ĐHQG-HCM ra mắt không gian văn hóa Hồ Chí Minh.

 

Theo TS Lê Tùng Lâm, Trường Đại học Sài Gòn, trường đại học là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực  quan trọng, đào tạo ra đội ngũ nhân lực có chất lượng cao nhằm phục vụ cho nhu cầu của địa phương, đất nước. TP Hồ Chí Minh tự hào là thành phố duy nhất của Việt Nam được mang tên Bác Hồ kính yêu. TP Hồ Chí Minh có 50 trường đại học, nhạc viện và 6 học viện. Vì thế việc phát huy vai trò của các trường đại học trong xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh sẽ mang lại hiệu quả tích cực, góp phần thực hiện mục tiêu chiến lược đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hồ Chí Minh đã đề ra.

Theo đồng chí Phạm Phương Thảo, để việc làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được lan tỏa trong đời sống xã hội cần đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng những tấm gương tiêu biểu về học và làm theo Bác. Khuyến khích các hình thức biểu dương quảng bá thông qua các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí, kể cả có những phòng truyền thống, góc truyền thống ở các cơ quan, đơn vị, trường học… để thực hiện được nhiệm vụ này, trường đại học là môi trường lý tưởng nhất vì có những điều kiện thuận lợi như:

Thứ nhất: Các trường đại học đều có không gian về mặt địa lý, có không gian về vật chất để xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Hầu hết các trường đại học đều được xây dựng các phòng chuyên dụng như: Các phòng truyền thống, phòng bộ môn, phòng sinh hoạt chuyên đề… do đó, việc trường đại học đầu tư một phòng hoặc một khu vực để triển lãm sách, tranh, ảnh, tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là điều không quá khó khăn. Việc xây dựng các phòng, khu vực riêng giới thiệu về văn hóa Hồ Chí Minh là nền tảng quan trọng để hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại trường.

Mặt khác, trong thư viện các trường đại học, nguồn tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chung và tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng rất phong phú, đa dạng. Chẳng hạn trong quá trình sử dụng công cụ OPAC để tìm từ khóa “Chủ tịch Hồ Chí Minh”, “tư tưởng Hồ Chí Minh” trên thư viện các trường đại học. Kết quả, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh có 557 đầu sách liên quan; Trường Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh có 516 đầu sách liên quan; Đại học Sài Gòn có 86 đầu sách liên quan; Đại học Công nghệ Sài Gòn có khoảng 30 đầu sắc liên quan… rõ ràng, số lượng sách, công trình nghiên cứu cề thân thế, cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh có rất nhiều trong thư viện các trường đại học. Đây là điều kiện vật chất quan trọng và thuận lợi để nhà trường xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh.

Đưa công nghệ vào không gian văn hóa Hồ Chí Minh.

 

Thứ hai, các trường đại học đều có đội ngũ các nhà khoa học nghiên cứu và giảng dạy về tư tưởng Hồ Chí Minh. Đề tài về lãnh tụ Hồ Chí Minh đã thu hút rất nhiều sự quan tâm, nghiên cứu từ các nhà khoa học. Những công trình nghiên cứu chuyên sâu như: Tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao; tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục… đã được các nhà khoa học, giảng viên các trường đại học đầu tư nghiên cứu, xuất bản sách. Nhằm đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục, nhiều công trình về hỏi đáp, hướng dẫn học tập môn tư tưởng Hồ Chí Minh cũng được thực hiện nhằm phục vụ công tác đào tạo tại trường Đại học. Rõ ràng những công trình nghiên cứu của giảng viên cũng là một điều kiện thuận lợi để trường đại học xây dựng thành công không gian văn hóa Hồ Chí Minh mà Đảng bộ TP đề ra.

Trường Đại học trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có nhiều điều kiện thuận lợi để xây dựng và phá triển không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại đơn vị. Trong mục tiêu phát triển văn hóa- xã hội của TP Hồ Chí Minh đến năm 2025, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở TP mang tên Bác là nhiệm vụ chính trị quan trọng của đảng bộ và nhân dân thành phố. Do đó các trường đại học cần khai thác các lợi thế vốn có, phát huy được vai trò chủ động của nhà trường trong xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh./..

Phú Thành (ghi)