TS Phạm Tấn Nhật được vinh danh tại Đại hội tài năng trẻ năm 2020.

TS Phạm Tấn Nhật, hiện đang công tác tại Khoa Quản trị Kinh doanh, trường ĐH Quốc tế (ĐHQG-HCM), là một trong những người giành giải Ba, Giải thưởng Khoa học và Công nghệ cho giảng viên trẻ trong cơ sở giáo dục đại học năm 2021, với đề tài về Quản trị nhân sự thân thiện với môi trường (Greening the hospitality industry: How do green human resource management practices influence organizational citizenship behavior in hotels? A mixed-methods study).

TS Phạm Tấn Nhật đã có 22 bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín trong cơ sở dữ liệu Scopus và ISI, trong đó 15 bài trên tạp chí xếp hạng Q1 và 7 bài trên tạp chí xếp hạng Q2. Đặc biệt, trong số đó có 05 bài báo trên tạp chí xếp hạng A* (của ABDC - Úc) và 01 bài báo trên tạp chí xếp hạng 4* (của ABS - Anh Quốc). ABDC và ABS là 02 bảng xếp hạng các tạp chí khoa học uy tín và phổ biến nhất trong lĩnh vực kinh tế nói chung. TS Phạm Tấn Nhật đã và đang tham gia các dự án của NAFOSTED, ĐHQG-HCM, Sở Du Lịch TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Quốc Tế.

Nghiên cứu khoa học là đam mê

Với bảng thành tích nổi bật về nghiên cứu khoa học, nhưng TS Phạm Tấn Nhật vẫn bảo “những thành tích đó cũng không có gì nổi bật so với đồng nghiệp trên thế giới, đó là kết quả của niềm đam mê, cùng với những nỗ lực của bản thân trong nhiều năm qua”.  

TS Phạm Tấn Nhật cho biết: Từ lúc mới ra trường, khi làm nghiên cứu thị trường cho một công ty tại TP Hồ Chí Minh anh đã thích làm nghiên cứu khoa học. Sau đó, khi về công tác trong môi trường giáo dục đại học anh có nhiều cơ hội hơn để thực hiện những đam mê của mình. Hiện nay, ở trường Đại học Quốc tế, nghiên cứu khoa học là một trong hai nhiệm vụ chính của một giảng viên, do đó anh phải xem NCKH là công việc phải làm nghiêm túc chứ không chỉ là làm vì niềm vui cá nhân nữa.

Nói về lý do dành nhiều thời gian và tâm huyết cho việc nghiên cứu, TS Nhật chia sẻ: “Tôi tham gia nghiên cứu khoa học từ 2016, khá trễ so với các thầy cô và nhà nghiên cứu trẻ. Nhưng tôi sớm xác định nghề của mình là đi dạy. Khi đi dạy thì chắc chắn là phải nghiên cứu. Tôi nhớ rằng, khi quyết định về nước làm việc, người bạn thân của mình từng nhắc “với công việc của một giảng viên, dù không thích thì nghiên cứu khoa học, đặc biệt năng lực công bố quốc tế, chính là hành trang quan trọng nhất””.

TS Phạm Tấn Nhật cho rằng, các đề tài nghiên cứu thường xuất phát từ thực tế song song với tổng quan cơ sở lý thuyết chặt chẽ. Đề tài vừa đoạt giải cũng không ngoại lệ. Và trong nhiều nghiên cứu đã thực hiện, TS Nhật thích nhất là nghiên cứu về quản trị nhân sự thân thiện môi trường (green human resource management) được công bố trên tạp chí lớn nhất trong ngành là Tourism Management (xếp hạng A*-ABDC). Bài báo này được ghi nhận là có ảnh hưởng nhất trong giai đoạn từ 2019-2022 trên tạp chí Tourism Management.

TS Nhật cho hay: Để thực hiện nghiên cứu này anh phải “nhờ hỗ trợ” từ rất nhiều mối quan hệ để khảo sát số liệu và thực hiện những nghiên cứu khác nhau tại Việt Nam. Giá trị của nó nói một cách ngắn gọn là đây là nghiên cứu rất mới về chủ đề quản trị nhân sự thân thiện môi trường trong môi trường khách sạn, và khám phá vai trò của nó đối với hành vi và thái độ của nhân viên. Qua đó, nghiên cứu này cũng đưa ra ngụ ý chính sách cho các khách sạn để xây dựng hệ thống quản trị nhân sự hướng đến bảo vệ môi trường.

 “Nghiên cứu này cho tôi có rất nhiều kỷ niệm, trong đó có một kỷ niệm đáng nhớ. Khi hoàn thành xong bản thảo của bài báo, tôi trao đổi với giáo sư về việc nên gửi bài ở tạp chí nào. Giáo sư tôi là người rất thương học trò, Giáo sư hướng tôi nộp vào một tạp chí Q1 có tỷ lệ chấp nhận tương đối cao. Cô không muốn tôi rủi ro vì nếu không may chuyện này có thể kéo dài việc học của tôi. Tuy nhiên, sau đó tôi đã thuyết phục Cô để cứu bài báo lên tạp chí lớn nhất trong ngành. Sau khi đắn đo, Giáo sư cũng đồng ý nhưng dường như Cô cũng không có nhiều “niềm tin” cho quyết định này của tôi.

