|
Toàn cảnh tọa đàm. (Ảnh: CM) |
Ngày 11-10, Ban Nội chính Thành ủy - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TP Hồ Chí Minh phối hợp với Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức tọa đàm “Giải pháp thu hồi tài sản tham nhũng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh”.
Phát biểu đề dẫn, ông Ngô Minh Châu, Thành ủy viên, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TP Hồ Chí Minh cho rằng, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói chung, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án kinh tế, tham nhũng nói riêng luôn được Thành ủy, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TP Hồ Chí Minh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Trong thời gian qua, công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án kinh tế, tham nhũng tại TP Hồ Chí Minh đã có những bước tiến quan trọng. TP đã thành công trong việc kê biên, phong tỏa và thu giữ tài sản từ nhiều vụ án nghiêm trọng, tiêu biểu là các vụ án xảy ra tại Cục Đăng Kiểm Việt Nam và các Trung tâm đăng kiểm ở nhiều địa phương; vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát...
“Tài sản được thu hồi không chỉ đóng góp trực tiếp vào ngân sách Nhà nước mà còn góp phần củng cố lòng tin của người dân vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cục. Trong một số vụ án lớn, các bị can đã tự nguyện nộp lại tài sản để khắc phục hậu quả ngay trước và trong quá trình xét xử. Đây là kết quả đáng khích lệ, phản ánh sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan chức năng và những biện pháp truy vết tài sản chặt chẽ, kịp thời”- ông Ngô Minh Châu chia sẻ.
Ông Ngô Phạm Việt, Phó Viện Trưởng Viện kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh cho biết, nhận thấy nguyện vọng của bị can là quyền lợi chính đáng, phù hợp với quy định của pháp luật. Từ giữa năm 2023, Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân Thành phố đã cho chủ trương về việc hướng dẫn bị can, thân nhân bị can nộp tiền khắc phục trong giai đoạn truy tố. Trong 6 tháng cuối năm 2023, Viện kiểm sát nhân dân Thành phố đã thu được 2.156.721.895 đồng. Đến ngày 30/8/2024, trong giai đoạn truy tố tại Viện kiểm sát nhân dân Thành phố đã thu được 17.429.776.395 đồng. Đây cũng là một trong những biện pháp thu hồi tài sản rất thuận lợi và hiệu quả, các đơn vị cần áp dụng để phát huy triệt để biện pháp này khi thực hiện nhiệm vụ. Điển hình vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, trong 30 ngày truy tố Viện kiểm sát đã thu hồi được 7.839.080.000 đồng do các bị can và thân nhân tự nguyện nộp khắc phục hậu quả.
|
|
Ông Ngô Phạm Việt, Phó Viện Trưởng Viện kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh phát biểu. (Ảnh: CM) |
Theo ông Ngô Phạm Việt, trong việc thu giữ, tạm giữ tiền nộp khắc phục hậu quả, Viện kiểm sát nhân dân Thành phố đã có Văn bản số 418/CV-VKS-P3 ngày 08/4/2024 đề nghị Cục Thi hành án dân sự TP Hồ Chí Minh phối hợp tiếp nhận, thu tiền bị can, người thân bị can nộp thay cho bị can để khắc phục hậu quả khi nhận được văn bản đề nghị của Viện kiểm sát; đồng thời đề nghị Cục Thi hành án dân sự triển khai nội dung phối hợp đến các Chi cục Thi hành án dân sự trực thuộc để thực hiện. Đối với Viện kiểm sát hai cấp, Viện kiểm sát nhân dân Thành phố cũng đã ban hành Văn bản số 476/VKS-P3 ngày 16/4/2024 hướng dẫn các đơn vị trực thuộc thực hiện các thủ tục thu hồi tài sản trong giai đoạn truy tố.
Thảo luận tại tọa đàm, Luật sư Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, công tác thu hồi tài sản tham nhũng, khắc phục hậu quả vụ án thời gian qua còn một số hạn chế. Cụ thể, hoạt động giám định tư pháp, định giá trong tố tụng hình sự có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xác định tài sản, số tiền tham nhũng hoặc hậu quả thiệt hại của vụ án. Song, trong nhiều vụ án, công tác giám định tư pháp, định giá tài sản bị kéo dài, phải giám định bổ sung hoặc giám định lại, nên việc xác định đúng số tiền bị chiếm đoạt hoặc gây thiệt hại gặp nhiều khó khăn.
Luật sư Hà Hải, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cũng đề nghị tiếp tục tăng cường, mở rộng hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng, kinh tế, nhất là công tác phong tỏa, thu giữ, chuyển giao, thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt có nguồn gốc Việt Nam ra nước ngoài.
"Trên cơ sở khuyến nghị của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC), Việt Nam có thể tiếp thu và học hỏi kinh nghiệm về cơ chế tịch thu tài sản không dựa trên phán quyết của tòa án, đặc biệt khi người phạm tội đã chết, lẩn trốn hoặc vắng mặt, hoặc các trường hợp khác được quy định của Công ước. Đây là biện pháp đạt được hiệu quả cao trong thực tiễn bởi sự kịp thời về mặt thời gian, thủ tục trước khi đưa vụ việc vào quy trình tố tụng đồng thời có thể nghiên cứu học tập kinh nghiệm của một số nước về thu hồi tài sản", Luật sư Hà Hải nêu ý kiến./.