Toàn cảnh Hội thảo. (Ảnh: Chi Mai)

Để góp phần tổng kết hoạt động phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Thành phố Hồ Chí Minh, đánh giá thực trạng và đề xuất một số giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngày 6/10, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Quản lý Khu  Nông nghiệp Công nghệ cao phối hợp với Trường Chính sách công và Phát triển  Nông thôn tổ chức Hội thảo “Thực trạng và giải pháp phát triển nông nghiệp công  nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với mục  tiêu tập hợp các luận cứ khoa học làm cơ sở đề xuất định hướng, cơ chế, chính sách,  giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Thành phố, qua đó góp phần thay đổi và phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao của Thành phố, trở thành hình mẫu về phát triển nông nghiệp công nghệ cao của cả nước.

Chủ trì Hội thảo có các đồng chí Phạm Đình Dũng, Trưởng Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh; đồng chí Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh; đồng chí Nguyễn Trung Đông – Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn…

Báo cáo đề dẫn Hội thảo, đồng chí Phạm Đình Dũng, Trưởng Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố Hồ Chí Minh đã tập trung xây dựng cơ sở vật chất, thành lập các đơn vị tiên phong trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao như: Khu Nông nghiệp công  nghệ cao Thành phố, Trung tâm công nghệ sinh học, Trại trình diễn và thực nghiệm  chăn nuôi bò sữa công nghệ cao... Ủy Ban nhân dân thành phố cũng đã phê duyệt  chương trình “Chương trình phát triển giống cây, con và nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2020-2030”, đây là định hướng để tập trung nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, cũng xác định phát triển  nông nghiệp Thành phố theo hướng “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp đô thị”. 

Tại Hội thảo, Ban Tổ chức đã nhận được 26 bài tham luận tập trung vào các nội dung:  Định hướng, tiềm năng, lợi thế và cơ hội phát triển nông nghiệp công nghệ cao Thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đề xuất các kiến nghị, giải pháp để phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hội thảo tập trung thảo luận các vấn đề cốt lõi, có ý nghĩa thực tiễn đối với việc xác định định hướng, tiềm năng, lợi thế và giải pháp để phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Thành phố trong thời gian tới, trong đó bao gồm: xác định định hướng, tiềm năng, lợi thế và cơ hội phát triển nông nghiệp  công nghệ cao Thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, đề xuất các kiến nghị, giải pháp để phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hội thảo tập trung đưa ra những kiến nghị, giải pháp cụ thể trong việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng; ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong nông nghiệp; nghiên cứu  và chuyển giao công nghệ; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phù hợp với điều kiện phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Thành phố Hồ Chí Minh. 

Giới thiệu về “Thực trạng, tiềm năng, lợi thế và những cơ hội, thách thức trong quá trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh”, đồng chí  Lê Văn Cửa Phó Trưởng Ban - Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tăng trưởng GRDP ngành nông nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (giá so sánh năm 2010) tăng từ 3.413 tỷ đồng năm  2010 lên 4.462 tỷ đồng năm 2015, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 - 2015 là 5,51%/năm và tăng lên 5.268 tỷ đồng năm 2020, đạt tốc độ tăng bình quân  giai đoạn 2016 - 2020 là 3,38%/năm, cao hơn tốc độ tăng GDP nông nghiệp cả nước  (2,54%/năm). Năm 2021 đạt 4.471 tỷ đồng, tăng trưởng âm 15,13% so với năm 2020  do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19. 

Tính đến 31/12/2020, Thành phố Hồ Chí Minh có 699 doanh nghiệp nông  nghiệp, chiếm 0,32% trong tổng số 216.637 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa  bàn (Cục Thống kê, 2023). Trong số đó có 2 doanh nghiệp được công nhận là doanh  nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đến nay đã có 61 doanh nghiệp tham gia chương trình ươm tạo thuộc nhiều  lĩnh vực như công nghệ sinh học, công nghệ bảo quản sau thu hoạch, sản xuất và  canh tác, nuôi trồng nấm, chế phẩm sinh học, nuôi trồng thủy sản. Trong đó có 7  doanh nghiệp đang trong giai đoạn tiền ươm tạo, 27 doanh nghiệp giai đoạn ươm tạo  chính thức và 27 doanh nghiệp đã tốt nghiệp. Từ các chương trình hỗ trợ này, đến nay đã có tổng cộng hơn 60 doanh nghiệp với khoảng 220 sản phẩm được thương mại trên thị trường, tạo ra hơn 100 tỷ doanh thu/năm. Một số doanh nghiệp đã xuất khẩu sản  phẩm ra thị các nước EU, Đài Loan (Trung Quốc), Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Mỹ,  Nhật, Anh, Canada, Chile.

leftcenterrightdel
Nông nghiệp công nghệ cao làm thay đổi đời sống nông dân TP. (Ảnh: CM)

Giai  đoạn 2016 - 2020 các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lỹ Khu nông nghiệp Công nghệ cao và Hội Nông dân Thành phố đã tổ chức đào tạo nghề ngắn hạn dưới 03 tháng cho 371 lớp với 12.006 học viên là nông dân,  người lao động. Đào tạo nghề lao động nông nghiệp nông thôn trình độ sơ cấp: đã  đào tạo được 27 lớp cho 826 lượt. 