Sau một thời gian dài trải qua nhiều vòng chỉnh sửa, cuối cùng bài đã được chấp nhận. Ngày nhận được thư chấp nhận của tạp chí, tôi vui sướng vô cùng và sau này đi đâu Giáo sư cũng khoe có học trò là tôi có bài trên tạp chí đó. Tôi thực sự rất hạnh phúc” – TS Phạm Tấn Nhật bộc bạch.  

Trong suốt quá trình làm NCKH, TS Phạm Tấn Nhật cho biết, đây chưa bao giờ là công việc dễ dàng, đặc biệt là sau giai đoạn làm tiến sĩ, vì phải lo đủ thứ như giảng dạy, công tác quản lý, chăm sóc con cái, ổn định gia đình,… nên thời gian dành cho NCKH cũng “vơi dần” đi. Thời điểm khi mới học xong tiến sĩ, bản thân tôi phải dành một thời gian để làm quen với công việc mới. Bởi, giai đoạn 5 năm sau tiến sĩ rất quan trọng, nếu mình không giữ được nhịp độ làm nghiên cứu thì để duy trì động lực và nâng cao năng suất NCKH là quá trình rất khó khăn. Mặc dù đã có sự quan tâm của lãnh đạo ĐHQG-HCM và Trường Đại học Quốc tế, nhưng để nâng cao chất lượng NCKH thì yêu cầu phải có sự hỗ trợ nhiều hơn về kinh phí, cơ sở dữ liệu, cũng như các cơ hội kết nối những nhà khoa học uy tín trong ngành…

Cùng với sự hỗ trợ của ĐHQG-HCM, trường Đại học Quốc tế, và các Thầy Cô trong Khoa thì sự nỗ lực của bản thân là yếu tố cực kỳ quan trọng, TS Nhật luôn ý thức rằng NCKH là nhiệm vụ chính của giảng viên. Đó cũng là động lực để anh theo đuổi một cách nghiêm túc.

TS Phạm Tấn Nhật (ngoài cùng bên trái) tham gia hợp tác nghiên cứu tại Bồ Đào Nha.

Lan tỏa đam mê NCKH đến sinh viên qua các công trình

Niềm đam mê NCKH đã được TS Phạm Tấn Nhật lan tỏa đến sinh viên của mình thông qua việc chia sẻ những câu chuyện về nghiên cứu, những khó khăn và lợi ích khi làm NCKH với sinh viên và học viên. Sau dịch bệnh COVID-19, hai năm qua anh đã “lôi kéo” không chỉ nghiên cứu sinh học bậc tiến sĩ mà còn các em sinh viên bậc đại học tham gia nhóm nghiên cứu của mình. Mặc dù các bạn chưa từng có kinh nghiệm nghiên cứu, nhưng tôi luôn động viên và hỗ trợ để giúp khoảng 10 bạn sinh viên đại học có bài đăng trong hội thảo quốc tế. Đặc biệt, vừa qua có 02 bạn sinh viên đã đạt giải khuyến khích một cuộc thi về NCKH trong vòng thi tại Việt Nam. Hiện 02 bạn này được chọn để tiếp tục tham gia tiếp vòng quốc tế để tranh tài với các bạn khác trên khắp nơi thế giới.

Không chỉ truyền tình yêu với NCKH cho sinh viên, là giảng viên, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, TS Phạm Tấn Nhật còn từ chính nỗ lực của mình trong công tác chuyên môn, trong công việc chung của Trường, của Khoa để động viên các đảng viên trẻ rèn luyện, không ngừng phấn đấu, để bản thân trưởng thành hơn.

TS Phạm Tấn Nhật luôn mong các sinh viên của mình hiểu rằng, vào Đảng không phải để thăng quan tiến chức, mà để mình hiểu hơn về Đảng và đường lối phát triển của Đảng và Đất nước, qua đó mình biết mình làm sao để thay đổi và phát triển bản thân để đóng góp phần nhỏ vào sự phát triển chung của Đất nước.

Điều này được phát huy khi các bạn biết mình cần gì, muốn gì để nỗ lực. Đã là đảng viên thì dù làm việc trong tổ chức trong nước hay ngoài nước, các bạn đề cố gắng rèn luyện và phát triển bản thân tốt nhất.

Từ những nỗ lưc của bản thân, TS Phạm Tấn Nhật đã được ghi nhận bằng các bằng khen, giấy khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo; ĐHQG-HCM; Đại học Quốc tế và các giải thưởng khoa học và công nghệ dành cho giảng viên trẻ trong các cơ sở giáo dục đại học năm 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2021./.

 

 

Tường Vy