Các đơn vị tham gia ký kết Quy chế phối hợp. (Ảnh: PV) 

Trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người lao động, để tăng cường công tác hỗ trợ, giám sát thực hiện pháp luật về lao động, việc làm và quan hệ lao động trong các doanh nghiệp, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động Thành phố và Bảo hiểm xã hội Thành phố thống nhất Quy chế phối hợp công tác giai đoạn năm 2023-2025 .

Quy chế nhằm tăng cường trách nhiệm và sự phối hợp giữa các cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động Thành phố, Bảo hiểm xã hội Thành phố trong chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về lao động, việc làm, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Đồng thời, quy định những nguyên tắc, nội dung và phương pháp phối hợp để triển khai thực hiện chính sách lao động, việc làm theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động Thành phố và Bảo hiểm xã hội Thành phố.  Quy chế này áp dụng đối với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn lao động Thành phố và Bảo hiểm xã hội Thành phố.

Trong đó, hướng dẫn và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội, công đoàn, an toàn vệ sinh lao động tại doanh nghiệp liên quan đến người lao động; Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật; Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động, Bộ luật Lao động, Luật bảo hiểm xã hội, Luật Công đoàn, Luật Việc làm, Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở; Phối hợp trong công tác chăm lo đời sống công đoàn viên, công nhân lao động.

Quy chế bảo đảm tính thống nhất và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về lao động, bảo hiểm xã hội, công đoàn, việc làm. Đồng thời, việc phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin giữa các cơ quan phải dựa trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi đơn vị trong từng thời kỳ và phù hợp với quy định của pháp luật. Nội dung thông tin, trao đổi phải rõ ràng cụ thể, kịp thời và thuộc phạm vi quản lý của các cơ quan. Việc sử dụng thông tin phải đúng theo quy định của quy chế này. Mọi thông tin, tài liệu trao đổi và nội dung phối hợp phải tuân thủ theo quy định của Luật bảo vệ bí mật nhà nước và các quy định bảo mật của ngành.

Các đơn vị hướng dẫn và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội, công đoàn, an toàn vệ sinh lao động tại doanh nghiệp liên quan đến người lao động

Phối hợp hướng dẫn thực hiện quy định tại Khoản 2 Điều 63 của Bộ Luật Lao động về thực hiện đối thoại tại nơi làm việc và Chương V Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động; Hướng dẫn của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam về công đoàn tham gia xây dựng thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc theo Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022; Tổ chức kiểm tra việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc.

Phối hợp triển khai, hướng dẫn các Nghị định Chính phủ và Thông tư của Bộ, ngành thực hiện các quy định của Bộ Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm, Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật Công đoàn và những quy định pháp luật khác có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động, người lao động.

Chỉ đạo thực hiện các biện pháp xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ theo tinh thần Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 03 tháng 9 năm 2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong tình hình mới; Quyết định số 4628/QĐ-UBND ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Ủy ban nhân dân Thành phố về ban hành Đề án “Phát triển quan hệ lao động tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2022-2026”; giám sát việc thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu của Chính phủ quy định, phối hợp thanh tra, kiểm tra - giám sát trả lương, trả thưởng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình và các cơ quan, tổ chức thuê mướn lao động.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Bộ Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Việc làm, Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật Công đoàn, Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở và những chính sách pháp luật về lao động đến người lao động, người sử dụng lao động nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.

Đẩy mạnh việc tổ chức “Tư vấn pháp luật lưu động” cho công nhân, lao động tại doanh nghiệp có đông công nhân, lao động; khu lưu trú, nhà trọ kịp thời nắm bắt thông tin từ người lao động, giải đáp những vướng mắc của công nhân, lao động khi thực hiện chế độ chính sách có liên quan.

Phối hợp thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động, Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Công đoàn, Luật Việc làm, Luật An toàn Vệ sinh lao động, Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành, thanh tra đột xuất tại các doanh nghiệp, về việc chấp hành các quy định của Bộ Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Công đoàn, Luật Việc làm, Luật An toàn Vệ sinh lao động, Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Định kỳ hàng tháng, cơ quan BHXH cung cấp cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động Thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố danh sách các đơn vị nợ tiền BHXH từ 03 tháng trở lên, trên cơ sở đó, các cơ quan sàng lọc để lập đoàn thanh tra liên ngành, thanh tra chuyên ngành đột xuất đối với đơn vị có dấu hiệu vi phạm pháp luật, có tình hình nợ kéo dài.

