Đó là ý kiến của Thượng tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ về phòng, chống COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam chia sẻ với báo chí.

 Thượng tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ về phòng chống COVID tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. (Ảnh: Thành Nguyễn).

 Phóng viên (PV): Thưa Thượng tướng, đồng chí nhận định thế nào về công tác phòng chống dịch giai đoạn đầu của đợt dịch thứ 4? Trong bối cảnh đó Chính phủ đã có sự chuyển hướng chỉ đạo kịp thời như thế nào? Hiệu quả của sự chuyển hướng kịp thời thể hiện trong công tác xét nghiệm, điều trị, giãn cách, an sinh xã hội?

 Thượng tướng Võ Minh Lương: Ở giai đoạn đầu đợt dịch lần thứ tư này, do chúng ta chưa nhận thức đầy đủ về biến chủng “Delta” nên công tác tham mưu, hướng dẫn, xử lý, chuẩn bị còn nhiều bất cập, có lúc lúng túng. Biến chủng “Delta” có tốc dộ lây lan cực nhanh và cực kỳ nguy hiểm. Chúng ta chưa có kinh nghiệm trong phòng, chống đối với biến chủng Delta nên đối với bệnh nhân chưa tiêm, người có bệnh nền, béo phì, phụ nữ có thai là những người có nguy cơ chuyển nặng, tử vong cao. Mặt khác cơ sở hạ tầng y tế của Thành phố lúc cao điểm dịch bệnh không đáp ứng nổi (thiếu lực lượng y bác sỹ, trang thiết bị máy móc, vật tư y tế, chưa có thuốc điều trị). Thời gian đầu chủ yếu test PCR, thời gian trả kết quả chậm hơn tốc độ lây lan của dịch bệnh. Mặc dù Đảng bộ, chính quyền, hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt, đồng bộ ngay từ đầu. Sau thời gian không lâu dịch đã đã bùng phát, đã ăn sâu vào ngóc ngách ngõ hẻm của cộng đồng dân cư, tập trung nơi đông người, nhất là các khu nhà trọ, nhà máy, xí nghiệp,… Đã làm cho Thành phố trở tay không kịp, hệ thống y tế bị quá tải lên các cơ sở điều trị, tử vong ở cả 3 tầng ngày càng nhiều. Đó là thời kỳ đầu của đợt dịch thứ 4/TP.Hồ Chí Minh.

 Tôi nghĩ rằng, bất cứ nước nào ngay từ đầu cũng lúng túng như nhau vì chưa có tiền lệ.

 Trước những khó khăn đó, Chính phủ chỉ đạo chuyển hướng chiến lược trên 1 số nội dung cơ bản sau: Trên nền tảng 3 Trụ cột chính: Cách ly nhanh – khoanh vùng hẹp nhất có thể; xét nghiệm thần tốc nhanh hơn tốc độ lây lan của dịch (chiến dịch 2-3 đợt, mỗi đợt 3-4 ngày, theo kế hoạch 1, 3, 5, 7). Đã bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, cắt giảm nguồn lây nhiễm; điều trị tích cực, hiệu quả (thành lập nhiều trung tâm hồi sức tích cực, bệnh viện dã chiến,… 6.000/60.000 giường hồi sức cấp cứu, gồm: Thuốc, trang bị, con người và ô xy lỏng). Và đã xác định lấy xã, phường làm pháo đài, người dân là chiến sỹ (đã tăng nguồn lực con người, trang bị, thuốc, bình ô xy). Tăng cường các trạm y tế lưu động cho xã, phường để kịp thời chăm sóc, điều trị F0 tại nhà, bảo đảm cho người dân được tiếp cận sớm nhất, nhanh nhất các dịch vụ y tế, đã làm giảm rõ rệt bệnh nhân chuyển nặng và tử vong, giảm tải cho các cơ sở điều trị tuyến trên.

 Tôi cho đây là những nội dung mang tính chiến lược tại thời điểm vô cùng khó khăn của TP Hồ Chí Minh.

 Để làm tốt các nội dung nêu trên, Chính phủ quyết định tăng cường lực lượng, trang bị y tế vào miền Nam với số lượng vô cùng lớn, để đủ sức cho miền Nam đặc biệt là TP Hồ Chí Minh chống dịch. Cụ thể: Mở các chiến dịch, tiêm, test trên diện rộng, thực hiện nghiêm giãn cách, công tác an sinh xã hội được quan tâm chăm lo tốt hơn không để người dân bị thiếu ăn, đứt bữa,…Điều trị hiệu quả 3 tầng đặc biệt F0 tại nhà cùng với vắc xin ngày càng được phủ kín.

