|
|
Đồng chí Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc ĐHQG-HCM trao thư cảm ơn đến Ths. Nguyễn Hồ Thùy Linh nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam. |
Ths. Nguyễn Hồ Thùy Linh Trưởng nhóm nghiên cứu vật liệu hóa sinh và môi trường, Trung tâm nghiên cứu vật liệu cấu trúc nano và phân tử thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) vinh dự là 1 trong 3 nhà khoa học nữ vào top 10 nhà khoa học trẻ tiêu biểu đạt giải thưởng Quả cầu vàng năm 2023 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao giải. Đây là giải thưởng thường niên kể từ năm 2003 nhằm phát hiện, tôn vinh các tài năng trẻ không quá 35 tuổi có thành tích xuất sắc về nghiên cứu, phát triển đội ngũ nhân tài trong lĩnh vực khoa học công nghệ.
Với thành tích nổi bật, Ths. Nguyễn Hồ Thùy Linh là tác giả chính bài báo “Zr and Hf-metal-organic frameworks: an effecient and recyclable heterogeneous catalyst for the synthesis of 2-arylbenzoxazole via ring open pathway acylation reaction” đăng trên tạp chí quốc tế Journal of Catalysis thuộc danh mục Q1 và chỉ số IF=7.3. Đó cũng là công trình nghiên cứu có ý nghĩa trong lĩnh vực khoa học vật liệu mới khi đã nghiên cứu khả năng xúc tác của Zr và Hf-MOF trong phản ứng tổng hợp 2-arylbenzoxazole.
Chia sẻ với chúng tôi, Ths. Nguyễn Hồ Thùy Linh cho hay: “Bản thân tôi cảm thấy rất vui và vinh dự khi được Ban tổ chức xem xét và trao tặng giải thưởng KHCN Quả Cầu Vàng năm 2023. Kết quả công bố giải thưởng cho thấy sự đánh giá khách quan dựa trên chất lượng của các công trình nghiên cứu, sáng chế, giải pháp hữu ích, và những đóng góp cho đào tạo khoa học kỹ thuật trong nước và quốc tế. Việc tham gia cuộc thi đã cho tôi cơ hội được nhìn lại chặng đường nghiên cứu khoa học đã qua, được biết thêm nhiều anh chị bạn bè cùng chung niềm đam mê. Cũng từ đó, tôi có thêm động lực phấn đấu và nỗ lực hơn nữa chinh phục những thử thách mới và mở rộng hợp tác nghiên cứu liên ngành”.
Theo Ths. Nguyễn Hồ Thùy Linh, nghiên cứu khoa học là một hoạt động xã hội mà đặc trưng là tập trung tìm kiếm những điều mà khoa học chưa biết, phát hiện bản chất sự vật, phát triển nhận thức khoa học về thế giới, hoặc là sáng tạo phương pháp mới và phương tiện kỹ thuật mới để giúp ích cho xã hội. Riêng với linh vực chị đang nghiên cứu, theo đuổi đó là vật liệu xốp khung hữu cơ kim loại xốp mới. Tính chất sản phẩm nghiên cứu chị Linh nghiên cứu là nghiên cứu cơ bản nhằm phát hiện thuộc tính, cấu trúc bên trong của các vật liệu xốp, từ đó có thể chủ động thiết kế, tổng hợp cho từng ứng dụng cụ thể, đặc biệt trong lĩnh vực hóa học xúc tác, sinh học và môi trường nhằm tạo ra các giải pháp, qui trình công nghệ, sản phẩm để áp dụng vào đời sống và sản xuất.
Chia sẻ về quá trình đến với công tác nghiên cứu khoa học, Ths. Nguyễn Hồ Thùy Linh nhớ lại, thời điểm là sinh viên năm cuối đại học tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM, khi đó chị đã có cơ hội được làm thực tập sinh tại Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu Cấu trúc Nano và Phân tử, ĐHQG-HCM. Đối với cô sinh viên năm cuối Nguyễn Hồ Thùy Linh - đó là cánh cửa quan trọng mở ra cơ hội học tập từ những nhà khoa học hàng đầu thế giới về lĩnh vực MOF/ZIF (GS. Omar Yaghi, GS. O’Keeffe), các anh chị nghiên cứu sinh của chương trình, được làm việc trong các phòng thí nghiệm hiện đại với trang thiết bị nghiên cứu chuyên sâu. Và cũng từ quá trình làm việc đó, sự chia sẻ kiến thức, niềm đam mê nghiên cứu khoa học, khát vọng về những công bố chất lượng cao và sự nghiêm túc trong công việc nghiên cứu đã khơi dậy trong cô sinh viên năm cuối niềm đam mê nghiên cứu khoa học và muốn trở thành nhà nghiên cứu.
“Tôi tin rằng, không có thử thách nào dễ dàng và mỗi chúng ta đều có những lợi thế riêng. Trong nghiên cứu khoa học sự khéo léo, tỉ mỉ, và kiên trì sẽ quyết định phần lớn đến kết quả công việc. Chính vì vậy, khi hướng dẫn sinh viên làm nghiên cứu khoa học, tôi thường tạo điều kiện để sinh viên có thể chủ động suy nghĩ, tìm kiếm chủ đề, và nêu cách thức giải quyết vấn đề nghiên cứu gặp phải. Tôi cũng thường khuyên các bạn hãy nghĩ về điều mình muốn làm, xin thực tập ở nơi có nhiều thử thách, và chủ động học hỏi thêm từ những thế hệ đi trước” – Ths. Nguyễn Hồ Thùy Linh tâm sự.
