Phát triển du lịch bền vững với sự tôn trọng và bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn có thể mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng địa phương.

Đó là chia sẻ của TS Tạ Duy Linh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.

PV: Thưa TS , ông đánh giá như thế nào về vai trò bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn tại Cần Giờ?

TS Tạ Duy Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch: Nằm cách trung tâm TP Hồ Chí Minh gần 40 km, Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ có tổng diện tích khoảng 75.000 ha và là quần thể gồm các loài động vật, thực vật rừng trên cạn và thuỷ sinh, được hình thành trên vùng châu thổ rộng lớn của 03 con sông: Đồng Nai, Sài Gòn và Vàm Cỏ. Đây là địa bàn có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch sinh thái và kinh tế biển, giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong ứng phó với những tác động của biến đổi khí hậu; đồng thời, có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh, nằm trong thế phòng thủ hướng biển của TP Hồ Chí Minh và khu vực miền Đông Nam Bộ.

Theo các nghiên cứu khoa học, rừng ngập mặn Cần Giờ có môi trường tự nhiên rất đặc biệt - trung gian giữa hệ sinh thái thủy vực với hệ sinh thái trên cạn, hệ sinh thái nước ngọt và hệ sinh thái nước mặn. Hằng năm, rừng Cần Giờ nhận lượng lớn phù sa từ các con sông, cùng với tác động của thủy triều từ biển, tạo nên hệ động vật, thực vật phong phú. Về động vật, có khoảng 700 hệ thủy sinh không xương sống, khoảng 89 loài côn trùng, 282 loài cá, hơn 36 loài lưỡng cư, 36 loài bò sát, trên 164 loài chim và 35 loài thú; trong đó có 11 loài bò sát có tên trong Sách đỏ Việt Nam, như: tắc kè, kỳ đà nước, trăn đất, trăn gấm, rắn cạp nong, rắn hổ mang, cá sấu hoa cà... Về thực vật, với khoảng 150 loài, trở thành nguồn thức ăn và nơi trú ngụ cho nhiều loài thủy sinh, cá và các động vật có xương sống khác.

Với hệ sinh thái thiên nhiên đa dạng, rừng ngập mặn Cần Giờ không chỉ có tác dụng tạo mảng xanh đô thị, cảnh quan thiên nhiên, trở thành “lá phổi xanh” cho các đô thị xung quanh, mà còn góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là vấn đề nước biển dâng, phòng hộ chống xói lở bờ biển... Nhờ có vị trí và tiềm năng đặc biệt, năm 2000, rừng ngập mặn Cần Giờ được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên tại Việt Nam.

 

PV: Thưa TS vậy việc phát triển du lịch với bảo vệ rừn ngập mặn có vai trò như thế nào?

TS Tạ Duy Linh: Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch: Phát triển du lịch bền vững với sự tôn trọng và bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn có thể mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng địa phương; và đồng thời, giúp duy trì các giá trị (di sản) văn hóa, cũng như tạo ra cơ hội làm việc cho người dân tại chỗ. Điều quan trọng là cần thực hiện sự quản lý thông minh, gắn liền với việc giáo dục và nhận thức cho các bên tham gia vào hoạt động du lịch (các cấp quản lý nhà nước tại địa phương, cộng đồng dân cư tại chỗ, du khách,các doanh nghiệp lữ hành), hợp tác giữa các bên liên quan để đảm bảo rằng du lịch và bảo vệ môi trường có thể tồn tại, phát triển cùng nhau một cách bền vững và có lợi cho tất cả mọi người.

Để phát triển du lịch bền vững, các doanh nghiệp lữ hành, khách du lịch phải tuân thủ các tiêu chuẩn bền vững.

Tôi đưa ra ví dụ cụ thể như sau: (1) Quản lý thông minh: Chính quyền địa phương hợp tác với các chuyên gia môi trường để xác định các khu vực rừng quan trọng cần phải được bảo tồn gắn với phát triển du lịch. Các khu vực này sẽ được xác định là khu vực quản lý “nghiêm ngặt”, thực hiện “chặt chẽ” các quy định về việc hạn chế xây dựng trong việc triển khai hoạt động du lịch. Hay nói cách khác, phải xây dựng và thực hiện kế hoạch quản lý toàn diện cho khu vực du lịch, trong đó cả phát triển du lịch và bảo vệ môi trường đều được xem xét một cách cặn kẽ. Kế hoạch này cần có các quy định và hướng dẫn rõ ràng để đảm bảo sự cân bằng.