 Đến nay, tình hình dịch tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam dần được kiểm soát. Số ca tử vong, ca mắc mới giảm rõ rệt (tử vong dưới 2 con số). Nếu tính trung bình 1 đợt bùng phát dịch như TP. Hồ Chí Minh thì các nước trên thế giới (kể cả các nước có nền y tế phát triển) phải tập trung nguồn lực trong thời gian từ 6-9 tháng mới dập xong 1 đợt dịch, mà TP. Hồ Chí Minh chỉ trong vòng 4 tháng chúng ta đã từng bước làm chủ được tình hình là quá tốt rồi. TP. Hồ Chí Minh đến giờ phút này đang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và từng bước khôi phục lại hoạt động xã hội, sản xuất kinh doanh theo Nghị quyết số 128 ngày 11/10/2021 của Chính phủ là bước đi đúng đắn phù hợp với tình hình mới.

 Các chiến sĩ quân đội hỗ trợ lương thực cho người dân. (Ảnh: Hùng Khoa)

PV: Trong công cuộc phòng chống COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh, quân đội đã huy động  hơn 100.000 cán bộ, chiến sỹ, kể cả lực lượng chi viện và tại chỗ. Vậy đâu là những khó khăn trong giai đoạn tăng cường đó với những việc làm chưa có trong tiền lệ, thưa Thượng tướng?

 Thượng tướng Võ Minh Lương:  Đứng trước tình thế dịch của miền Nam và TP. Hồ Chí Minh, đặc biệt sự quá tải của các bệnh viện, sự gồng mình chịu đựng của nhân dân, hệ thống chính trị, của cấp ủy, chính quyền các cấp, Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định tăng cường lực lượng để hỗ trợ cho miền Nam trong đó tập trung cho TP. Hồ Chí Minh, tôi nghĩ rằng đây là quyết định hết sức đúng đắn, sáng suốt, kịp thời. Trong đó có lực lượng Quân đội, vì Quân đội là lực lượng đông nhất, kỷ luật nghiêm nhất, cơ động nhanh nhất, khi nhận mọi nhiệm vụ thì hoàn thành tốt nhất và được Đảng, Nhà nước và nhân dân yêu thương và tin tưởng nhất.

 Với hơn 100.000 quân chỉ tập trung hỗ trợ cho TP. Hồ Chí Minh, tôi nghĩ không thấm vào đâu, như muối bỏ biển, vì phải cùng hệ thống chính trị bảo đảm an sinh cho 10 triệu người. Ngoài ra còn phải thực hiện nhiều nhiệm vụ khác như: Tổ chức chốt chặn, tuần tra, vận chuyển hàng hóa cho dân, đi chợ hộ; tổ chức tuyên truyền; tổ chức các tổ tiêm, test; các tổ quân y cơ động của các xã, phường điều trị, tư vấn F0 tại nhà; đặc biệt nhiệm vụ xử lý tử thi, tro cốt bệnh nhân tử vong do COVID-19, đây là việc làm khó khăn và chưa có tiền lệ đối với Quân đội.

 Nhưng với tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, với trách nhiệm của người lính đứng trước mất mát to lớn của nhân dân, chúng tôi đã xác định tư tưởng, quyết tâm, từng bước vượt qua những khó khăn, gian khổ, kể cả hy sinh. Đến nay cơ bản các đơn vị đều hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

 PV: Quân đội đã quyết định dần rút quân sau gần 3 tháng chi viện, hỗ trợ chống dịch ở TP Hồ Chí Minh. Lãnh đạo Bộ quốc phòng đã có sự điều chỉnh lực lượng như thế nào cho phù hợp giai đoạn bình thường mới hiện nay?

     Các tổ quân y cơ động của các xã, phường điều trị, tư vấn cho F0 tại nhà. (Ảnh: Hùng Khoa).

 Thượng tướng Võ Minh Lương: Đến nay, tình hình dịch ở TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh trong khu vực như: Đồng Nai, Bình Dương, Long An đã từng bước được kiểm soát. Chúng tôi có thống nhất với các địa phương đặc biệt là TP Hồ Chí Minh điều chỉnh lực lượng với các mốc thời gian như sau: Giai đoạn 1: Từ 1/10 - 15/10 cho rút toàn bộ các lực lượng bộ binh. Giai đoạn 2: Từ 15/10 - 31/10 cho rút dần lực lượng y, bác sỹ là học viên ở phía Bắc ở các bệnh viện dã chiến (để các cháu về tiếp tục học tập thi cử). Giai đoạn 3: Từ 31/10 đến hết tháng 11. Tùy theo tình hình tiếp tục điều chỉnh tiếp cho phù hợp. Riêng các bệnh viện dã chiến khi nào không còn F0 thì xin giải thể. Đây là toàn bộ kế hoạch điều chỉnh lực lượng của Bộ Quốc phòng đã và đang triển khai thực hiện. Và chúng tôi đang sẵn sàng lực lượng tăng cường cho Quân khu 5, Quân khu 9 khi cần thiết.