Bên cạnh đó, nông nghiệp công nghệ cao của Thành phố cũng đối mặt với một số khó khăn, thách thức không  nhỏ, đó là: Tốc độ đô thị hóa trên địa bàn Thành phố trong những năm qua diễn ra nhanh nhưng công tác quản lý, kiểm soát còn thiếu chặt chẽ và bất cập, dẫn đến đất nông  nghiệp bị chia cắt manh mún, thiếu ổn định và sử dụng chưa hiệu quả. Tình trạng ô  nhiễm nguồn nước và đất đai có chiều hướng gia tăng; Tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng đến nông nghiệp ngày càng  nghiêm trọng và phức tạp. Tình trạng nhiệt độ tăng, ngập úng, tình trạng sụt lún, sạt  lở bờ sông rạch khó dự báo chính xác và đòi hỏi chi phí kiểm soát, ứng phó lớn; Chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn của Thành phố vẫn còn  hạn chế nhất định nếu so với yêu cầu phát triển ở quy mô của nền nông nghiệp hàng  hóa lớn. Độ tuổi của lao động nông nghiệp ngày càng cao, chất lượng lao động chưa  đồng đều, khoảng cách chênh lệch về mức sống của người dân giữa khu vực đô thị và nông thôn lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp, nông thôn. 

Chuỗi liên kết giữa các nhà bán lẻ trong nước nói chung và thành phố nói riêng  với các chuỗi cung ứng chưa tốt; hệ thống chính sách, giải pháp về phát triển nông nghiệp nói chung và nông  nghiệp công nghệ cao nói riêng ban hành nhiều nhưng vẫn còn những bất cập, chưa  phát huy hết hiệu quả, người sản xuất khó tiếp cận….

Trình bày tham luận với chủ đề “Chính sách và pháp luật của nhà nước về phát triển nông nghiệp công nghệ cao”, ThS. Nguyễn Thị Thảo Trang Giảng viên Trung tâm đào tạo nông dân Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn cho rằng, để phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam, Nhà nước cần có kế hoạch, chương trình hoàn thiện hệ thống chính sách và pháp luật, tạo điều kiện  thuận lợi cho sự phát triển bền vững của công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp như: Khung pháp luật và quy định rõ ràng;  Khuyến khích đầu tư và hỗ trợ tài chính; Đào tạo và phát triển nhân lực; Khuyến khích nghiên cứu và phát triển; Bảo vệ dữ liệu và quyền sở hữu trí tuệ; Khuyến khích hợp tác công tư; Giám sát và kiểm tra chất lượng; Xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật; Tạo cơ hội thị trường.. ..

Chia sẻ về “Định hướng và giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao Thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, TS Đinh Minh Hiệp, Giám đốc - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, Trên cơ sở quan điểm, định hướng, mục tiêu nhằm phát triển nông nghiệp công  nghệ cao Thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cần tập trung triển khai một số giải pháp chủ yếu như sau: Tiếp tục triển khai  thực hiện các chính sách đang hiện hành; quy hoạch và mở rộng, nâng cấp cơ sở hạ tầng khu, vùng sản xuất  nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất giống công nghệ cao; đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân sản xuất nông nghiệp  công nghệ cao; thu hút đầu tư cho phát triển nông nghiệp nông nghiệp công nghệ cao; phát triển thị trường tiêu thụ, giá cả sản phẩm nông sản công nghệ cao; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ ổn định và bền vững; đẩy mạnh công tác phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp công  nghệ cao; nâng cao năng lực cán bộ, tăng cường công tác khuyến nông, chuyển giao công nghệ và đẩy mạnh hoạt động truyền thông nông nghiệp công nghệ cao nhằm nâng cao nhận thức cho người sản xuất.

Tại Hội thảo, TS. Lê Quốc Điền, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp phân tích, để khoa học công nghệ thực sự thúc đẩy sự phát triển ngành nông nghiệp, trong thời gian tới, cần đẩy mạnh hơn nữa việc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào lĩnh vực  sản xuất nông nghiệp, tiếp tục đẩy mạnh việc đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng tốt phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương  vào sản xuất, đáp ứng yêu cầu đa dạng hóa về sinh học và phát triển bền vững, tiếp tục cần sự quan tâm của các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện chính sách khuyến  khích, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; cùng với đó cần sự đồng bộ trong toàn hệ thống để đưa các chính sách vào thực tiễn một cách thực sự để thực thi  hiệu quả, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền góp phần đưa nền nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững./.

Chi Mai