Bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TP Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội thảo khoa học “Quảng cáo trên địa bàn TP Hồ Chí Minh - Thực trạng, giải pháp và kinh nghiệm quốc tế”.

Quảng cáo là một ngành kinh tế văn hoá trọng điểm trong chiến lượng phát triển các ngành công nghiệp văn hoá, có tỷ lệ đóng góp lớn trong GRDP của Thành phố. Với các thế mạnh như kinh tế phát triển mạnh mẽ, lịch sử hình thành và phát triển phong phú, dân cư đông đúc, mức độ tiêu dùng sản phẩm đứng đầu cả nước…,

Thành phố đang trở thành địa chỉ vàng cho các doanh nghiệp triển khai chiến dịch truyền thông quảng bá thương hiệu, sản phẩm và dịch vụ của mình. Cũng như đưa hình ảnh văn hoá Thành phố đến với cả nước, khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, ngành quảng cáo hiện nay cũng còn những khó khăn, bất cập nhất định.

Theo số liệu liệu từ Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh, năm 2010 tỷ lệ đóng góp GRDP của ngành là 1,66%, đến năm 2015 là 1,65%, đến năm 2019 tăng lên 1,81% GRDP. Năm 2019, doanh thu của ngành quảng cáo đạt 51.063 tỷ đồng, trong đó doanh thu của loại hình quảng cáo trên các phương tiện truyền thông đại chúng đạt 13.684 tỷ đồng (26.7%), doanh thu của loại hình quảng cáo trên internet đạt 20.496 tỷ đồng (40%) và doanh thu của loại hình quảng cáo ngoài trời đạt 12.975 tỷ đồng (25,4%).

Mỗi năm ngành quảng cáo giải quyết việc làm cho hơn 4.000 lao động, tính đến năm 2020, thành phố có hơn 6.084 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo với hơn 54.000 lao động đóng góp khoảng 1,8% GRDP của Thành phố. Trong dự kiến đề án phát triển ngành quảng cáo,Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, ngành này đóng góp 2,6% GRDP cho Thành phố, khoảng 32.000 tỷ

Theo Báo cáo của Sở Văn hoá - Thể thao (2022), Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo chiếm tỷ lệ cao và không ngừng tăng lên qua các năm. Năm 2019, số doanh nghiệp hoạt động trong ngành quảng cáo trên địa bàn Thành phố là 5.497 doanh nghiệp, trong đó có 5.368 doanh nghiệp ngoài nhà nước (97%) và 129 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (3%). Ngoài ra, có 02 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo có chi nhánh tại Thành phố…

Đến năm 2020, Thành phố có hơn 6.084 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo. Về tình hình hoạt động văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài tại Thành phố: hiện nay có 03 văn phòng đại diện còn hoạt động. Các doanh nghiệp quảng cáo, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài tại Thành phố đều được Thành phố tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động kinh doanh trên địa bàn. Bên cạnh đó, thông qua Hội Quảng cáo Thành phố, các doanh nghiệp được trao đổi, phản ánh thông tin để đảm bảo quyền lợi trong hoạt độngkinh doanh theo đúng quy định của pháp luật và của Thành phố

Tiến sĩ Nguyễn Minh Nhựt, Phó Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội, Hội đồng Nhân dân TP Hồ Chí Minh cho rằng, biển hiệu, bảng quảng cáo ngoài trời đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá thương hiệu nên việc xây dựng các chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp ở mỗi khu vực và địa bàn khác nhau. Do vậy, để đảm bảo tính công bằng, minh bạch và lập lại nề nếp, kỷ cương trong hoạt động quảng cáo ngoài trời thì chính quyền địa phương cần có kế hoạch hậu kiểm, rà soát, kiểm tra tất cả các biển hiệu, bảng quảng cáo trên địa bàn để có hướng chấn chỉnh phù hợp. Bên cạnh đó, đại đa số các cơ sở biển hiệu, bảng quảng cáo ngoài trời đã có sự chấn chỉnh các vi phạm sau khi chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý; mức độ chấn chỉnh và khắc phục các sai phạm đang có chiều hướng cải thiện tích cực tại các địa phương. Ngoài ra, Thành phố có 05 nhóm biển hiệu, bảng quảng cáo vi phạm trong hoạt động quảng cáo: nhóm vi phạm về nội dung quảng cáo chiếm tỷ lệ cao nhất, và nhóm không đảm bảo an toàn cháy nổ, thoát hiểm, kết cấu chiếm tỷ lệ thấp nhất nhưng lại là nhóm có nguy cơ tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy nhiểm nhất; đại đa số các địa phương có biển hiệu, bảng quảng cáo đều vi phạm. Trong đó, 5 địa phương có số lượng biển hiệu, bảng quảng cáo vi phạm nhiều hơn các đơn vị khác ở mỗi nhóm phân loại và số tần suất vi phạm ở 5 nhóm phân loại cũng được sếp vào dạng cần quan tâm đặc biệt như: quận Gò Vấp, quận 7, quận 12, quận 10 và quận 5.

