nghệ nano trong sản xuất thuốc hướng đích để điều trị ung thư. Ngoài ra, Thành phố cũng tập trung vào hoạt động nghiên cứu và triển khai các đề án phục vụ cho công tác quản lý nhà nước tại các sở - ban - ngành Thành phố, các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế chia sẻ, kinh tế số và kinh tế tuần hoàn…
Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thành phố là nền tảng vững chắc hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo với các nguồn lực như: gần 2.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chiếm 50% số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp của cả nước; hơn 100 quỹ đầu tư mạo hiểm, 53 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, 97 Trường đại học và cao đẳng và hơn 500 sự kiện khởi nghiệp và gần 80 cuộc thi khởi nghiệp mỗi năm đang diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, từ đó, có thể thấy hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo Thành phố ngày càng lớn mạnh và đang tiến gần đến Top 100 Thành phố có hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năng động nhất toàn cầu (Năm 2022, TP Hồ Chí Minh được xếp hạng 111 trong bảng xếp hạng Thành phố có hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năng động nhất toàn cầu do Trung tâm nghiên cứu và lập bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu - StartupBlink công bố).
Giai đoạn 2020 - 2022 Thành phố đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đội mới sáng tạo của thành phố như hỗ trợ nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo; hỗ trợ ươm tạo, phát triển các dự án khởi nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiếp cận nguồn vốn đầu tư mạo hiểm: Hỗ trợ nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo cho 5.063 doanh nghiệp (đạt 168,8% chỉ tiêu giai đoạn); Hỗ trợ ươm tạo, phát triển cho 693 dự án (đạt 69,3% chỉ tiêu giai đoạn); Hỗ trợ 236 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiếp cận nguồn vốn đầu tư mạo hiểm (đạt 236% chỉ tiêu giai đoạn). Qua đó, tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới.
Ban hành nhiều Nghị quyết thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ
Sự phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong thời gian qua mặc dù có nhiều giải pháp nhưng chưa thật sự bức phá, vẫn còn chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quản lý đô thị của Thành phố; Đầu tư của xã hội cho khoa học và công nghệ đạt 0,88%/GRDP, chưa tương xứng với tiềm năng, chưa huy động được nhiều nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước đầu tư cho khoa học và công nghệ để phát triển sản xuất hàng hóa và cung ứng dịch vụ; Cơ sở vật chất phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển; Mối liên kết trong hoạt động khoa học và công nghệ giữa trường - viện và doanh nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên chưa thực sự chặt chẽ và bền vững; Công tác quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập theo hướng tinh gọn, đa ngành, đa lĩnh vực tận dụng nguồn lực sẵn có còn chưa thật sự quyết liệt; Hoạt động thu hút các chuyên gia, nhà khoa học có tài năng còn nhiều hạn chế...
Theo đó, Ủy ban nhân dân Thành phố đã nhanh chóng thành lập Ban chỉ đạo, tổ công tác, phân công Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố trình Hội đồng nhân dân Thành phố ban hành các Nghị quyết, cụ thể như sau: Nghị quyết quy định tiêu chí, đối tượng, điều kiện, mức chi về tiền lương, tiền công, chế độ phúc lợi và các chính sách ưu đãi khác đối với các chức danh lãnh đạo trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập và thù lao thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ; Nghị quyết quy định mức hỗ trợ không hoàn lại từ nguồn chi thường xuyên của ngân sách Thành phố cho chi phí ươm tạo dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn TP Hồ Chí Minh; Nghị quyết quy định việc thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới trong phạm vi khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm đổi mới sáng tạo trên địa bàn TP Hồ Chí Minh…
Đồng thời, phối hợp với các sở ngành liên quan tham mưu quy định các lĩnh vực ưu tiên, đối tượng, điều kiện và quy trình thực hiện nhóm chính sách về miễn thuế trong hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho Dự thảo Nghị đinh quy định một số điều trong Nghị Quyết số 98/2023/QH15 gửi Bộ Tài Chính trình Chính Phủ ban hành.
Bên cạnh đó, nhằm triển khai Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt “Đề án xây dựng cơ chế thúc đẩy để hình thành và phát triển trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế” để đưa khoa học và công nghệ Thành phố tiệm cận trình độ khu vực và quốc tế. Đề án này là cơ sở để triển khai áp dụng chính sách tiền lương, tiền công đối với các chức danh lãnh đạo trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập và thù lao thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
Hiện nay, Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố 02 Nghị quyết trình Hội đồng nhân dân Thành phố trong kỳ họp lần thứ 12 sắp tới, cụ thể: Nghị quyết quy định mức hỗ trợ không hoàn lại từ nguồn chi thường xuyên của ngân sách Thành phố cho chi phí ươm tạo dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và Nghị quyết quy định tiêu chí, đối tượng, điều kiện, mức chi về tiền lương, tiền công, chế độ phúc lợi và các chính sách ưu đãi khác đối với các chức danh lãnh đạo trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập và thù lao thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
Có thể nói các chính sách trên hứa hẹn sẽ góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện hành, khơi thông mọi nguồn lực về khoa học và công nghệ của Thành phố, đặc biệt là nguồn lực nước ngoài, kịp thời đổi mới mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu phát triển, minh chứng cho vai trò then chốt của khoa học và công nghệ tham gia phát triển kinh tế - xã hội Thành phố trong giai đoạn mới./.