Toàn cảnh Hội thảo. (Ảnh: Chi Mai)

Tại trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, Bộ Y tế vừa phối hợp cùng báo Tiền Phong, các cơ quan, ban, ngành tổ chức Hội thảo “Giải pháp hướng tới mục tiêu trở thành Trung tâm Chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN”.

Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo Bộ Y tế, lãnh đạo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, lãnh đạo Sở Y tế các tỉnh thành khu vực Đông Nam Bộ, các tỉnh thành Đồng bằng Sông Cửu Long, các bệnh viện công lập, tư nhân, ban giám hiệu các trường đại học đào tạo khối Sức khỏe, sinh viên khối ngành Y, trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng.

Hội thảo hướng tới mục tiêu giải quyết các vấn đề bức thiết hiện nay, giúp ngành y tế TP phát triển mạnh mẽ, tạo thế mạnh cạnh tranh với các nước trong khu vực. Các diễn giả, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực y tế cùng lãnh đạo Bộ Y tế sẽ cùng nhau đưa ra các giải pháp quan trọng nhằm góp phần vào củng cố hệ thống y tế, đưa TP  sớm đạt được mục tiêu trở thành Trung tâm Chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN.

Hội thảo được chia thành 2 phiên chuyên đề, phiên chuyên đề 1: Phát triển y tế chuyên sâu chăm sóc người bệnh trong nước và quốc tế; phiên chuyên đề 2: Sẵn sàng cho mục tiêu trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN với các diễn giả đến từ các Sở Y tế, bệnh viện và các trường đạo tạo Sức khỏe.

Trình bày tham luận “Hợp tác quốc tế trong đào tạo chuyên môn sâu”, PGS. TS Nguyễn Thị Thu Thuỷ Trưởng khoa Dược, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng - HIU nhìn nhận, công tác hợp tác quốc tế là một trong những yếu tố quan trọng để đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng điều trị. Do đó, nguồn nhân lực y tế đóng vai trò then chốt cần phải cải tiến, nâng cao cả về số lượng lẫn chất lượng.

PGS. TS Nguyễn Thị Thu Thuỷ thông tin, năm học 2020 – 2021, số lượng cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 17% trong hơn 3.800 cơ sở giáo dục ngoài công lập. Việt Nam đã ký kết 1.500 hiệp định và thỏa thuận hợp tác giáo dục với các đối tác quốc tế. Trong đó, 1.200 hiệp định và thỏa thuận liên kết giữa các trường đại học trong nước và nước ngoài để cung cấp các chương trình đào tạo có chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế. Ngoài ra, tính đến tháng 6/2022, Việt Nam thu hút 605 dự án trong lĩnh vực giáo dục với tổng số vốn đầu tư lên tới hơn 4,57 tỷ USD, đến từ 33 quốc gia/vùng lãnh thổ.

Nêu ra một số giải pháp,  PGS. TS Nguyễn Thị Thu Thuỷ cho rằng, đối với cơ quan quản lý, cần có sự hỗ trợ đồng bộ từ các bộ, ngành trong công tác kết nối hợp tác quốc tế với các cơ sở giáo dục nước ngoài. Đồng thời xây dựng cơ chế để các giảng viên đào tạo nhân lực khối ngành sức khỏe với chương trình quốc tế tại các trường ngoài công lập tham gia kiêm nhiệm vào công tác khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế; Các cơ sở giáo dục cần đổi mới chương trình đào tạo theo hướng hội nhập, đáp ứng nhu cầu điều trị; đẩy mạnh chuyển đổi số trong đào tạo nhân lực y tế, xây dựng nguồn tài liệu y văn mở….

Theo TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám Đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, hệ thống y tế của TP Hồ Chí Minh bao gồm 129 bệnh viện (12 bệnh viện Bộ Ngành, 32 bệnh viện Thành phố, 19 bệnh viện Quận/Huyện và 66 bệnh viện tư nhân), 22 Trung tâm Y tế quận, huyện, thành phố Thủ Đức (trong đó có 04 trung tâm y tế có giường bệnh nội trú), 310 Trạm y tế xã, phường, thị trấn, hơn 8000 phòng khám tư nhân cùng với mạng lưới cấp cứu ngoại viện gồm Trung tâm cấp cứu 115 và 39 trạm cấp cứu vệ tinh. Trong đó, 22 bệnh viện được Bộ Y tế giao nhiệm vụ là tuyến cuối về chuyên môn kỹ thuật, 45 bệnh viện được Bộ Y tế công nhận là cơ sở đào tạo liên tục.

Bên cạnh các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế, trên địa bàn Thành phố còn có các bệnh viện trực thuộc Bộ, ngành như Bệnh viện Quân Y 175, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y dược, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện 30 tháng 4… là những bệnh viện phát triển y tế chuyên sâu hàng đầu của TP Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam.