Thông tin kịp thời và phối hợp giải quyết trực tiếp hoặc chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động quận, huyện các vụ cắt giảm lao động do thiếu đơn hàng, các vụ tranh chấp lao động xảy ra trên địa bàn Thành phố.

Phối hợp, giải quyết việc chốt sổ bảo hiểm xã hội, thủ tục giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho công nhân lao động tại những doanh nghiệp có chủ bỏ trốn; doanh nghiệp giải thể, phá sản còn nợ tiền BHXH.

Phối hợp trong công tác chăm lo đời sống công đoàn viên, công nhân lao động

Huy động nguồn lực xã hội chăm lo, hỗ trợ kịp thời các trường hợp công đoàn viên, người lao động ngừng việc, nghỉ việc có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Thành phố.

Để thực hiện tốt quy chế, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động Thành phố và Bảo hiểm xã hội Thành phố chịu trách nhiệm chỉ đạo hệ thống của mỗi bên

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Tổ quốc Việt Nam Thành phố sẽ huy động nguồn lực xã hội rà soát, hỗ trợ kịp thời các trường hợp người lao động ngừng việc - nghỉ việc có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Thành phố. Đồng thời triển khai trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc các cấp kịp thời hỗ trợ, chăm lo cho người lao động ngừng việc - nghỉ việc có hoàn cảnh khó khăn trong dịp Tết phù hợp với điều kiện của địa phương.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố cần hệ thống và lập cơ sở dữ liệu doanh nghiệp thường xuyên vi phạm pháp luật lao động do tổ chức công đoàn, cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp để xây dựng kế hoạch thanh tra. Thành lập Đoàn thanh tra pháp luật lao động tại doanh nghiệp có sự tham gia của Liên đoàn Lao động Thành phố, Bảo hiểm xã hội Thành phố; Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, người sử dụng lao động trên địa bàn Thành phố rà soát, thực hiện đúng các chế độ chính sách đối với người lao động theo quy định của pháp luật lao động, các thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy, quy chế của doanh nghiệp nhất là các nội dung về tiền lương, tiền thưởng và các chế độ phúc lợi khác đối với người lao động; Phối hợp hướng dẫn thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; phối hợp triển khai, hướng dẫn các nghị định của Chính phủ và Thông tư của Bộ, ngành thực hiện quy định của Bộ luật Lao động và những quy định của pháp luật liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; Chỉ đạo thực hiện các biện pháp xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ theo tinh thần Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 03 tháng 9 năm 2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ; Quyết định số 4628/QĐ-UBND ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Ủy ban nhân dân Thành phố về ban hành Đề án “Phát triển quan hệ lao động tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2022-2026”; Chủ trì, phối hợp các cơ quan kiểm tra - giám sát trả lương, trả thưởng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình và các cơ quan, tổ chức thuê mướn lao động; Nắm tình hình các doanh nghiệp cắt giảm lao động, có biện pháp tư vấn, hướng dẫn người lao động thực hiện hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tư vấn hỗ trợ học nghề cho người lao động để giúp họ nhanh chóng quay lại thị trường lao động, ổn định thu nhập, đời sống. Tổ chức phiên giao dịch việc làm, kết nối cung - cầu lao động ngay sau khi doanh nghiệp thông báo cho nhiều người lao động nghỉ việc.

Bên cạnh đó, theo dõi, kiểm tra và đôn đốc việc triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình phối hợp theo đúng kế hoạch và nội dung đã đề ra; Chủ trì các đơn vị tổng hợp kết quả triển khai thực hiện Chương trình vào cuối năm; tham mưu tổ chức Hội nghị sơ kết đánh giá kết quả thực hiện năm trước và triển khai chương trình phối hợp năm sau.

