|
|
PGS.TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, phát biểu tại tọa đàm. |
Ngày 26/8/2023, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm “Đào tạo nhân lực thiết kế vi mạch theo nhu cầu doanh nghiệp”.
Tham dự tọa đàm có: Giáo sư - Tiến sĩ Đặng Lương Mô, nhà khoa học đi tiên phong trong việc phát triển ngành công nghệ vi mạch tại Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM; PGS.TS Nguyễn Minh Sơn, Trưởng khoa Máy tính Đại học Công nghệ Thông tin TPHCM; ông Trịnh Thanh Lâm - Giám đốc bán hàng, Synopsys Nam Á; ông Nguyễn Đức Huy, Giám đốc Trung tâm đào tạo Khu Công nghệ cao TPHCM; ông Huỳnh Tấn Bửu, Tổng Giám đốc Sun Electronics; ông Lê Thanh Tuấn, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Giáo dục quốc tế Sun Edu; ông Nguyễn Phúc Vinh, Giám đốc kỹ thuật Synopsys Việt Nam; cùng đại diện các doanh nghiệp trong các lĩnh vực thuộc ngành công nghiệp điện tử và vi mạch bán dẫn, đặc biệt là các công ty vi mạch tại TPHCM và nhiều địa phương lân cận cùng tham gia.
Thị trường vi mạch bán dẫn phát triển không ngừng
Tại tọa đàm, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, trong 20 năm qua, thị trường vi mạch bán dẫn phát triển không ngừng và còn tiếp tục phát triển. Cùng với sự phát triển đó là nhu cầu về nhân lực trong lĩnh vực thiết kế vi mạch cũng ngày một tăng cao. Hiện nay nhiều quốc gia lớn về vi mạch bán dẫn đang có sự thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng, đây là một cơ hội lớn cho Việt Nam.
PGS.TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến tầm quan trọng của lĩnh vực thiết kế vi mạch đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay. “Không thể công nghiệp hoá nếu không có ngành thiết kế vi mạch, vì đó là sương sống của ngành công nghiệp thời 4.0 và về sau nữa” - PGS.TS Nguyễn Anh Thi khẳng định và cho biết Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh đặt rất nhiều tâm huyết cho nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này. Mục tiêu đến 2023, Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh sẽ góp phần giúp Việt Nam đào tạo được 50.000 kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn. Để có được đội ngũ này, phải huy động các trường đại học lớn, có uy tín vào cuộc. Đến thời điểm này, hầu hết các trường đều cam kết tham gia vào lĩnh vực này. PGS.TS Nguyễn Anh Thi hy vọng Trung tâm đào tạo Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh sẽ là nơi hội tụ các nguồn lực để phục vụ cho nhiệm vụ này.
|
|
Giáo sư - Tiến Sĩ Đặng Lương Mô (phải) trao đổi tại tọa đàm. |
Tại tọa đàm các đại biểu, đặc biệt là các đại biểu là đại diện các công ty thiết kế vi mạch hàng đầu hiện nay như Renesas Design Vietnam - RVC, Công ty TNHH Ampere Computing Việt Nam, Công ty Cổ phần Công nghệ VNChip… đã đưa ra những ý kiến về phương pháp để xây dựng bộ tiêu chuẩn kiến thức và kỹ năng của kỹ sư thiết kế vi mạch theo từng bậc lĩnh vực chuyên ngành; phương pháp xây dựng giáo trình đào tạo đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp về chất lượng kỹ sư sau đào tạo; nhu cầu về kỹ sư của doanh nghiệp; khả năng tham gia của các chuyên gia, kỹ sư đang làm việc tại doanh nghiệp.
Ông Trịnh Thanh Lâm - Giám đốc bán hàng của Synopsys Nam Á chia sẻ: Chúng tôi mong muốn sẽ đào tạo đội ngũ kỹ sư hoàn toàn trên Icloud, đồng thời các ý tưởng về công nghệ của các kỹ sư cũng sẽ được đưa lên dữ liệu chung đó.
GS,TS Đặng Lương Mô cho rằng, chương trình đào tạo của Trung tâm đào tạo Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, cụ thể là của Công ty Cổ phần Giáo dục quốc tế Sun Edu đưa ra chi tiết, bao quát, đầy đủ. Tuy nhiên, ngoài kỹ năng thiết kế, cũng cần biết thêm về quy trình chế tạo. Người thiết kế nếu không biết chế tạo thì sẽ là thiếu sót. Do đó nên đào tạo cho các kỹ sư thiết kế biết sơ qua quy trình chế tạo. “Đây là cơ hội lần thứ 3 để Việt Nam có thể phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn và công nghiệp chế tạo. Ngoài vấn đề đào tạo kỹ sư thì chúng ta phải có năng lực để có những tín hiệu mới về vi mạch. Hiện nhiều trường Đại học ở Việt Nam được đánh giá cao trên thế giới, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cung cấp cho nhiều nước, đó là tín hiệu khẳng định Việt Nam hoàn toàn làm tốt việc tạo nguồn chất lượng cao cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn”.