(2) Phát triển du lịch bền vững: Các doanh nghiệp lữ hành, khách du lịch phải tuân thủ các tiêu chuẩn bền vững, như sử dụng năng lượng tái tạo cho cơ sở lưu trú và hạ tầng, giảm thiểu tiêu thụ nước và xử lý chất thải một cách hiệu quả. Họ cũng nên khuyến khích du khách tham gia vào các hoạt động du lịch thân thiện với môi trường, như làm sạch rác thải ven bờ hoặc tham gia trực tiệp, gián tiếp vào các hoạt động bảo vệ rừng.

(3) Giáo dục và nhận thức: Trong quá trình cung ứng dịch vụ (người dân) và tham quan trải nghiệm (du khách), các chủ thể này nhận thức, hiểu về tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng và sự đóng góp của họ vào việc bảo vệ môi trường; đặc biệt đối với người dân tại chỗ, thông qua các chương trình giáo dục về môi trường và di sản văn hóa của Cần Giờ một cách đúng đắn. Cùng với đó, tạo nhận thức có thể giúp du khách hiểu rõ hơn về môi trường và thúc đẩy hành vi bảo vệ rừng.

(4) Quản lý tài nguyên thiên nhiên: Các hoạt động đánh bắt hải sản trong khu vực dự trữ hệ sinh thái rừng cần phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt để đảm bảo rằng nguồn tài nguyên thiên nhiên không bị thiệt hại quá mức. Các khu vực dự trữ thiên nhiên cần được bảo vệ khỏi bất kỳ hoạt động khai thác không hợp pháp nào liên quan đến việc đánh bắt hải sản, quản lý rừng, và bảo vệ các khu vực quan trọng cho đa dạng sinh học.

(5) Hợp tác các bên (đa phương): Chính quyền địa phương hợp tác với các tổ chức quốc tế, các đơn vị tư vấn chuyên môn và các doanh nghiệp,…nhằm huy động sự tài trợ vật lực, tài lực, với sự hỗ trợ kỹ thuật trong việc phát triển du lịch dưới tán rừng (dựa vào triết lý: nhờ rừng mà sống, nương rừng mà ở, vì rừng mà phát triển). Hay nói cách khác, để đảm bảo rằng tất cả các bên tham gia vào quá trình cân bằng giữa du lịch và bảo tồn môi trường rừng.

(6) Đánh giá và điều chỉnh: Liên tục đánh giá tác động của du lịch lên môi trường và cộng đồng; trên cơ sở đó có sự điều chỉnh chiến lược một cách linh hoạt, dựa trên kết quả đánh giá. Điều này bao gồm việc thay đổi kế hoạch quản lý nếu cần thiết để bảo vệ môi trường và di sản văn hóa. Hay nói cách khác, đó là việc thích nghi với thay đổi trong tình hình môi trường và kinh tế; và luôn làm mới chiến lược quản lý du lịch để đảm bảo sự cân bằng giữa du lịch và bảo tồn môi trường.

(7)Ứng dụng công nghệ thông tin: Sử dụng công nghệ thông tin để quản lý và giám sát các hoạt động du lịch dưới tán rừng, trong không gian khu dự trữ sinh quyển, chẳng hạn đặt các dịch vụ trực tuyến đến theo dõi tình trạng môi trường trong các hoạt động du lịch

Tóm lại, cân bằng giữa phát triển du lịch và bảo vệ rừng ngập mặn tại Cần Giờ đòi hỏi sự hợp tác của nhiều bên liên quan và tuân theo các tiêu chuẩn và nguyên tắc bảo vệ môi trường và di sản văn hóa. Điều này đảm bảo rằng du lịch có thể mang lại lợi ích kinh tế và văn hóa cho cộng đồng địa phương mà không gây hại đến môi trường và tài nguyên thiên nhiên quý báu của rừng ngập mặn Cần Giờ.

PV: Xin cảm ơn TS Tạ Duy Linh./.

Tường Vy (t/h)