Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh.


Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả 10 tháng thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTG ngày 3-1-2023 của Thủ tướng về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới (Chỉ thị 01) diễn ra ngày 5/11, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết: Từ khi có Chỉ thị 01, TP Hồ Chí Minh đã tổ chức 2 đoàn cấp thành phố; Công an TP Hồ Chí Minh lập 6 tổ công tác và tổ chức kiểm tra ở 3 cấp với gần 60.000 lượt kiểm tra về an toàn PCCC, qua đó đã xử lý 7.000 trường hợp. Trong tuần qua, TP Hồ Chí Minh cũng tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 12, Chỉ thị 04 của UBND TP Hồ Chí Minh về thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an về tăng cường các biện pháp PCCC.

Theo đồng chí Phan Văn Mãi, hiện TP Hồ Chí Minh có 60.488 nhà chung cư, nhà nhiều căn hộ, nhà trọ, phòng trọ, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh. Trong đó có đến 55.444 nhà trọ, phòng trọ, đây cũng là đối tượng nguy cơ về cháy nổ. Hiện trạng những nhà này ở vị trí sâu, khó tiếp cận, không đạt chuẩn xây dựng và PCCC; các nhà này thường sắp xếp nguồn lửa, lối đi không hợp lý, ảnh hưởng đến lối thoát hiểm, lối di chuyển cứu hộ. Ngoài ra, bố trí lực lượng và các phương tiện PCCC các nơi này thường không đảm bảo.

Đối với các nhà ở riêng lẻ, hộ gia đình, TP Hồ Chí Minh  đã yêu cầu phải trang bị các bình chữa cháy tại chỗ; sắp xếp lại cũng như tạo thêm lối thoát hiểm; khuyến khích trang bị thêm cảnh báo cháy. Hiện TP Hồ Chí Minh  có hơn 3.200 tổ liên gia PCCC, thành phố tập huấn và phát huy tối đa các tổ này. Đồng thời, đang chỉ đạo các xã, phường thành lập khoảng 80.000 tổ nữa và tập huấn các kỹ năng để đảm bảo thực hành PCCC tại chỗ.

Đối với các cơ sở tập trung đông người, nhà cao tầng, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh  cho biết, thành phố có các giải pháp ngăn cháy lan, ngăn khói từ các khu vực dễ cháy như bãi xe, chỗ ở. Song song đó, lắp hệ thống báo cháy; trang bị các phương tiện chữa cháy tại chỗ như bể nước, bình chữa cháy lớn; phương tiện thoát cháy như ống tuột, thang dây, những biện pháp khác...

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi kiến nghị các cơ quan Trung ương khẩn trương rà soát, hoàn thiện các khung pháp liên quan đến PCCC, đặc biệt là các quy chuẩn, tiêu chuẩn. Đồng thời, đề nghị Bộ Công an, các bộ ngành liên quan cần thống nhất hướng dẫn các biện pháp xử lý đối với những nhà hiện hữu theo hướng xem xét hiện trạng, giải pháp cho phù hợp.


Hoạt động tập huấn PCCH được triển khai liên tục tại các khu dân cư.

 

Đồng chí đề nghị Bộ Công an chỉ đạo cho Đại học PCCC cập nhật chương trình đào tạo tập huấn PCCC rút kinh nghiệm các vụ cháy vừa qua. Trong đó, TP Hồ Chí Minh đề nghị bổ sung tập huấn cho công an xã phường ít nhất hàng tháng, hàng năm để lực lượng này thực hiện bài bản. Ngoài ra, đề nghị Chính phủ, các cơ quan Trung ương có sự đầu tư và hướng dẫn các địa phương trang bị PCCC một cách cụ thể.

Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng cho biết, TP Thủ Đức có 182 chung cư cao tầng, có dự án cả chục tòa nhà, có tòa cao nhất lên đến 40 tầng. Ngoài ra, TP Thủ Đức còn có các khu chế xuất, khu công nghiệp, nhà máy với khoảng 200.000 công nhân đang làm việc và phần lớn công nhân ở nhà trọ. Để đảm bảo an toàn PCCC, công tác kiểm tra xử lý được thực hiện thường xuyên. TP Thủ Đức đang tiến tới kiểm tra PCCC một quý một lần và kiểm tra trọng điểm với những khu vực có nguy cơ cao.

Thời gian tới, TP Thủ Đức tăng cường kiểm tra nhà ở kết hợp với văn phòng làm việc. Bởi những nơi này cũng tiềm ẩn nguy cơ cao do cùng một khu vực nhưng bố trí tập trung nhiều người cùng một thời điểm và đa phần thiếu lối thoát hiểm thứ hai. Bên cạnh đó, ngoài việc kiểm tra nơi có nguy cơ cao, TP Thủ Đức cũng kiểm tra tất cả các công trình có tổng diện tích sàn trên 500m2. Song song đó, tổ chức hướng dẫn nếu người dân có nhu cầu chuyển đổi hoặc có nhu cầu kinh doanh khác để đảm bảo khi chuyển đổi đảm bảo các quy định về PCCC./..

 

 

Ngô Bình