Dự án được kỳ vọng tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế biển của TP Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung. Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh cho hay, lãnh đạo Thành phố đã cùng Bộ Giao thông vận tải nghe Tập đoàn MSC/TIL – hãng tàu container lớn thứ hai thế giới, báo cáo về đề xuất dự án đầu tư cảng trung chuyển quốc tế tại huyện Cần Giờ.

Theo đó, bến Cần Giờ ở cửa sông Cái Mép mực nước sâu, nằm trên các tuyến hàng hải quốc tế, có thể đáp ứng tàu tải trọng lớn như các tuyến ở Châu Âu, Châu Phi, Châu Mỹ. Đây là điều kiện thuận lợi hình thành cảng container quốc tế, tạo lợi thế cạnh tranh với các nước trong khu vực cũng như đột phá phát triển kinh tế biển của TP Hồ Chí Minh và cả nước.

Cảng Cần Giờ có công suất gấp gần ba lần cảng Cát Lái (khoảng 16,9 triệu TEUs), được đề xuất xây tại huyện biển Cần Giờ nhằm tạo đột phá phát triển kinh tế biển TP Hồ Chí Minh. Theo quy hoạch, dự án cảng quốc tế Cần Giờ có tổng chiều dài toàn tuyến là 7,2 km với quy mô 6,8 km bến tàu mẹ, 1,9 km bến sà lan.

Tổng nhu cầu sử dụng đất bến cảng khoảng 571 ha; trong đó diện tích đất cù lao (rừng phòng hộ ven biển) 93,37 ha, diện tích mặt nước 477,63 ha. Cảng có thể đón tàu trọng tải lên tới 250.000 DWT, tương đương 24.000 TEUs). Khoảng cách tuyến bến – biên luồng từ 340 m – 393 m.

Theo một số chuyên gia kinh tế, cảng Cần Giờ không cạnh tranh, mà bổ sung và cùng khai thác hiệu quả vận tải biển ở toàn khu vực Đông Nam Bộ. Tuy nhiên, Cần Giờ hiện chưa có trong quy hoạch cụm cảng số 4 cần đưa vào quy hoạch trước. Quá trình triển khai, các đơn vị cũng cần tính toán hai vấn đề lớn là hạ tầng giao thông ra vào cảng và đánh giá tác động đến sinh quyển Cần Giờ. Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ hình thành được kỳ vọng giúp TP Hồ Chí Minh tiếp tục giữ vững vai trò là trung tâm logistics của khu vực và châu Á, đưa Việt Nam đứng hàng đầu về vận tải biển. Đồng thời, những tác động và lợi ích lớn mà cảng này mang lại rõ ràng nhất là đóng góp nguồn thu ngân sách, tạo công ăn việc làm cho nhiều người, thúc đẩy hoàn thiện cơ sở hạ tầng xung quanh, thu hút thêm các doanh nghiệp lớn đến đầu tư, phát triển.

Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Thành phố thông tin, việc điều chỉnh thời kỳ quy hoạch đầu tư các cảng mới ở khu vực Cần Giờ từ cảng tiềm năng sang thực hiện ở giai đoạn 2021 – 2030 là rất cần thiết do đến năm 2030, các khu cảng hiện hữu (khu bến Cát Lái, Phú Hữu, khu bến Hiệp Phước, khu bến sông Sài Gòn…) không còn đáp ứng được nhu cầu cầu hàng hóa thông qua cảng.

Theo tính toán đến năm 2030, sản lượng hàng hóa dự kiến thông qua các khu bến này vào khoảng 170 triệu tấn. Nếu tính tỷ lệ tăng trưởng bình quân hàng năm là 3,8% (theo Quyết định 1579/QĐ-TTg) thì đến năm 2030 nhu cầu hàng hóa thông qua các cảng tại TP.HCM đạt xấp xỉ 230 triệu tấn/năm. Trong khi đó, khả năng đáp ứng của các cảng biển hiện hữu, như đã nói chỉ đạt 170 triệu tấn, hụt gần 60 triệu tấn./..

 

PV (t/h)