13:48 26/07/2022
print  

Xây dựng một cộng đồng chuyên gia giáo dục đại học lớn mạnh

(ĐCSVN) - Ngày 25-26/7, tại TP Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) và Đại học Indiana (Hoa Kỳ) đồng tổ chức hội thảo Mùa hè 2022 nhằm xây dựng một cộng đồng chuyên gia giáo dục đại học lớn mạnh.


PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG-HCM phát biểu khai mạc hội thảo. (Ảnh: Lê Hoài)

Hội thảo thuộc Dự án Hợp tác đổi mới giáo dục đại học (PHER) do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.

Dự án PHER kéo dài trong 5 năm với kinh phí 14,2 triệu đô-la do USAID tài trợ, thông qua trường Đại học Indiana (Hoa Kỳ) thực hiện nhằm mục tiêu xây dựng các mô hình và phương pháp tiếp cận sáng tạo, phát triển các mối quan hệ đối tác để hỗ trợ ĐHQG-HCM, ĐHQG Hà Nội và Đại học Đà Nẵng.

Theo PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG-HCM, Dự án sẽ tập trung vào bốn trụ cột, gồm: Đổi mới quản trị; Nâng cao chất lượng dạy và học; Nâng cao năng lực nghiên cứu; Tăng cường kết nối đại học - doanh nghiệp.

Cụ thể, trong trụ cột đổi mới quản trị, PHER đem tới cơ hội tăng cường năng lực quản trị đại học cho lãnh đạo của các đại học Việt Nam. Trụ cột nâng cao chất lượng dạy và học tập trung phát triển năng lực đội ngũ giảng viên trong việc thiết kế các khóa học hiện đại, số hóa chương trình đào tạo để giúp sinh viên mở rộng tiếp cận với nguồn tài nguyên dạy và học chất lượng cao. Đồng thời, chương trình sẽ xây dựng các cộng đồng giảng viên trong nhiều lĩnh vực chuyên môn để khuyến khích hợp tác liên trường về học thuật. Trong trụ cột nâng cao năng lực nghiên cứu, PHER giúp cải thiện năng lực nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, gắn kết các hoạt động nghiên cứu với nhu cầu kinh tế, xã hội của đất nước thông qua các hoạt động trao đổi học giả và giảng viên, hội thảo và các khóa học ngắn hạn. Thông qua trụ cột tăng cường kết nối Đại học - Doanh nghiệp, PHER hỗ trợ các đại học xây dựng và duy trì quan hệ đối tác giữa trường đại học và doanh nghiệp.

Giám đốc ĐHQG-HCM cho biết kỳ vọng của các trường đại học đặt ra với Dự án PHER đó là trong quá trình thực hiện, những kết quả đạt được của Dự án sẽ lan tỏa đến hệ thống các trường đại học của Việt Nam; đồng thời trong quá trình thực hiện dự án sẽ có những chính sách mới có thể áp dụng vào hệ thống giáo dục đại học tại Việt Nam.

PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Lê Hoài)

Theo PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện nay thách thức với giáo dục đại học tại Việt Nam là rất lớn, đặc biệt đại dịch COVID-19 đã có những sự thay đổi trong phương pháp giáo dục của các trường đại học.

Giáo dục đại học và các trường đại học đóng vai trò cốt yếu trong việc cung ứng nguồn nhân lực có chất lượng để phát triển xã hội, đóng góp quan trọng, cốt yếu vào tiến trình phát triển đất nước. Thực tế cho thấy, hiện các trường đại học tại Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, thách thức về vấn đề chuyển đổi số hay tự chủ tài chính... Dù vậy, các trường đại học ở Việt Nam cũng đã chủ động vượt qua những khó khó khăn, thách thức, tạo những bước chuyển biến tích cực. Đồng thời các trường đã chủ động hội nhập, có tầm nhìn, cơ chế quản trị minh bạch hiệu quả, thu hút các nguồn lực, đạt nhiều thành tích đáng ghi nhận và khẳng định khả năng tự chủ đại học. Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo mong muốn, trong suốt quá trình triển khai, Dự án sẽ giúp nâng cao năng lực, chia sẻ những kinh nghiệm tìm ra nguyên nhân, khó khăn của các trường đại học, từ đó đề xuất những chính sách với Chính phủ để gỡ khó cho các trường đại học Việt Nam. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẵn sàng lắng nghe, nghiên cứu các ý kiến đóng góp để trong khả năng của mình sẽ đề xuất, bổ sung những chính sách để hệ thống các trường đại học tại Việt Nam phát triển.

Dự án PHER nỗ lực để các đại học Việt Nam đạt được những thay đổi mang tính bền vững, để có thể chuyển giao hoặc nhân rộng thành mô hình và khung tham khảo cho hệ thống giáo dục đại học Việt Nam nói chung. (Ảnh: HM)

GS.TS Hannah Luise Buxbaum đến từ Đại học Indiana chia sẻ: Dự án PHER nhấn mạnh tầm quan trọng của các trường đại học với xã hội; mong muốn sẽ xây dựng nền tảng tri thức tạo ra mạng lưới chia sẻ kinh nghiệm tốt giữa các trường đại học Việt Nam và các trường đại học quốc tế trong việc xây dựng các vấn đề năng lực quản trị và quản lý giữa các trường đại học, các bộ, ngành ở cấp độ quốc gia... “Câu chuyện chúng ta trao đổi ở hội thảo không chỉ là đổi mới, không chỉ là kết nối doanh nghiệp và các dự án nghiên cứu mà dự án mong muốn tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ hơn nữa về mặt thể chế giữa hệ thống các trường đại học tại Việt Nam”. GS.TS Hannah Luise Buxbaum bày tỏ.

Dự án PHER nỗ lực để các đại học Việt Nam đạt được những thay đổi mang tính bền vững, để có thể chuyển giao hoặc nhân rộng thành mô hình và khung tham khảo cho hệ thống giáo dục đại học Việt Nam nói chung.

Tại Hội thảo Mùa hè 2022, các chuyên gia cao cấp từ Đại học Indiana gặp gỡ các nhà lãnh đạo, nhà quản lý và chuyên gia để cùng thảo luận, phát triển các chiến lược thực hiện dự án nhằm hỗ trợ ba đại học trở thành các cơ sở giáo dục đại học hiện đại của Việt Nam thông qua việc tăng cường năng lực của hệ thống quản lý và quản trị./.

Hoàng Mẫn