Vườn lan Huyền Thoại tại xã An Nhơn Tây.
Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021, của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung được ban hành kịp thời, phù hợp với yêu cầu cấp thiết của thực tiễn, cụ thể hóa một các thiết thực Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đây là chủ trương mang tính đột phá và kỳ vọng xây dựng được đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết. Khi các cấp, các ngành quyết liệt triển khai, đưa chủ trương này vào cuộc sống, sẽ tạo động lực mạnh mẽ để phát triển đất nước.
Thực hiện các kế hoạch của Thành phố, huyện Củ Chi đã ban hành kế hoạch về thực hiện chủ trương khuyến khích bảo vệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
Củ Chi là huyện ngoại thành, là cửa ngõ phía Tây Bắc, TP Hồ Chí Minh, có diện tích tự nhien 43.477 ha, giáp 3 tỉnh Long An, Tây Ninh, Bình Dương, là vùng chăn nuôi, trồng trọt trong điểm của Thành phố. Trong tổng số hộ sản xuất nông nghiệp, ước tính có khoảng 45% là hộ trồng trọt, 42% là hộ chăn nuôi, 8% là hộ nuôi thủy sản và 5% là hộ sản xuất nông nghiệp tổng hợp. Hiện trên địa bàn huyện có 5.885 hộ chăn nuôi trâu, bò với tổng đàn là 63.541 con.
Những năm gần đây, việc chăn nuôi trên địa bàn huyện chủ yếu nằm xen kẽ trong khu dân cư và những nơi chưa đúng quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường khu dân cư, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của người dân cũng như chất lượng sản phẩm chăn nuôi. Hiện nay, phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán là chủ yếu, các hộ dân vẫn tận dụng chuồng trại cũ đã xuống cấp, hư hỏng, tình trạng ô nhiễm môi trường do chăn nuôi chưa được xử lý triệt để, công tác quản lý giống, dịch tễ còn nhiều bất cập.
Thu hoạch cá bố mẹ để sản xuất cá bột của nông dân xã Thái Mỹ.
Nhằm duy trì và phát triển ngành chăn nuôi trên địa bàn huyện phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế- xã hội, mang lại hiệu quả kinh tế và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giúp ngành chăn nuôi huyện phát triển đúng hướng và phát triển mang tính bền vững hơn, UBND huyện Củ Chi đã ban hành kế hoạch “về phát triển chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Củ Chi giai đoạn 2022-2025”; Dự thảo Kế hoạch phát triển chăn nuôi, giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn 2045 trên địa bàn huyện. Huyện đã chủ động thực hiện đồng thời các giải pháp tháo gỡ khó khăn trước mắt cho ngành chăn nuôi; giải pháp lâu dài phải có quy hoạch một cách đồng bộ, nhằm tạo điều kiện cho hộ gia đình, hợp tác xã, hộ kinh doanh mở rộng chăn nuôi, phát triển đàn gia súc, đảm bảo quy mô về diện tích, quy cách chuồng trại, đảm bảo vệ sinh môi trường, công tác tiêm chủng và chất lượng sản phẩm gia súc xuất chuồng bà đàn gia súc tái đàn chất lượng cao.
Từ thực trạng và nhu cầu của người dân, vì mục tiêu chung phát triển kinh tế- văn hóa xã hội huyện và căn cứ các quy định có liên quan, UBND huyện Củ Chi đề xuất quy trình thực hiện giải quyết cho hộ gia đình, cá nhân được đầu tư xây dựng mới công trình chuồng trại chăn nuôi trên đất nông nghiệp khác.
Hiện nay, trên địa bàn huyện nhu cầu xây dựng mới công trình chuồng trại chăn nuôi đảm bảo quy hoạch của cá nhân, hộ gia đình tương đối cao. Tuy nhiên chưa có quy định cụ thể về việc chấp thuận về vị trí và tổng mặt bằng, quy mô xây dựng, mật độ xây dựng, trình tự, thủ tục, thành phần hồ sơ để đầu tư xây dựng mới công trình chuồng trại chăn nuôi trên đất nông nghiệp khác.
Mục đích là hướng dẫn hộ gia đình, cá nhân về trình đầu tư xây dựng mới, công trình chuồng trại chăn nuôi trên đất nông nghiệp khác trên địa bàn huyện Củ Chi nhưng phải đảm bảo quy định pháp luật hiện hành.
Nếu các đề xuất của huyện Củ Chi được chấp thuận sẽ giải quyết được nhu cầu xây dựng công trình phục vụ chăn nuôi đáp ứng nhu cầu sản xuất chăn nuôi theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, đem lại nguồn lợi thu nhập cho người dân./..