Ảnh minh họa: CM

TP Hồ Chí Minh có tổng diện tích tự nhiên 2.095,5 km2. Trong đó khu vực 5 huyện ngoại thành: Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ với diện tích 1.601,7 km2 (chiếm 76,4% tổng diện tích tự nhiên thành phố) bao gồm 58 xã và 5 thị trấn.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới bắt nguồn từ Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương khóa X về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn” đề ra mục tiêu “Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Ðảng được tăng cường”.

Trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, văn hóa giữ vai trò rất quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Đảng bộ, Chính quyền thành phố đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trong đó có tiêu chí 6 (cơ sở vật chất văn hóa) và tiêu chí 16 (văn hóa) đã góp phần quan trọng trong việc nâng chất đời sống văn hóa ở cơ sở, thúc đẩy phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Qua đó, phát huy sức mạnh, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, chỉ đạo các cơ quan đơn vị chức năng, ban ngành, đoàn thể phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động văn hóa góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân và phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, lan tỏa, thu hút sự tham gia đông đảo của mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn thành phố.

Đặc biệt, trong thời gian qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn đã không ngừng nâng cao chất lượng hiệu quả của phong trào và lan tỏa đến nhiều lĩnh vực, nhiều địa bàn; thông qua Phong trào đã khơi dậy được tiềm năng và sức mạnh của mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng dân cư, huy động nguồn lực xã hội tham gia các hoạt động sáng tạo và xây dựng đời sống văn hóa..., tạo thành sức mạnh và hợp lực của các phong trào hành động cách mạng, nâng cao chất lượng cuộc sống, mức hưởng thụ văn hoá của nhân dân, giải quyết các vấn đề dân sinh, dân chủ, dân trí, góp phần thúc đẩy xã hội phát triển đưa Thành phố Hồ Chí Minh trở thành Thành phố có chất lượng cuộc sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Sở Văn hóa và Thể thao, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” Thành phố thường xuyên phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố, các thành viên Ban Chỉ đạo thành phố triển khai đến các Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” quận, huyện và thành phố Thủ Đức, đồng thời có kế hoạch phối hợp các ban ngành, đoàn thể các cấp kịp thời tổ chức thực hiện các nội dung chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương, của Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố về tổ chức hoạt động phong trào và lồng ghép nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và chủ đề các năm vào hoạt động trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở cơ sở.

Ban Chỉ đạo huyện, quận và TP Thủ Đức đều ban hành quy trình đăng ký, bình chọn, kiểm tra, xét công nhận và biểu dương các danh hiệu văn hóa trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở cơ sở để hướng dẫn thống nhất cho các gia đình, ấp - khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các phường, xã, thị trấn để tổ chức thực hiện phong trào hằng năm, gắn với điều kiện đặc thù của từng địa bàn, tập trung xây dựng ý thức văn minh - mỹ quan đô thị, xây dựng tuyến đường, tuyến hẻm văn minh, xây dựng khu phố không rác, xây dựng tuyến đường điểm, tuyến kênh xanh - sạch - đẹp; thực hiện có hiệu quả công tác quản lý người lao động nhập cư thông qua mô hình xây dựng khu nhà trọ văn minh, khu nhà trọ tự quản, câu lạc bộ nữ chủ nhà trọ, xây dựng điểm sáng văn hóa ở các khu dân cư có đông lao động nhập cư nhằm tăng cường quản lý an ninh trật tự trên địa bàn và giữ vững các danh hiệu văn hóa; xây dựng ấp văn hóa, xã văn hóa được gắn kết với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa, xây dựng thiết chế văn hóa - thể thao để phục vụ nhu cầu của người dân.

Đoàn kết phát huy dân chủ thông qua hội nghị nhân dân, các cuộc họp tổ dân phố - tổ dân dân, khu phố - ấp để thông qua quy ước của cộng đồng với các giao ước cam kết thực hiện xây dựng gia đình văn hóa, khu phố văn hóa, ấp văn hóa, phường văn minh đô thị, xã văn hóa nông thôn mới. Ngoài ra, bằng các hình thức sân khấu hóa đã chuyển tải thông điệp tuyên truyền vận động về thực hiện nếp sống văn minh - mỹ quan đô thị như văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, về phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”, về phòng chống tệ nạn xã hội; thực hiện các cuộc vận động “Vì người nghèo”, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…

Có thể nói, thông qua các mô hình giải pháp thực hiện từ phong trào đã tác động tích cực đến Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” tại địa bàn khu dân cư, từng gia đình và ngày càng đi vào chiều sâu và mang tính thiết thực, tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn, nhiệm vụ trọng tâm, những vấn đề Nhân dân quan tâm, phù hợp với điều kiện thực tế và thế mạnh riêng có của mỗi địa phương. Thông qua các nội dung của Cuộc vận động đã góp phần quan trọng vào thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, phát huy tính tự quản của cộng đồng, xây dựng lối sống văn hóa, nếp sống văn minh đô thị, đồng thời nâng cao chất lượng xây dựng các danh hiệu văn hóa trên địa bàn Thành phố./..


CM