Tại Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị đã chỉ đạo Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo ban hành Nghị quyết mới của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 54 để cho phép thí điểm cơ chế, chính sách vượt trội phát triển TP Hồ Chí Minh; Ban cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp với Thành phố hoàn chỉnh Đề án ban hành Nghị quyết trình Quốc hội.
Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết 76 yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 54, đồng thời giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 trong thời gian sớm nhất.
Dự thảo Nghị quyết quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển TP Hồ Chí Minh thuộc thẩm quyền của Quốc hội, khác với các quy định của luật hiện hành hoặc chưa có quy định cụ thể, trong các lĩnh vực: Quản lý đầu tư; tài chính - ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của Thành phố Hồ Chí Minh và TP Thủ Đức thuộc TP Hồ Chí Minh.
Các cơ chế, chính sách này gồm 4 nhóm: Các cơ chế, chính sách đã được quy định tại Nghị quyết 54; các cơ chế, chính sách có nội dung tương tự đã được quy định tại các nghị quyết đặc thù dành cho các địa phương khác; các cơ chế, chính sách có trong một số dự thảo luật dự kiến trình Quốc hội thời gian tới; các cơ chế, chính sách mới chưa được thí điểm tại các địa phương và quy định tại các luật hiện hành.
Được biết, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tiếp tục trực tiếp chỉ đạo, các cơ quan tiếp thu các ý kiến của Thường trực Chính phủ và các góp ý tại cuộc họp để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, các bộ trưởng trực tiếp phối hợp, giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh, triển khai các công việc tiếp theo theo đúng quy định, bảo đảm tiến độ và chất lượng, báo cáo Chính phủ xem xét để trình Quốc hội theo trình tự, thủ tục rút gọn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV (tháng 5/2023). Theo đó, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết bảo đảm tuân thủ quy định của Hiến pháp; bám sát, cụ thể hóa các quan điểm, định hướng tại Nghị quyết số 24, Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 81 của Quốc hội.
Đồng thời, Thủ tướng đề nghị các cơ quan liên quan và TP Hồ Chí Minh tiếp tục rà soát lại nội dung dự thảo để xây dựng các cơ chế, chính sách cho Thành phố theo hướng đặc thù, thông thoáng, vượt trội nhưng có trọng tâm, trọng điểm, mang tính đột phá, tác động lớn, phù hợp với bối cảnh thực tiễn phát triển của địa phương và phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của Nhà nước; xác định rõ thẩm quyền của từng cấp, từng ngành, từng cơ quan; bảo đảm tính khả thi, hiệu quả khi thực hiện trên thực tế, tạo điều kiện tốt nhất có thể để Thành phố phát triển nhanh và bền vững hơn nữa.
Có thể thấy, những thách thức mà TP Hồ Chí Minh đang gặp phải, đó là vị trí vai trò đầu tàu tăng trưởng của Thành phố đối với phía Nam và cả nước đang suy giảm dần do tốc độ tăng trưởng giảm mạnh. Hạ tầng kỹ thuật và xã hội ngày càng bất cập so với yêu cầu phát triển giai đoạn mới, đặc biệt là công tác quy hoạch. Hạ tầng giao thông ngày cảng quá tải nghiêm trọng hơn; chống kẹt xe, chống ngập,... chưa có tiến bộ; bất cập về xã hội, môi trường ngày càng nghiêm trọng, kể cả tắc nghẽn, ngập nước, quá tải. Thành phố cũng chưa phát huy được thế mạnh của một trung tâm khoa học-công nghệ trong việc nâng cao năng suất và chất lượng phát triển, chưa thể hiện được vai trò dẫn dắt phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Nhiều công trình dự án bị “nghẽn” nhiều năm, nhất là các dự án bất động sản. Tỷ lệ giải ngân đầu tư công thấp.
Chính vì vậy, TP Hồ Chí Minh phải đảm bảo ổn định, kiểm soát tốt vĩ mô có tầm quan trọng đặc biệt đối với một siêu đô thị, đông dân. Thành phố tiếp tục hỗ trợ việc cung ứng lao động và đào tạo lao động; khôi phục và phát triển khu vực doanh nghiệp; thường xuyên “đối thoại, nắm bắt khó khăn của doanh nghiệp, của từng dự án”; tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ doanh nhân hùng hậu của thành phố phát triển, từ đó đóng góp nhiều hơn nữa vào tiến trình xây dựng và phát triển Thành phố.
Thành phố cũng cần tiếp tục cải cách cả chính sách và hệ thống công vụ rộng hơn để tạo những thay đổi rõ nét về môi trường kinh doanh. Cải thiện cơ chế chính sách và hạ tầng liên quan đến nền tảng số và đổi mới sáng tạo; thúc đẩy phát triển trung tâm tài chính quốc tế; phát triển kinh tế số-chuyển đổi số; kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Việc ban hành cơ chế đặc thù không phải là ưu ái mà thực tế đang phát huy vai trò, tiềm năng và gắn trách nhiệm của TP Hồ Chí Minh đối với cả nước; đồng thời, tạo ra thế và lực để giải quyết dứt điểm các vấn đề bức xúc của người dân./..