Hiện nay, TP có 66 bệnh viện tư nhân trên tổng số 335 bệnh viện tư nhân trên toàn quốc (chiếm tỷ lệ gần 20% số), và chiếm khoảng 10% tổng số giường bệnh toàn TP. Trong đó, nhiều bệnh viện đã triển khai thành công kỹ thuật chuyên sâu trong chẩn đoán, điều trị và chăm sóc người bệnh, đạt được các chuẩn quốc tế về chất lượng bệnh viện và có khả năng tiếp nhận bệnh nhân là người nước ngoài có nhu cầu chữa trị và chăm sóc sức khỏe như Bệnh viện đa khoa Xuyên Á, Bệnh viện FV, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh…

leftcenterrightdel
Các đại biểu tham dự Hội thảo. (Ảnh: CM)

Đồng thời, Thành phố hiện có 08 trường Đại học đào tạo nhân lực y tế (Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Khoa Y Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Đại học Nguyễn Tất Thành, Đại học Quốc tế Hồng Bàng, Đại học Văn Lang, Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh, Đại học Tôn Đức Thắng), 20 trường dạy nghề đào tạo điều dưỡng, kỹ thuật viên… Đây là điều kiện thuận lợi để TP xây dựng chương trình phát triển nguồn nhân lực y tế chất lượng cao.

Để thực hiện hiệu quả các giải pháp đưa TP Hồ Chí Minh sớm trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe trong khu vực ASEAN, TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám Đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, TP đã và đang xây dựng, triển khai các dự án y tế trên địa bàn, bao gồm: Đề án y tế thông minh giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến 2030; Đề án “Phát triển sức khỏe cộng đồng nhằm bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2030”; Đề án “Tăng cường tổ chức và nâng cao năng lực Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố”; Đề án “Phát triển y tế chuyên sâu TP Hồ Chí Minh giai đoạn đến năm 2025 và những năm tiếp theo”; Đề án “Hình thành Trung tâm tầm soát, chẩn đoán bệnh sớm bằng công nghệ cao từ nay đến năm 2030”; Đề án “Phát triển mạng lưới cấp cứu ngoại viện theo hướng chuyên nghiệp từ nay đến năm 2030 và những năm tiếp theo”; Đề án “Phát triển công nghiệp dược TP Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Đề án thực hiện tự chủ tài chính theo Nghị định 60/2021/ND-CP và các chính sách đặc thù giúp các bệnh viện công lập ngành Y tế Thành phố phát triển bền vững; Đề án “Huy động các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển y tế TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2023-2025 và những năm tiếp theo”.

Về phần mình, BS CKII Nguyễn Ngọc Việt Nga, Phó giám đốc Sở Y tế TP Cần cho hay, để phát triển hệ thống y tế “vệ tinh” tạo thế mạnh liên kết vùng, Bộ Y tế tiếp tục triển khai đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2023-2030 cho các bệnh viện cho thành phố Cần Thơ và 12 tỉnh còn lại của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, thiết lập mạng lưới cấp cứu ngoài bệnh viện theo hướng chuyên nghiệp cho toàn vùng. Xây dựng hệ thống mạng lưới bệnh viện theo chuyên ngành mang tính chất vùng, trong đó ngành y tế TP Hồ Chí Minh và các bệnh viện Trung ương trên địa bàn TP Hồ Chí Minh giữ vai trò đầu tàu, định hướng và hỗ trợ chuyên môn. Cùng với đó, gắn kết và hợp tác hệ thống mạng lưới bệnh viện trong vùng với các trường đại học y dược trên cả nước; Tăng cường hợp tác quốc tế với quy mô mở rộng theo tính chất vùng với các Viện, trường các nước có nền y học phát triển; Hợp tác trong công tác nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo xuất phát từ yêu cầu thực tiễn từng địa phương. Mặt khác, kiến nghị các cấp có thẩm quyền cho phép thí điểm các mô hình, giải pháp giúp giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý ngành theo chuyên ngành; Xây dựng hệ sinh thái chuyển đổi số y tế theo chuyên ngành mang tính chất vùng trên nền tảng ứng dụng dữ liệu dân cư từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

TS. BS Trần Chí Cường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ cho rằng, nhằm góp phần cứu chữa bệnh nhân đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ đã ứng dụng hệ thống máy móc tiên tiến, cùng những kỹ thuật phẫu thuật can thiệp, như máy MRI 3T Lumina, các máy DSA thế hệ mới, các thiết bị điều trị đột quỵ công nghệ cao…

“Nguồn nhân lực cũng đã sẵn sàng chuyển giao công nghệ, liên kết và làm việc với các tổ chức về đột quỵ quốc tế, để đáp ứng nhu cầu mục tiêu trở thành trung tâm y tế chuyên sâu của ASEAN theo định hướng của Đảng, Nhà nước”, TS.BS Trần Chí Cường bày tỏ./.

CM