Người dân vùng Đông Nam Bộ coi trọng giá trị văn hóa tinh thần
Giá trị văn hóa tinh thần rõ nét
Giá trị văn hóa tinh thần (phi vật thể) tốt đẹp của vùng đất Đông Nam Bộ, vừa tiêu biểu cho dân tộc, vừa mang đặc trưng của phương Nam, gắn với điều kiện tự nhiên, lịch sử và con người nơi đây, vừa có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo động lực phát triển bền vững cho “miền Đông gian lao mà anh dũng”. Đó là tinh thần yêu nước, sự cố kết cộng đồng, lòng dũng cảm, tính nghĩa hiệp trong lối sống, sự sáng tạo trong lao động.
Tinh thần yêu nước được thể hiện ở tinh thần của người dân Đông Nam Bộ nói riêng, Nam Bộ nói chung đứng lên đánh giặc có phần vì chủ quyền Tổ quốc, vì triều đình “tấc đất, ngọn rau ơn chúa”, mà còn vì “bát cơm manh áo ở đời”4. Nhìn lại lịch sử mấy trăm năm, người dân Đông Nam Bộ đã phải chịu biết bao sự kiện lớn, những biến cố lịch sử sôi động. Chỉ tính riêng thế kỷ XX, chúng ta đã có thể thống kê hàng trăm sự kiện, Đặc biệt là ở Thành phố Hồ Chí Minh. Qua những sự kiện đó, cho thấy tinh thần quyết chiến quyết thắng, tinh thần bất khuất, bản lĩnh kiên cường và ý thức sáng tạo đặc biệt của người dân nơi đây trong quá trình phát huy truyền thống chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, đối đầu với chủ nghĩa thực dân cũ và mới. Ngay từ cuối thế kỷ XIX, khi mới đặt chân lên mảnh đất Gia Định – Sài Gòn, thực dân Pháp đã phải đương đầu với cuộc đấu tranh của nhân dân mà nổi bật là phong trào quật khởi liên tục của nông dân, rất nhiều những tấm gương anh hùng xả thân vì nước. Điển hình là quần chúng nông dân ở vùng Mười tám thôn Vườn Trầu – nơi tiêu biểu cho tinh thần yêu nước của những người dân lưu vong từ các tỉnh miền Trung, miền Bắc vào Nam khai phá, mở cõi.
Tính cộng đồng của người Nam Bộ nói chung, Đông Nam Bộ nói riêng thể hiện rõ nét trong phong tục tập quán, cách cư xử của các thành viên trong làng. Trong đám cưới, đám tang người Đông Nam Bộ cũng giống như bao người Việt Nam khác thường chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau, vui niềm vui chung và sẻ chia nỗi buồn khi hàng xóm, láng giềng gặp chuyện buồn.
Người dân vùng Đông Nam Bộ còn có tinh thần nghĩa hiệp, phong cách phóng khoáng, sống nhân ái, khoan dung. Đó là những phẩm chất của con người Việt Nam nói chung, nhưng biểu hiện tập trung hơn, dễ thấy hơn, phổ biến hơn trong cư dân Đông Nam Bộ. Tinh thần nghĩa hiệp, phong cách phóng khoáng, sống nhân ái, khoan dung đã trở thành một thói quen, nếp sống, được lặp đi lặp lại từ thế hệ này sang thế hệ khác, làm nên bản sắc văn hóa của người dân Đông Nam Bộ. Người dân nơi đây tự hào về điều đó và tìm cách giữ gìn, phát huy trong thời đại mới. Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh –được mệnh danh là nơi “đất lành chim đậu”, ít thiên tai, bão lụt nên dễ sống. Bất kể mọi giai cấp, tầng lớp, mọi người đều có thể lập thân, lập nghiệp ở Sài Gòn. Người đến trước giúp đỡ, dìu dắt người đến sau, cứ thế nương tựa nhau mở rộng cuộc sống mưu sinh. Bởi vậy, tinh thần tương thân, tương ái của người dân nơi đây trở nên đặc biệt. Những thùng bánh mì, trà đá miễn phí hiện diện trên khắp các tuyến đường để “tiếp sức” cho người nghèo. Châm ngôn sống đơn giản, nhẹ nhàng của con người Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, Đông Nam Bộ nói chung đó là luôn bảo nhau “làm phước”.
