|
|
Khách tham quan mô hình ứng dụng công nghệ Hologram (một sản phẩm của kỹ thuật ghi hình 3D) tại Bảo tàng phụ nữ Nam Bộ. (Ảnh: Thu Hương/TTXVN) |
Theo Sở Văn hóa-Thể thao TP Hồ Chí Minh, lượng khách tham quan các bảo tàng thuộc quản lý của Sở trong 10 tháng đầu năm 2023 là 3 triệu lượt (trong đó phần lớn là khách trong nước), tăng 50% so với cùng kỳ năm trước. Các bảo tàng đã tổ chức 105 cuộc triển lãm. Sở Văn hóa -Thể thao Thành phố đã phối hợp Sở Giáo dục-Đào tạo cùng các trường học đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, ứng dụng di sản vào dạy và học…
Tuy nhiên, kết quả trên chưa tương xứng với tiềm năng của Thành phố. TP Hồ Chí Minh là địa phương có nhiều bảo tàng, song một số bảo tàng tại không có nhiều khách đến tham quan dù sở hữu số hiện vật đa dạng. Một thực tế khác là dù sống ở những đô thị lớn, người dân vẫn không mấy mặn mà và chưa có thói quen tham quan bảo tàng.
Để khai thác thế mạnh này, theo định hướng phát triển sắp tới của các bảo tàng, Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tăng cường, đổi mới công tác trưng bày để thu hút hơn đối với khách tham quan. Đặc biệt là mở rộng đối tượng khách tham quan, không chỉ trực tiếp mà còn trực tuyến, lập hệ thống số hóa để khách tham quan có thể tìm hiểu bảo tàng ở bất cứ nơi đâu, thông qua các ứng dụng; đồng thời yêu cầu các bảo tàng trên địa bàn Thành phố phải phối hợp để khai thác lẫn nhau các giá trị hiện vật. Việc số hoá giúp người dân và du khách có thể xem từ một bảo tàng nhưng thấy được tất cả các hiện vật ở các bảo tàng khác để tiết kiệm thời gian và làm phong phú thêm kho tư liệu của các bảo tàng.
Cụ thể, hiện nay, tại Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh, du khách được tham quan vẻ đẹp của tòa nhà Bảo tàng Lịch sử - một kiến trúc cổ do người Pháp xây dựng gần một thế kỷ mang đặc trưng phong cách “Đông Dương cách tân”. Chỉ cần 365 bước chân dạo quanh Bảo tàng Lịch sử, du khách có thể đi suốt chiều dài hàng ngàn năm lịch sử và văn hóa Việt Nam, tìm hiểu về đặc trưng văn hóa vùng đất phương Nam thông qua hệ thống các phòng trưng bày cố định và chuyên đề đặc biệt.
Tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ có phòng trưng bày ứng dụng kỹ thuật và công nghệ đã ứng dụng công nghệ trình chiếu 3D (thiết bị công nghệ Hologram) trong không gian trưng bày, giúp khách tham quan có thể cảm nhận hiện vật như trong không gian thực với nhiều góc độ khác nhau.
Bên cạnh đó, tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh tái hiện 5 nhà tù lớn ở miền Nam Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ trong một container mô phỏng đặt ngoài trời. Không chỉ sử dụng các công nghệ 3D, tại đây còn kết hợp cả các công nghệ ánh sáng, nhiệt độ, âm thanh... nhằm thể hiện phần nào tính chân thật của các nhà tù xưa.
Còn tại Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh áp dụng "Bảo tàng tương tác thông minh 3D/360" phục vụ khách tham quan từ xa. Đặc biệt, mới đây, Bảo tàng này còn đưa thêm mô hình Robot Sanbot ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để hướng dẫn khách tham quan, với các tính năng như: trình chiếu hình ảnh, video giới thiệu về bảo tàng, hiện vật, các phòng trưng bày…
Trên thực tế, các bảo tàng đã ứng dụng công nghệ vào trưng bày, thử nghiệm trưng bày trực tuyến và bước đầu đã có những tín hiệu tích cực nhưng nhiều khách chưa quan tâm. Cùng với đó, đội ngũ nhân sự bảo tàng hiện nay chưa nhạy bén với việc ứng dụng công nghệ. Do đó, trong thời gian tới, bản thân các bảo tàng cần thay đổi về mặt tư duy tổ chức, cách làm, đa dạng hóa hình thức, nội dung để hấp dẫn du khách. Nhiều người cho rằng, đối với bảo tàng, bản sắc và sức hấp dẫn tự thân vẫn là yếu tố chủ đạo, nội dung nghèo nàn thì dẫu công nghệ hiện đại đến mấy cũng khó lòng thu hút người xem./..