Cùng quan điểm trên, Nghiên cứu sinh Trần Thanh Vương thuộc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh cho rằng, thực tế cho thấy việc quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời hiện nay vô cùng khó khăn do đến nay Thành phố vẫn chưa ban hành quy hoạch quảng cáo ngoài trời, việc xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm cũng gặp nhiều bất cập do chưa có chế tài đủ mạnh cũng như thiếu nguồn lực thực hiện. Do đó, những vấn đề đặt ra cho Thành phố hiện nay chính là thay đổi cơ chế chính sách trong quản lý hoạt động quảng cáo, đặc biệt tăng cường trao quyền tự quản dành cho các cơ quan liên ngành quảng cáo, hiệp hội và các doanh nghiệp quảng cáo như những mô hình của các nước phát triển trên thế giới theo tình hình thực tiễn của Thành phố hiện nay. Đồng thời, tăng cường thúc đầu tư sáng tạo trong quảng cáo ngoài trời, đặc biệt là sáng tạo nội dung và thiết kế cũng như ứng dụng kỹ thuật số hóa trong quảng cáo, khai thác tốt nguồn thu từ quảng cáo. Trong đó, việc chú trọng đến phân cấp trong quản lý nhà nước, xây dựng khu vực trọng điểm về quảng cáo, có tiêu chí, tiêu chuẩn và áp dụng pháp luật nghiêm minh, loại bỏ dần những thủ tục không cần thiết cũng cần được xem xét, nghiên cứu thêm để tiếp tục hoàn thiện quy hoạch quảng cáo ngoài trời, đưa ngành công nghiệp quảng cáo phát triển xứng tầm với những tiềm năng nội tại.

 TS. Nguyễn Thị Việt Hà- giảng viên trường Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh phân tích, Cụ thể qua khảo sát 48 doanh nghiệp quảng cáo cho thấy: 100% doanh nghiệp có nhu cầu quảng cáo ngoài trời thì tỷ lệ không đáp ứng (78,8%) chiếm hơn 2/3 số doanh nghiệp được khảo sát. Chỉ có 21,2% đáp ứng nhu cầu quảng cáo ngoài trời, chiếm hơn 1/5 tổng số doanh nghiệp được khảo sát.

Theo TS. Nguyễn Thị Việt Hà, quảng cáo ngoài trời chiếm vị trí đáng kể trong đời sống đô thị và diện mạo kiến trúc của đô thị, đặc biệt là các thành phố lớn. Do đó, cần tập trung xây dựng và phê duyệt quy hoạch quảng cáo ngoài trời tại TP Hồ Chí Minh theo các quy định của pháp luật và theo định hướng phát triển, diện mạo đô thị của Thành phố, để quảng cáo ngoài trời không chỉ là một phần của ngành công nghiệp văn hoá mà còn là biểu tượng văn hoá đặc trưng của Thành phố (Quảng trường Thời đại ở Mỹ, giao lộ Piccadilly Circus của Anh hay giao lộ Shibuya tại Nhật…).

“Hiện tại, TP Hồ Chí Minh có rất nhiều con đường kinh doanh sầm uất, nhiều giao lộ, vòng xoay, quảng trường, bờ sông, bến cảng… Thành phố cần quy hoạch và định hướng để có thể tạo điểm nhấn trong văn hoá quảng cáo không chỉ tạo điều kiện cho doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm mà qua đó thu hút và phát triển ngành du lịch của Thành phố. Đồng thời,Xây dựng chiến lược, chính sách phát triển ngành quảng cáo trên địa bàn Thành phố tầm nhìn trung và dài hạn (5 năm, 10 năm, 20 năm…) trong đó tập trung nghiên cứu, xây dựng các chính sách đặc thù phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội, đời sống văn hoá của Thành phố để khai thác tối đa tiềm năng, thúc đẩy và phát triển ngành quảng cáo, nhất là quảng cáo ngoài trời; nghiên cứu, xây dựng các chính sách thu hút đầu tư trong và ngoài nước đối với ngành quảng cáo, tạo công ăn việc làm, đóng góp nhiều hơn vào GRDP TP”- TS. Nguyễn Thị Việt Hà nói.

Bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TP Hồ Chí Minh đề nghị, cần sớm hoàn thiện quy hoạch và xây dựng định hướng, chiến lược phát triển phù hợp; Kịp thời ban hành quy chế phối hợp, quản lý giữa các Sở, ngành và địa phương; nhất là làm rõ trách nhiệm giữa các sở, ngành, địa phương trong cấp phép và xử lý sai phạm trong quản lý hoạt động quảng cáo; Định hướng và hình thành không gian quảng cáo hiện đại, sáng tạo, khai thác hiệu quả các khu vực trung tâm. Phát triển quảng cáo ngoài trời đi đôi với xây dựng diện mạo, biểu tượng văn hoá đặc trưng của Thành phố; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, quan tâm ứng dụng công nghệ trong thiết kế quảng cáo ngoài trời trong kỷ nguyên số hiện nay; Tăng cường công tác tuyên truyền, phát huy vai trò giám sát của người dân; tăng cường công tác kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động quảng cáo ngoài trời; Tăng cường hợp tác công tư, khai thác hiệu quả nguồn lực tạo nguồn thu cho ngân sách Thành phố.

Đặc biệt cần xây dựng thương hiệu từ việc giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc; Phát huy thế mạnh của quảng cáo qua Truyền thanh, truyền hình để người dân được tiếp cận thông tin quảng cáo chính thống, có kiểm soát; Hoàn thiện chính sách và xử lý nghiêm các hành vi quảng cáo nhằm cạnh trang không lành mạnh, nhất là quảng cáo qua các trang mạng xã hội; Đổi mới và phát huy tính đa dạng, phong phú trong các hình thức quảng cáo, đặc biệt là truyền thông chính trị.

Song song đó, cần xây dựng mối quan hệ và phát huy sự tác động qua lại tích cực giữa quảng cáo và du lịch nhằm tạo nguồn thu không chỉ cho ngành quảng cáo mà còn tạo nguồn thu cho cả ngành du lịch của Thành phố; Ứng dụng công nghệ và xây dựng nhiều ngành học mới nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của ngành quảng cáo không chỉ đối với TP, mà còn cung cấp nguồn nhân lực cho nhu cầu khu vực và quốc tế. Đồng thời, nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp trong việc quảng cáo và tiếp cận quảng cáo đúng đắn, lành mạnh, có chọn lọc trên các trang mạng xã hội./.

PV