TP Hồ Chí Minh đã tranh thủ mọi nguồn lực tập trung đầu tư, từng bước hiện đại hoá, cải thiện cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc phát triển du lịch, trong đó xác định ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là nội dung quan trọng, là động lực cho sự phát triển bền vững của du lịch Thành phố.
Trong quá trình xây dựng Đề án Du lịch thông minh TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 – 2030, TP đã thực hiện nghiên cứu thực trạng chuyển đổi số du lịch với 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long cũng như một số tỉnh, thành khác trên cả nước như Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Phú Quốc. Kết quả cho thấy cùng với xu hướng phát triển của du lịch thông minh, du lịch các tỉnh, thành đang xây dựng du lịch thông minh ở những cấp độ khác nhau. Tuy có những xúc tiến ban đầu song việc triển khai du lịch thông minh ở các tỉnh, thành tiêu biểu du lịch trên cả nước vẫn còn mang tính cục bộ và còn dừng lại ở sự đầu tư rời rạc một số ứng dụng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp du lịch Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn ít, kinh doanh nhỏ lẻ nên khả năng tài chính chi trả cho đầu tư ứng dụng công nghệ không cao, khả năng tiếp cận du lịch thông minh của các doanh nghiệp này còn thấp. Chưa có kết nối dữ liệu trực tuyến dùng chung do đó vẫn chưa đạt được mục tiêu quan trọng của du lịch thông minh là tạo được sự kết nối đồng bộ giữa các yếu tố trong hệ sinh thái du lịch, mang lại tiện ích cho du khách.
Sau khi Đề án Du lịch thông minh giai đoạn 2020-2030 đã được Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh phê duyệt, Sở Du lịch đã bắt tay xây dựng và triển khai các dự án, kế hoạch để đưa Đề án vào hiện thực.
Trong công tác quản lý nhà nước, Sở Du lịch đẩy mạnh cải cách hành chính với những giải pháp thiết thực, tăng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Sở Du lịch hoàn thiện các thủ tục hành chính trên hệ thống dịch vụ công quốc gia, đồng thời phối hợp cung cấp chữ ký số cho người dân, hướng tới chính quyền số với dịch vụ công trực tuyến. Triển khai hệ thống Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử gắn với đánh giá hài lòng việc giải quyết thủ tục hành chính.
Tiếp tục triển khai hướng dẫn phần mềm báo cáo trực tuyến cho các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn Thành phố nhằm giảm bớt chi phí, thời gian của tổ chức, doanh nghiệp trong thực hiện các quy định về thống kê báo cáo. Triển khai thực hiện phòng họp không giấy thông qua các hình thức như gửi tài liệu họp qua email, ứng dụng trên google drive, mã QR code, ...; nâng cấp và đưa vào vận hành Phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc của Sở Du lịch; ứng dụng QR code thanh toán điện tử không dùng tiền mặt tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ.
Sở Du lịch triển khai “Hệ thống lắng nghe mạng xã hội” nhằm tổng hợp các thông tin, phản ánh, ý kiến của người dùng trên các kênh mạng xã hội để kịp thời nắm bắt dư luận, chấn chỉnh các cơ sở hoạt động, các hành vi làm ảnh hưởng đến môi trường cạnh tranh lành mạnh du lịch, ảnh hưởng đến khách du lịch, đồng thời nắm bắt xu hướng, hành vi của du khách để đưa ra các chính sách, giải pháp phù hợp cho phát triển du lịch Thành phố.
Sở Du lịch đã làm mới và tăng cường các tính năng cho App du lịch TP Hồ Chí Minh với việc cung cấp thông tin các điểm đến, cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng, điểm tham quan, mua sắm, các sự kiện du lịch, chương trình du lịch... kết hợp với cá nhân hóa hành trình du lịch dành cho khách du lịch, tích hợp bản đồ du lịch giúp cho du khách dễ dàng tiếp cận, tìm kiếm thông tin du lịch Thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, Sở Du lịch chú trọng nâng cấp Cổng thông tin điện tử của Sở và Trang thông tin điện tử giới thiệu du lịch Thành phố với giao diện hiện đại, thân thiện cho du khách.
Sở Du lịch cũng đã chủ động, sáng tạo trong việc tận dụng hiệu quả các nền tảng mạng xã hội như facebook, tiktok, instagram, youtube... để tăng cường thông tin, quảng bá du lịch. Thông qua việc thực hiện các hình ảnh, video, bài viết đa dạng, hấp dẫn đăng tải trên các nền tảng trên đã góp phần tạo kênh truyền thông đa chiều, đưa thông tin du lịch đến lượng lớn người tiêu dùng du lịch trong và ngoài nước, tạo sự tương tác mạnh mẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp du lịch và du khách để kịp thời thông tin, ghi nhận
Song song với ấn phẩm giấy, Sở Du lịch đã thực hiện các ấn phẩm du lịch bằng hình thức ấn phẩm điện tử thông qua Cổng thông tin điện tử của Sở, qua các mã QR để thuận tiện, dễ dàng trong công tác quảng bá hình ảnh điểm đến du lịch Thành phố và tạo thuận lợi cho khách du lịch khi tìm kiếm, tiếp cận thông tin du lịch.
