Hiện nay, cơ cấu kinh tế Thành phố tiếp tục dịch chuyển từ nông nghiệp, công nghiệp sang dịch vụ và quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng. Do đó, định hướng phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao là đòi hỏi thiết yếu. Qua  phân tích tiềm năng và lợi thế so sánh của địa phương, thành phố có thế mạnh và vị trí quan trọng ở các công đoạn sau thu hoạch của chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp. Sự tham gia của thành phố trong các công đoạn này thúc đẩy phát triển nền kinh tế và đóng góp quan trọng trong liên kết vùng, kết nối người nông dân của toàn vùng với thị trường trong và ngoài nước; từng bước giúp thành phố thực hiện sứ mệnh của mình.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa: PV

Thành phố có 4 thế mạnh về nông nghiệp

Trong giai đoạn 2011 - 2023, tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm từ mức 0,72% năm 2011 xuống còn 0,57% vào năm 2022, và đến 6 tháng đầu năm 2023 chỉ chiếm 0,51% trong GRDP của TP. Mặc dù tỷ trọng này có giảm và thấp nhưng con số đó về mặt giá trị tuyệt đối là không hề nhỏ, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế của thành phố ngày càng tăng trưởng lớn mạnh. Do vậy, ngành nông nghiệp vẫn luôn đóng vai trò hết sức quan trọng trong đời sống kinh tế xã hội của TP, đặc biệt trong vấn đề an ninh lương thực, đảm bảo mảng xanh cũng như đa dạng sinh học cho TP.

Cùng với sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế, đất nông nghiệp và nguồn lực con người cho phát triển nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, điều kiện sản xuất ngày càng khó khăn… Điều này đòi hỏi TP phải có định hướng và chính sách phát triển nông nghiệp làm sao để tối đa hóa hiệu quả sử dụng những nguồn lực hạn hẹp đó cũng như khai tác tối đa tiềm lực và lợi thế so sánh của địa phương.

Nông nghiệp là một ngành quan trọng và không thể tách rời ra khỏi kinh tế xã hội thành phố. Vì vậy, xét một cách tổng quát, phát triển nông nghiệp phải được tích hợp trong định hướng chiến lược phát triển chung của TP như là chiến lược phát triển TP thành trung tâm kinh tế, tài chính, logistics, kết nối với ngành công nghiệp và dịch vụ, trong bối cảnh liên kết vùng.

Về tiềm năng và lợi thế so sánh trong lĩnh vực nông nghiệp, thành phố có 4 thế mạnh như: Gần nguồn nguyên liệu dồi dào phong phú do có vị trí địa lý tiếp giáp với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, là vùng sản xuất nông nghiệp hàng đầu của Việt Nam, đóng góp hơn 30% GRDP nông nghiệp của cả nước; là trung tâm kinh tế, tài chính, logistics khoa học công nghệ... của vùng trọng điểm phía Nam và cả nước. TP vừa là một thị trường tiêu thị nông sản lớn vừa là trung tâm kết nối của toàn vùng với thị trường quốc tế; có nền tảng sản xuất chế biến, chế tạo tương đối mạnh; có trình độ khoa học công nghệ tương đối cao.

Với tiềm năng và lợi thế trên cộng với 1500 doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành công nghiệp thực phẩm, TP có nhiều cơ hội để thúc đẩy ngành chế biến nông sản phát triển. Việc thúc đẩy phát triển ngành chế biến nông sản theo chiều sâu không chỉ tăng thêm giá trị cho nông sản của Việt Nam mà còn tạo ra nhiều lợi ích cho nền kinh tế TP. Đồng thời đưa vùng Đồng bằng sông Cửu Long trở thành thị thường tiêu thụ nông sản ổn định, thúc đẩy phát triển nông nghiệp của cả vùng và cả nước.

