|
|
Toàn cảnh Hội nghị |
Tại Hội nghị lần thứ 4, Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ tổ chức vào ngày 10/8, tại TP Hồ Chí Minh, các đại biểu nghe báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ về tình hình triển khai Đề án hình thành, đẩy mạnh phát triển Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo tại TP Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai; Bộ Thông tin và Truyền thông báo cáo về đề án xây dựng vùng động lực công nghiệp công nghệ thông tin, thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm điện, điện tử, Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo tại tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu...
Tham luận về phương án hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, TP Hồ Chí Minh đang thực hiện Kết luận 49 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Đến nay, Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã thành lập Tổ công tác xây dựng Đề án phát triển đường sắt đô thị TP; mời tổ tư vấn là các chuyên gia trong và ngoài nước để góp ý cho Đề án này.
Nội dung cơ bản của Đề án phương án hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh là dự kiến đến năm 2035, TP sẽ xây dựng thêm 183 km đường sắt đô thị, lúc đó năng lực vận tải công cộng của đường sắt đô thị chiếm 15 - 20%.
Đến năm 2045, TP có thêm 168 km, nâng tổng số đường sắt đô thị là 352 km, năng lực vận tải công cộng chiếm từ 40 đến 50%. Và đến năm 2060, hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị của TP Hồ Chí Minh với tổng chiều dài là 510 km, năng lực vận tải công cộng chiếm 50 - 60%.
Để triển khai khối lượng hệ thống đường sắt đô thị TPHCM, đồng chí Phan Văn Mãi nhìn nhận, TPHCM xác định nguồn vốn trong nước và đầu tư công là chủ yếu. Trong đó, TP xác định nhu cầu vốn ở các mốc như: đến năm 2035, TP cần khoảng 36 tỷ USD; năm 2045 cần 33 tỷ USD; năm 2060 cần 48 tỷ USD.
|
|
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: thanhuytphcm.vn) |
Để triển khai Đề án hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh, đồng chí Phan Văn Mãi kiến nghị, TP Hồ Chí Minh cần có cơ chế vượt trội trong xây dựng đề án, trong giải phóng mặt bằng, trong huy động vốn và quản lý. Theo đồng chí Phan Văn Mãi, nếu không có cơ chế vượt trội, cứ thực hiện theo quy trình đầu tư công, TP sẽ mất 20 năm để làm 20 km Metro số 1, như vậy để làm 500km sẽ mất hàng thế kỷ.
Cụ thể, TP Hồ Chí Minh dự kiến sẽ trình Quốc hội ban hành một nghị quyết, trong đó có các cơ chế, chính sách về quy hoạch, thu hồi đất, bồi thường tái định cư, huy động vốn, thủ tục dự án.
Đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã trình Đề án hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh cho Ban Chấp hành Đảng bộ TP, trình HĐND TP. Hiện TP đang phối hợp TP Hà Nội và Bộ Giao thông Vận tải để hoàn thiện hồ sơ, dự kiến trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm nay.
Đối với dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, hiện có 3 vướng mắc, đó là cát cho khối lượng xây lắp; giải phóng mặt bằng ở 4 địa phương, trong đó, tỉnh Đồng Nai cần khối lượng cát nhiều nhất và tiến độ của một số hạng mục còn chậm.
Đối với dự án Vành đai 4 TP Hồ Chí Minh, đồng chí Phan Văn Mãi thông tin, TP đã hoàn thiện hồ sơ và trong tháng 8/2024 sẽ trình Bộ Giao thông Vận tải để trình Chính phủ và trình Quốc hội và kỳ họp cuối năm 2024 để Quốc hội có nghị quyết về phê duyệt chủ trương đầu tư chung cho Vành đai 4; phê duyệt dự án đoạn qua tỉnh Long An và có cơ chế chính sách cho Vành đai 4.
Về giải phóng mặt bằng, các địa phương đề nghị cần có nguồn vốn Trung ương và vốn địa phương, trong đó TP Hồ Chí Minh sẽ tự đảm bảo vốn giải phóng mặt bằng, còn các địa phương khác đề nghị Trung ương hỗ trợ 50%, địa phương 50%; riêng tỉnh Long An đề nghị Trung ương hỗ trợ 75%, địa phương 25% để thực hiện dự án Vành đai 4./..