Sở Du lịch TP đã và đang phát huy du lịch đường thủy.

 

Phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh đến năm 2024 thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có vai trò dẫn dắt phát triển kinh tế xanh, sinh thái; trở thành trung tâm du lịch hàng đầu khu vực Đông Nam Á, là điểm đến du lịch đẳng cấp, hấp dẫn, có tính cạnh tranh cao. Đến năm 2050 trở thành điểm đến du lịch sống động hàng đầu Châu Á, du khách có những trải nghiệm đặc sắc, khác biệt với các thành phố du lịch trên thế giới dựa trên sự phát triển du lịch xanh, sinh thái, bền vững, phong phú, đa dạng sinh học, gắn với thiên nhiên, hài hòa và cân bằng với thiên nhiên.

Hai sản phẩm du lịch đặc sắc của TP Hồ Chí Minh tập trung đầu tư trọng tâm, trọng điểm là khu dự trữ sinh quyển gắn với khu đô thị sinh thái lấn biển Cần Giờ và khu du lịch sinh thái ven sông Sài Gòn gắn với phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh công nghệ cao; du lịch nghỉ dưỡng kết hợp du lịch sinh thái, khám phá, trải nghiệm gắn với du lịch thể thao dưới nước.

Để đạt được mục tiêu đề ra, tại hội thảo khoa học “Thí điểm cơ chế, chính sách mới vượt trội tại TP Hồ Chí Minh” được tổ chức năm 2023, PGS,TS Trương Thị Hiền, nguyên Giám đốc Học viện Cán bộ TP Hồ Chí Minh cho rằng: Cần xây dựng cơ chế, chính sách vượt trội để phát triển hai sản phẩm du lịch mũi nhọn, bền vững, ổn định của TP Hồ Chí Minh trong chuỗi liên kết thành một.

Theo đó, đầu tư phát triển khu đô thị sinh thái lấn biển Cần Giờ gắn với khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ thành sản phẩm du lịch đặc sắc của Thành phố Hồ Chí Minh bằng cơ chế, chính sách vượt trội.

Theo PGS, TS Trương Thị Hiền: Khu đô thị sinh thái lấn biển Cần Giờ kết hợp phát triển Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ là sự trăn trở, tâm huyết của nhiều thế hệ cán bộ, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh từ năm 1990 đến nay, qua gần 30 năm nhưng chưa thành hiện thực.

Vì vậy cần thực hiện huy động nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư; trong đó cần có cơ chế, chính sách vượt trội cho TP Hồ Chí Minh. Trung ương phân cấp, phân quyền cho HĐND và UBND TP phê duyệt quy hoạch Khu đô thị lấn biển (quy hoạch 1/5.000 và quy hoạch 1/2.000-quy hoạch phân khu); phê duyệt quy hoạch 1/500 khi thực hiện dự án trong khu…

Để đầu tư xây dựng các cụm đô thị du lịch trong khu đô thị lấn biển, đầu tư cơ sở hạ tầng như khách sạn, các bãi tắm biển đạt tiêu chuẩn, các khu vui chơi, giải trí, dã ngoại, sinh thái thể thao dưới nước… cũng làm theo hình thức hợp tác công tư PPP; giao cho Thành phố đàm phán và lựa chọn nhà đầu tư. Việc đầu tư, xây dựng và phát triển Khu đô thị lấn biển Cần Giờ kết hợp Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Rừng Sác trên 70.000 ha là hạ tầng cơ sở du lịch quy mô lớn của Thành phố hoàn toàn có thể cạnh tranh với các thành phố biển lớn trên thế giới.

Du lịch sinh thái Thiềng Liềng (Cần Giờ) điểm đến hấp dẫn của du khách. 

Về đầu tư phát triển du lịch sinh thái ven sông Sài Gòn kết hợp với khu nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh, sinh thái quy mô 5.000 ha trên địa bàn huyện Củ Chi, kết hợp các trung tâm an dưỡng, nghỉ dưỡng, trang trại, du lịch nhà vườn ven sông và du lịch thể thao dưới nước; kết hợp du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử gắn với địa đạo Củ Chi, đền Bến Dược của vùng đất thép Củ Chi.

Muốn vậy, Trung ương cần có cơ chế, chính sách vượt trội cho TP Hồ Chí Minh để huy động vốn đầu tư xã hội. TP dành quỹ đất ven sông và ven tuyến đường để tạo vốn đầu tư và kêu gọi đầu tư ứng trước vốn làm đường và TP Hồ Chí inh trả lại bằng quỹ đất tương ứng dọc ven tuyến đường và ven sông. Cho phép TP huy động vốn đầu tư trong nước và nước ngoài bằng nhiều hình thức…

Nếu kết hợp đầu tư phát triển đồng thời cả hai khu sinh thái có thể tạo ra bước đột phá hạ tầng khu du lịch, kết hợp với sản phẩm du lịch đặc sắc của TP Hồ Chí Minh để du lịch bứt phá thành mũi nhọn của Thành phố trong khoảng thời gian từ 15 năm đến 20 năm xây dựng./..

Đức Minh