Mặc dù có nhiều thuận lợi nhưng ngành chế biến vẫn chưa khai thác hết tiềm năng do những tồn tại hạn chế. Cụ thể là sự thiếu liên kết giữa các thành phần trong chuỗi giá trị, chậm ứng dụng khoa học công nghệ vào quy trình sản xuất dẫn đến không đáp ứng được yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng và nguồn gốc xuất xứ... Vì vậy, TP cần phải đánh giá lại hiệu quả của các chính sách chiến lược hiện hành và kiến tạo các chiến lược mới mang tính đột phá.

Theo Tiến sĩ Đậu Thị Mai Liên, Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, để có thể cạnh tranh và tạo vị thế trên thị trường thì đòi hỏi sản phẩm nông nghiệp của TP Hồ Chí Minh phải có chất lượng cao, giá cả cạnh tranh, đa dạng chủng loại, đáp ứng được nhu cầu thay đổi liên tục của người tiêu dùng. Do vậy, chính quyền TP cần hỗ trợ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp hiện thực hóa nông nghiệp công nghệ cao. Cụ thể là thúc đẩy thực hiện chiến lược đi tắt đón đầu công nghệ tiên tiến của thế giới trong sản xuất để đảm tăng hiệu suất sản xuất, giảm chi phí và giá thành, nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm, đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng theo tiêu chuẩn quốc tế.

Phát triển trung tâm logistics nông nghiệp

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa: PV

Với vai trò là trung tâm kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đồng thời cũng là thị trường tiêu thụ nông sản lớn, và là trung tâm kết nối giữa các vùng miền và với thị trường quốc tế. Cộng với lợi thế địa lý gần một vùng sản xuất nông nghiệp rộng lớn, TP có thể tiếp cận với nguồn cũng sản phẩm đầu vào với chi phí vận chuyển thấp. Mặt khác, TP đáp ứng đủ mọi điều kiện hình thành một trung tâm tiêu thụ nông sản cho cả vùng và cả nước. Điều này không chỉ có ý nghĩa với sự phát triển Kinh tế của TP nói riêng, mà còn có ý nghĩa trong việc thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp của toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Nam bộ nói chung.

Trên thực tế, một trong những khó khăn lớn cho người nông dân là sản phẩm của họ không được quảng bá và không có thị trường tiêu thụ ổn định do thiếu kênh kết nối giữa người nông dân và người tiêu dùng trong và ngoài nước. Do vậy việc hình thành một trung tâm logistics nông sản tiêu biểu như mô hình chợ đầu mối có quy mô và tiêu chuẩn tầm cỡ quốc tế là rất quan trọng để giúp người nông dân kết nối với thị trường tiêu thụ một cách bài bản và ổn định.

TS. Trương Minh Huy Vũ, Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh cho rằng: TP cần có chiến lược toàn diện và cụ thể để thúc đẩy phát triển công đoạn “tiêu thụ” sau khâu “chế biến”. Chính sách chiến lược và chương trình hành động phải phát huy được tiềm năng lợi thế sẵn có đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ ứng dụng khoa học công nghệ nông nghiệp cao vào toàn bộ chuỗi giá trị. Chính vì lẽ đó, TP nên từng bước chuyển đổi nâng cấp chợ đầu mối Bình Điền thành trung tâm logistics đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế về vệ sinh an toàn thực phẩm, đủ năng lực để thực hiện chức năng là sàn giao dịch nông sản với khối lượng giao dịch lớn từ trong và ngoài nước... 

“Để xây dựng thương hiệu và đáp ứng được lòng tin của người tiêu dùng trong và ngoài nước về an toàn thực phẩm, thì chợ phải có chức năng là trung tâm kiểm định, kiểm tra vệ sinh thực phẩm và có truy xuất nguồn gốc sản phẩm, để từ đó có thể đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, cũng như tạo ra một chuẩn mực cho người sản xuất nông nghiệp tuân theo.” - TS. Trương Minh Huy Vũ phân tích./.

PV