PGS,TS Nguyễn Minh Sơn, Trưởng khoa máy tính - ĐH Công nghệ Thông tin TP Hồ Chí Minh cho rằng ngành công nghiệp vi mạch là ngành chủ lực của một quốc gia. Theo ông Sơn, nguồn nhân lực cần phải được gắn liền với hệ thống các trường đào tạo, với doanh nghiệp. Việt Nam đã bắt đầu tham gia để hiện thực hóa mong muốn tham gia chuỗi vi mạch bán dẫn toàn cầu, đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ hơn giữa hệ thống đào tạo với doanh nghiệp, trong đó nền tảng đào tạo ra những sinh viên, những kỹ sư ưu tú rất quan trọng.
“Nếu nguồn nhân lực đào tạo ra mà các quốc gia khác sử dụng, còn Việt Nam không sử dụng được thì một điều vô cùng đáng tiếc. Các doanh nghiệp nước ngoài họ rất muốn tuyển kỹ sư sau tốt nghiệp đại học để làm việc cho họ. Chúng ta cần có giải pháp để tuyển dụng, sử dụng nguồn nhân lực này phục vụ cho sự phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn của Việt Nam”- Ông Sơn bày tỏ.
|
|
Đại diện các doanh nghiệp hàng đầu về vi mạch bán dẫn tại TP Hồ Chí Minh chia sẻ quan điểm tại tọa đàm. |
SCDC đóng vai trò là trung tâm kết nối để phát triển vi mạch Việt Nam
Theo ông Lê Thanh Tuấn - Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Giáo dục quốc tế Sun Edu, trong cơ cấu nhân lực hiện nay tạo các công ty, lực lượng kỹ sư chuyên gia thiết kế vi mạch được phân chia thành các cấp bậc khác nhau từ kỹ sư mới ra trường (Fresher Engineer) đến kỹ sư cao cấp (Senior) và nhân viên (Staff) và các cấp cao hơn. Trong số các cấp đó, nhân lực có bậc Senior trở lên là lực lượng kỹ sư có trình độ cao, kỹ năng cao và có nhiều kinh nghiệm trong công viêc thực tế. Những người này có thể làm lãnh đạo công ty, quản lý các đội nhóm và làm các công việc đòi hỏi có trình độ cao và nhiều kinh nghiệm. Nguồn nhân lực có thể tuyển dụng những kỹ sư từ Senior trở lên là từ các công ty hiện hữu ở Việt Nam và tuyển kỹ sư Việt Nam đang làm ở nước ngoài trở về.
Tuy nhiên, thực tế là rất khó để tuyển dụng lực lượng này do số lượng sẵn có còn ít hơn nhu cầu. Ngoài ra nhiều người kỹ sư có trình độ cao và nhiều kinh nghiệm chọn đi ra nước ngoài làm việc vì các vấn đề đãi ngộ, thuế thu nhập cá nhân, và môi trường học tập cho con cái. Điều này làm cho lực lượng kỹ sư chất lượng này càng thiếu hụt ở Việt Nam.
Ông Tuấn cho rằng, hiện tại chúng ta có trường đại học, có viện nghiên cứu, có các cơ quan chính phủ rất quan tâm để phát triển vi mạch, chúng ta có nhiều doanh nghiệp, nhiều kỹ sư có kỹ năng tốt, kinh nghiệm nhiều. Nhưng chúng ta thiếu sự kết nối giữa những thực thể này. Vì vậy cần có 1 tổ chức trung gian để kết nối các thành phần vừa kể trên lại với nhau, để phối hợp với nhau một cách đồng bộ, thì sẽ giúp ích được trong việc phát triển ngành vi mạch trong thời gian tới. Và Trung tâm thiết kế vi mạch SCDC với nhiệm vụ là trung tâm kết nối để phát triển vi mạch Việt Nam trong thời gian tới.
Định hướng SCDC sẽ phối hợp với khoảng 20 trường đại học với các doanh nghiệp vi mạch để thực hiện đào tạo và phối hợp đào tạo lực lượng kỹ sư có chuyên môn, kỹ năng cao đáp ứng nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp. Với 9 môn học, 3 cấp độ đào tạo: cở bản, nâng cao và cao cấp. SCDC kỳ vọng sẽ giúp kỹ sư sau đào tạo có thể bắt kịp yêu cầu của công việc tại từng bậc cụ thể, giảm chi phí và nguồn lực mà các doanh nghiệp phải đầu tư đào tạo cho kỹ sư. Giúp doanh nghiệp hoạt động tốt hơn và mở rộng quy mô hoạt động, góp phần phát triển quy mô cả ngành công nghiệp vi mạch ở Việt Nam./.