|
|
Các đại biểu tham luận tại tọa đàm. (Ảnh: Tường Vy) |
Ngày 9/10, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh phối hợp với Đảng ủy Sở Giáo dục và Đào tạo, Đảng ủy Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Ban Thường vụ Hội Khuyến học thành phố, Thành Đoàn, Đảng ủy ĐHQG TP Hồ Chí Minh, Đảng ủy Khối đại học, cao đẳng tổ chức tọa đàm "Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, thành phố học tập tại TP Hồ Chí Minh".
ThS Nguyễn Huy Cận, Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố, nhận xét công tác khuyến học, khuyến tài của thành phố những năm qua nhận được nhiều sự quan tâm từ Thành ủy, UBND TP Hồ Chí Minh, Sở Giaos dục và Đào tạo và hệ thống hội khuyến học các cấp.
71 bài tham luận của các cấp ủy đảng, chính quyền, hệ thống hội khuyến học từ cơ sở đến thành phố, các đảng ủy cấp trên cơ sở, các cơ sở giáo dục, các chuyên gia, nhà khoa học... đã thể hiện nhiều góc độ nhìn nhận khác nhau. Nhiều khó khăn, thuận lợi và giải pháp được nêu tại tòa đàm.
Thời gian qua, TP Thủ Đức đã lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới và phát triển các mô hình học tập, theo đó tập trung thực hiện có hiệu quả Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030” và Kế hoạch “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị giai đoạn 2021 - 2030” trên địa bàn thành phố Thủ Đức.
Năm 2023, 34/34 phường tiếp tục đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ mức độ 2, thành phố Thủ Đức tiếp tục được công nhận mức độ 2 về xóa mù chữ 4 . Qua kiểm tra, đánh giá, công nhận Gia đình học tập: Có 135.283/ 208.001 tỷ lệ 65,04%; Dòng họ học tập: Có 88/121 tỷ lệ 72,73%; Cộng đồng học tập: Có 154/181 tỷ lệ 85,08%; Đơn vị học tập: Có 196/219 tỷ lệ 89,50%. Công nhận “Công dân học tập”: 142.108 /tổng số 144.283 công dân đăng ký, tỷ lệ 98,49%.
Hằng năm, đã có trên 80% gia đình đạt danh hiệu “Gia đình học tập”. Đặc biệt, mô hình “Công dân học tập” đã được triển khai với sự tham gia tích cực của người dân và sự hỗ trợ của phần mềm quản lý.
Những năm qua công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, thành phố học tập trên địa bàn huyện Bình Chánh đã có những kết quả đáng khích lệ và khả quan. Huyện luôn xây dựng các mô hình, giải pháp với tinh thần đổi mới và sáng tạo nhằm huy động mọi nguồn lực tập trung thực hiện tốt và nâng cao hiệu quả công tác khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập. Với mục tiêu nâng bước ước mơ, chắp cánh cho hiền tài, Huyện ủy đã lãnh đạo Hội Khuyến học huyện phối hợp các cơ quan, đơn vị huy động các quỹ, nguồn vốn, tổ chức tốt “Chương trình học bổng khuyến học, khuyến tài”, “Chương trình tiết kiệm nuôi heo đất khuyến học” nhằm khuyến khích, giáo dục tính tự lực, tiết kiệm cho từng gia đình, đã có 2.957 suất học bổng, trợ cấp khó khăn, khen thưởng cho học sinh và sinh viên học tập khá giỏi với số tiền gần 05 tỷ đồng được trao tặng trong 05 năm qua.
Các cấp hội khuyến học trong huyện đã có nhiều hoạt động chủ động, sáng tạo, tích cực tạo ra các phong trào thi đua sôi nổi và có chiều sâu cùng các mô hình học tập phát triển khá đều và rộng khắp. Đến nay, huyện có 127.782 hộ được công nhận “Gia đình học tập”, 100 “Dòng họ học tập”, 144 “Đơn vị học tập”, 106/106 ấp, khu phố đạt “Cộng đồng học tập”.
Tại huyện Củ Chi, công tác khuyến học, khuyến tài không dừng lại ở việc trao học bổng mà những thành viên được nhận học bổng quay lại tiếp sức, truyền lửa cho thế hệ sau mình. Được biết, huyện đang xây dựng mô hình câu lạc bộ "cha mẹ tinh thần", thu hút người lớn nhận đỡ đầu, chăm lo, động viên học sinh nghèo, cơ nhỡ, mồ côi, để các em có niềm tin, động lực tiếp tục đến trường.
Phát biểu tại tọa đàm, TS Lê Hồng Sơn, Thành ủy viên, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy cho biết, TP Hồ Chí Minh đã được công nhận là thành viên Mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO). Đây là bước ngoặt rất quan trọng đối với công tác giáo dục khuyến học, khuyến tài trên địa bàn.
Thời gian tới, công tác truyền thông trong khuyến học, khuyến tài trên địa bàn TP cần đẩy mạnh tuyên truyền nhiều hơn. Tất cả các phòng của Ban Tuyên giáo đều có trách nhiệm, tăng cường thông tin./..