Liên đoàn Lao động Thành phố  chịu trách nhiệm tập trung công tác nắm bắt tình hình lao động, việc làm, quan hệ lao động, dự báo các vấn đề phát sinh để đề ra các giải pháp tổ chức hoạt động công đoàn phù hợp. Tăng cường vai trò công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở hỗ trợ, tư vấn công đoàn cơ sở trong quá trình đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể đảm bảo quyền lợi của người lao động, việc làm, thu nhập, đời sống, bữa ăn giữa ca của người lao động; tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Tư vấn pháp luật, Tổ tư vấn pháp luật thuộc hệ thống công đoàn Thành phố.

Chỉ đạo các cấp công đoàn cơ sở tổ chức các hoạt động kiểm tra độc lập của hệ thống công đoàn, thực hiện cơ chế giám sát, thông tin kịp thời danh sách doanh nghiệp thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ chính sách pháp luật lao động về cơ quan Liên đoàn lao động cấp trên; đồng thời thông tin về tình hình nợ của doanh nghiệp cho Công đoàn cơ sở (trên cơ sở thông tin do BHXH cung cấp hàng tháng doanh nghiệp nợ từ 03 tháng trở lên) để thông tin lại cho người lao động biết và tác động để doanh nghiệp nộp kịp thời, không để nợ quá lâu và quá lớn sẽ không khắc phục được, dễ dẫn đến tranh chấp phức tạp.

Tập hợp báo cáo, kiến nghị của các cấp công đoàn cơ sở, đề nghị Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có kế hoạch thanh tra các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm, xử lý vi phạm pháp luật lao động theo quy định của Nhà nước hiện hành.

Kiến nghị cơ quan chức năng kịp thời giải quyết vướng mắc, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, phòng ngừa tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, đình công tự phát tại doanh nghiệp.

Phối hợp và cử thành viên tham gia đoàn kiểm tra, giảm sát liên ngành cùng với đoàn Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Bảo hiểm xã hội Thành phố kiểm tra pháp luật lao động và bảo hiểm xã hội tại các doanh nghiệp đóng trên địa bàn Thành phố.

Nghiên cứu, tổ chức chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bệnh hiểm nghèo, người lao động bị ảnh hưởng bởi doanh nghiệp cắt giảm lao động.

Phối hợp với Bảo hiểm xã hội Thành phố tổ chức các buổi tập huấn cho cán bộ công đoàn cơ sở về những thay đổi chính sách BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN, ứng dụng BHXH - VssID dành cho người lao động giám sát việc thực hiện các nghĩa vụ về BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN của chủ sử dụng lao động.

Bảo hiểm xã hội Thành phố phối hợp với cơ quan, ban ngành, báo đài tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN giúp cho người lao động hiểu được quyền và lợi ích khi tham gia, đặc biệt các quyền lợi khi hưởng các chế độ BHXH ngắn hạn như: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; quyền lợi lâu dài như hưu trí, tử tuất; những thiệt thòi khi nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần.

Chủ động thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình nợ đọng quỹ BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN của các doanh nghiệp và cung cấp danh sách doanh nghiệp nợ BHXH kéo dài cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để phối hợp đôn đốc các doanh nghiệp đóng đầy đủ cho người lao động. Đồng thời có biện pháp xử lý kịp thời tránh xảy ra ngừng việc tập thể, đình công, chủ doanh nghiệp bỏ trốn; cung cấp danh sách đơn vị nợ BHXH (có số tháng nợ trên 03 tháng) cho Liên đoàn Lao động Thành phố, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố.

Xác nhận sổ BHXH kịp thời khi người lao động nghỉ việc và doanh nghiệp đóng đủ tiền BHXH, BHTN. Phối hợp chặt chẽ hơn trong công tác hòa giải các tranh chấp về lao động, BHXH, BHYT tại các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố. Đẩy mạnh hoạt động phối hợp hỗ trợ pháp lý cho người lao động khi có tranh chấp về BHXH, BHYT cho người lao động. Phối hợp kiểm tra, xác minh khi có khiếu nại của người lao động về các quyền lợi BHXH, BHYT nhằm kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động.

Phối hợp xem xét, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật đối với những đơn vị, doanh nghiệp cố tình vi phạm pháp luật lao động và bảo hiểm xã hội làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động trong các doanh nghiệp. Phối hợp trong công tác thanh tra các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố về việc thực hiện pháp luật lao động./.

CM