Những đức tính này lâu dần sẽ cảm hóa mỗi người dân và cứ thế lan tỏa mạnh mẽ trong cuộc sống. Mô hình hiệp sĩ đường phố ở Bình Dương thể hiện rõ tinh thần nghĩa hiệp của người Bình Dương nói riêng và các tỉnh, thành Đông Nam Bộ nói riêng. Xuất phát từ tinh thần nhiệt huyết giúp người, các hiệp sĩ đã tích cực truy bắt đối tượng, thu lại tang vật để trả cho bị hại.
Trong khó khăn, tình yêu thương giữa người với người càng trở nên rõ nét.
Phát huy những giá trị văn hóa vùng Đông Nam Bộ
Đại hội XIII đã xác định sáu nhiệm vụ trọng tâm của toàn bộ nhiệm kỳ là "khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế".
Nghị quyết số 24 - NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra quan điểm: “Xây dựng Đông Nam Bộ trở thành vùng văn minh, hiện đại, hội nhập quốc tế. Phát triển nhanh, bền vững, hài hòa giữa các tiểu vùng, các địa phương trong vùng; các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.... Phát huy mạnh mẽ truyền thống lịch sử cách mạng, văn hoá, tinh thần tự lực, tự cường của "Miền Đông gian lao mà anh dũng" trong xây dựng và phát triển vùng”9. Để đạt được các mục tiêu nêu trên, Đông Nam Bộ cần phải quan tâm hơn nữa việc phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên nền tảng tinh thần vững chắc để đổi mới và hội nhập sâu rộng.
Để phát huy giá trị truyền thống Đông Nam Bộ trong đổi đổi mới và hội nhập, các chuyên gia cho rằng, trước hết, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng để nâng cao nhận thức và nhận diện những giá trị truyền thống tốt đẹp của con người Đông Nam Bộ. Từ đó nuôi dưỡng tâm hồn mỗi người, chuyển hóa thành ý thức trách nhiệm của mỗi công dân trước vận mệnh của dân tộc. Khơi dậy, phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, đoàn kết cộng đồng, mỗi người dân thực sự là một “chiến sĩ trên mặt trận xây dựng và bảo vệ tổ quốc” để tăng cường, củng cố “thế trận lòng dân” vững chắc.
Cùng với đó, cần phải xác định rõ, giữ gìn những giá trị truyền thống quý báu của dân tộc là một ý thức chính trị, là trách nhiệm của mỗi người dân, đặc biệt là thế hệ cha ông đối với thế hệ trẻ; xây dựng tâm lý cộng đồng với nội dung cao cả là tinh thần độc lập tự cường, tự chủ - đó chính là biểu hiện cao nhất và trước hết của văn hóa. Luôn có ý thức trong việc nuôi dưỡng, khơi dậy tinh thần dân tộc, quyết tâm chính trị, đồng sức, đồng lòng để tạo nên sức mạnh bảo vệ và phát triển đất nước.
Cần nhân rộng, khen thưởng kịp thời những tấm gương người tốt việc tốt, các tổ chức, cá nhân đã có những nghĩa cử, hành động đẹp, sống nhân ái, khoan dung, nghĩa hiệp như các bếp ăn từ thiện, các nhóm thiện nguyện, các hiệp sĩ đường phố.... để lan tỏa những giá trị tốt đẹp vào cuộc sống, hướng xã hội vào những chuẩn mực chân, thiện, mỹ.
Cũng theo các chuyên gia, trong thời kỳ giao lưu, hội nhập sâu rộng, hơn vùng miền nào hết, Đông Nam Bộ là vùng đất có nhiều lợi thế bởi truyền thống giao lưu và tiếp biến mạnh mẽ. Con người nơi đây nhanh chóng thích nghi, học hỏi, sáng tạo những điều tốt đẹp của các nước trên thế giới. Với tính cộng đồng mở, đa hệ, hỗn dung, sự năng động, sáng tạo... sẽ là lợi thế của Đông Nam Bộ để vươn lên phát triển mạnh mẽ.../..