Một trong những thành công nổi bật trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động quảng bá du lịch có thể kể đến là việc thực hiện “Ứng dụng công nghệ 3D trong thông tin, quảng bá du lịch”. Trong đó, việc “ứng dụng công nghệ cao quét 3D tái hiện không gian một phần Thành phố Hồ Chí Minh từ trên cao” và “Bản đồ tương tác thông minh 3D/360 Thành phố Hồ Chí Minh” đã đem lại hiệu quả cao cho công tác chuyển đổi số của ngành du lịch.
Ứng dụng công nghệ cao quét 3D tái hiện không gian một phần Thành phố, di chuyển trên cao kết hợp tích hợp thêm thông tin, hình ảnh 3D, 2D của các Khu du lịch, di tích lịch sử, điểm du lịch. Thông qua công nghệ thực tế ảo Virtual Reality (VR), Ứng dụng cho phép du khách trải nghiệm cảm giác bay trong không gian ảo trên bầu trời Thành phố Hồ Chí Minh và tham quan Thành phố tầm nhìn trên cao; trên quãng đường di chuyển du khách có thể thực hiện các tương tác đơn giản để chọn một điểm du lịch, di tích lịch sử bất kỳ trên tuyến theo hình thức 360 Virtual Tour, dừng chân tại các điểm du lịch trong không gian ảo có kích thước thực thông qua các dữ liệu 3D/360 độ, có thể chủ động tương tác, di chuyển tới vị trí khác trong điểm du lịch để quan sát các góc nhìn đa dạng hoặc di chuyển vào bên trong địa điểm; có thể tùy chọn đọc, nghe các thông tin giới thiệu, thuyết minh về địa điểm du lịch, hoặc nội dung thuyết minh cho từng chủ đề tham quan, các hiện vật, tranh ảnh trong điểm du lịch đó. Bản đồ Du lịch tương tác thông minh 3D/360 TP Hồ Chí Minh còn có thêm tính năng có Hướng dẫn viên ảo tại các điểm đến đã quét hình ảnh 3D để thuyết minh thông tin về các điểm đến, nâng cao cảm quan trải nghiệm chân thực; dữ liệu video, hình ảnh 2D, audio ngôn ngữ Việt Anh về các điểm đến đã quét; Xây dựng hệ thống tour tự động theo các chương trình tour của các doanh nghiệp lữ hành đã thiết kế và có thể thêm các tour mới theo định hướng phát triển của ngành du lịch; Tính năng giúp du khách có thể tự chủ động xây dựng tour cho mình trên Map 3D.
Để ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số một cách hiệu quả, Sở Du lịch đã đưa ra giải pháp quan trọng như sau: Trước mắt, hoàn thiện cơ sở dữ liệu du lịch. Đẩy nhanh các dự án liên quan đến hệ thống cơ sở dữ liệu như hệ thống cơ sở dữ liệu dịch vụ du lịch bao gồm lĩnh vực giao thông và cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, cơ sở dữ liệu doanh nghiệp du lịch, các điểm tham quan, cơ sở lưu trú du lịch, các sự kiện văn hóa – thể thao – du lịch, hệ thống các phương tiện vận chuyển, hướng dẫn viên, thuyết minh viên... Hệ thống cơ sở du liệu khách du lịch nhằm xây dựng và tích hợp các giải pháp thu thập cơ sở dữ liệu về khách du lịch và hành vi của khách hàng để nghiên cứu các giải pháp phát triển du lịch phù hợp. Đảm bảo kết nối dữ liệu, liên kết, tổng hợp dữ liệu giữa các ngành trên địa bàn Thành phố và kết nối dữ liệu vùng, với quốc gia, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long cần chia sẻ dữ liệu để xây dựng hệ thống dữ liệu lớn phục vụ chung cho công tác điều hành, quản lý nhà nước và quảng bá du lịch.
Cùng với đó, đẩy nhanh Đề án xây dựng Trung tâm điều hành du lịch thông minh. Đồng thời, nâng cao năng lực đội ngũ nguồn nhân lực làm công tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số trong du lịch. Nội dung đào tạo, chuyển giao từ cơ bản đến nâng cao đáp ứng yêu cầu, trong đó tập trung cho nhóm quản lý điều hành hệ thống, nhóm chuyên viên có trình độ và hiểu biết về công nghệ thông tin.
Bên cạnh đó là việc tiếp tục thực hiện các hoạt động trải nghiệm cho du khách như hệ thống chatbot hỗ trợ thông tin du lịch, hệ thống booth tra cứu thông tin du lịch...
Du lịch thông minh là xu thế tất yếu của sự phát triển ngành du lịch “xuyên biên giới”. Nhằm nâng cao chất lượng điểm đến du lịch, cần phải xây dựng hệ sinh thái đa chiều cho hoạt động kinh doanh du lịch thông qua việc tận dụng tối đa công nghệ 4.0, hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số, quảngbá hình ảnh, thông tin nhanh chóng về các sản phẩm, dịch vụ, chương trìnhkhuyến mại... đến người dân và du khách, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, tiếp cận đối tác trong và ngoài nước./.