Năm 2021, Ths. Nguyễn Hồ Thùy Linh được Ban lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu Cấu trúc Nano và Phân tử tin tưởng tạo điều kiện hình thành nhóm vật liệu cho ứng dụng hóa, sinh và môi trường. Với vai trò trưởng nhóm nghiên cứu, THs. Nguyễn Hồ Thùy Linh và cộng sự đã có khoảng 30 công trình nghiên cứu khoa học thuộc chủ đề nghiên cứu đặc trưng về vật liệu xốp cho lĩnh vực hóa, sinh và môi trường./..
|
|
Ths. Nguyễn Hồ Thuỳ Linh cho biết: Khi hướng dẫn sinh viên làm nghiên cứu khoa học, tôi thường tạo điều kiện để sinh viên có thể chủ động suy nghĩ, tìm kiếm chủ đề, và nêu cách thức giải quyết vấn đề nghiên cứu gặp phải. |
Ths. Nguyễn Hồ Thùy Linh cho biết: Nhiệm vụ của chị chính là tổ chức hoạt động cho nhóm gồm 3 đến 5 học viên cao học, sinh viên, sắp xếp và phân công công việc, chủ đề nghiên cứu, đóng góp ý kiến và chịu trách nhiệm về khoa học và kinh phí hoạt động nghiên cứu của nhóm. Ngoài ra, chị cũng sẽ chủ động trao đổi, hợp tác liên ngành với đối tác trong hệ thống ĐHQG-HCM như Khoa Hóa và Khoa Khoa học và Công nghệ Vật liệu, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Khoa Y, ĐHQG-HCM, và các đơn vị nghiên cứu trong và ngoài nước như Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Đại học Inha, Hàn Quốc; Đại học Hanyang, Hàn Quốc; Đại học Kyoto, Nhật Bản để giúp cho nhóm nghiên cứu trẻ có cơ hội học hỏi, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm, khai thác thiết bị và mở rộng hướng nghiên cứu.
Theo Ths. Nguyễn Hồ Thùy Linh, đối với công việc nghiên cứu khoa học, ngoài tinh thần đam mê nghiên cứu thì trang thiết bị, máy móc và đề tài nghiên cứu khoa học là hiện thực mà những người làm khoa học phải đối mặt. May mắn của Ths. Nguyễn Hồ Thùy Linh chính là được công tác tại ĐHQG-HCM, một nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố giúp cho các nhà khoa học trẻ có cơ hội để học tập và thể hiện năng lực của bản thân. Sự đầu tư rất lớn của ĐHQG-HCM về đội ngũ GS đầu ngành quốc tế, cơ sở vật chất, trang thiết bị, và cấp kinh phí cho các đề tài nghiên cứu về lĩnh vực vật liệu xốp là điều mà bản thân chị và cộng sự luôn luôn ghi nhớ và biết ơn.
Nhờ sự đầu tư quý giá đó, những công trình nghiên cứu vật liệu mới được ra đời, có độ tin cậy cao, tiệm cận được với sự phát triển của ngành khoa học vật liệu xốp, và ghi dấu ấn hoạt động nghiên cứu của nhà nghiên cứu Việt Nam thông qua việc đặt tên VNU (viết tắt của Việt Nam National University) cho các vật liệu hoàn toàn mới trên cơ sở dữ liệu cấu trúc vật liệu như VNU-1, VNU-2, VNU-11, VNU-15, VNU-18...
Kết quả nghiên cứu khoa học là sản phẩm do một tập thể tạo ra. Sức mạnh của hệ thống các trường đại học thành viên, khoa, viện trong ĐHQG nơi mà có đội ngũ các nhà khoa học, trang thiết bị tiên tiến phục vụ hiệu quả cho công tác đào tạo trình độ đại học, sau đại học và hợp tác liên ngành. Chính vì vậy, vật liệu mới do nhóm nghiên cứu tìm ra rất dễ được khai thác, chuyển giao và ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như hóa học, sinh học, môi trường, và năng lượng.
Là người đam mê nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực công nghệ vật liệu mới, Ths. Nguyễn Hồ Thùy Linh đã vinh dự được nhận bằng khen, giấy khen và giải thưởng cho các công trình nghiên cứu. Trong năm 2023, Ths, Nguyễn Hồ Thùy Linh có 12 công bố khoa học đăng trên tạp chí quốc tế uy tín (vai trò là tác giả chính trong 5 công bố) với điểm IF (chỉ số ảnh hưởng) trung bình là 5,3. Năm 2021-2022, Ths. Nguyễn Hồ Thùy Linh cũng có 31 công bố quốc tế trên tạp chí khoa học uy tín hàng đầu thế giới với điểm IF trung bình là 5,1. Bên cạnh đó, chị còn tham gia giảng dạy sinh viên ngành Khoa học Vật liệu (môn Tổng hợp và phân tích vật liệu), ngành Hóa dược (môn Hóa hữu cơ), ngành Công nghệ sinh học (môn Hóa đại cương) và hướng dẫn tốt nghiệp cho sinh viên, tham gia nhiều hoạt động cộng đồng./.