PV: Xin Thượng tướng cho biết, bài học được rút ra sau 3 tháng tăng cường lực lượng quân đội chống dịch ở TP Hồ Chí Minh là gì, để không lặp lại việc thành phố sẽ bùng phát dịch?

 Thượng tướng Võ Minh Lương: Bài học thứ 1 là áp dụng cơ chế 02 của Bộ Chính trị (vẫn nguyên giá trị) kể cả an ninh truyền thống, phi truyền thống. Là “Đảng lãnh đạo, chính quyền điều hành, hệ thống chính trị làm tham mưu, giao cho cơ quan chức năng chỉ huy, xử lý”. Cụ thể ở đây, Chính phủ đã giao 3 Bộ là Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và xác định rõ Bộ Y tế là bộ quyết định trong chiến dịch này.

Bài học 2: Sớm dự báo, đánh giá tình hình dịch (đặc biệt là biến thể mới).

Bài học 3: Sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị.

Hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt, đồng bộ ngay từ đầu, đặc biệt là cấp ủy, người chủ trì phải trách nhiệm, quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm thì sớm kiểm soát được dịch (nếu không thì ngược lại).

Bài học 4: 4 tại chỗ.

Phát huy hiệu quả 4 tại chỗ, đặc biệt sức mạnh, sự đồng thuận, đoàn kết của toàn dân và không thể thiếu tấm lòng, tình cảm, trách nhiệm của các doanh nghiệp và nhân dân trong cả nước và bà con kiều bào đã đóng góp rất lớn công sức, tiền của, vật chất, trang bị phục vụ cho công tác phòng, chống đại dịch lần này.

Bài học 5: Ý thức chấp  hành của nhân dân tốt nhất có thể.

Bài học 6: Khi có tình huống xảy ra người dân và chính quyền phải chuẩn bị kỹ hơn: Hàng hóa thiết yếu, lương thực thực phẩm,  vật tư y tế,…

Bài học 7: Phải có đủ cơ sở điều trị tại 3 tầng với đầy đủ con người, trang thiết bị + vắc xin.

      Tổng cục Kỹ thuật- Bộ Quốc phòng tặng quà cho người dân. (Ảnh Hùng Khoa).

PV: Chuyển sang trạng thái “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19”, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam cần có những biện pháp ứng phó trước mắt và lâu dài như thế nào để vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch và phát triển kinh tế xã hội, thưa Thượng tướng?

Thượng tướng Võ Minh Lương: Chuyển sang trạng thái: “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19”, các biện pháp ứng phó trước mắt để vừa bảo đảm phòng, chống dịch và phát triển KT-XH theo tôi có 4 vấn đề cần quan tâm.

Tiếp tục tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ “không có Zero F0”, vì lúc nào cũng sẵn sàng có F0, sẵn sàng lây lan, sẵn sàng dịch quay trở lại. Cần tuyên truyền để nhân dân không chủ quan, lơ là mất cảnh giác. Người dân lúc nào cũng phải chấp hành và thực hiện nguyên tắc "5K + vắc xin + thuốc + công nghệ thông tin + ý thức của người dân" để phòng, chống dịch COVID-19. Khi chúng ta tiêm đủ mũi 1, mũi 2 rồi, nếu không phòng tốt chúng ta vẫn bị nhiễm và khi nhiễm sẵn sàng lây cho người khác.

Xây dựng kế hoạch xét nghiệm: Để phát hiện F0 không còn con đường nào khác là chúng ta phải thường xuyên xét nghiệm theo quy định của Bộ Y tế. Khi phát hiện F0 ở giai đoạn này chúng ta không còn sợ hãi như ngày trước nữa vì chúng ta đã được tiêm mũi 1, mũi 2 đã có kháng thể, rất khó lây và trở nặng như thời gian trước. Khi phát hiện ra F0 thì chúng ta cách ly và điều trị. Khi nơi nào có nguy cơ cao, rất cao tiếp tục phong tỏa, ngăn chặn, điều trị kịp thời, hiệu quả.

Xây dựng hệ thống y tế đủ năng lực: Hệ thống y tế phải được củng cố bổ sung đầy đủ về con người, trang thiết bị (ô xy, máy, thuốc) đủ sức đáp ứng theo yêu cầu. Chuẩn bị kỹ cả 3 tầng điều trị theo quy định của Bộ Y tế. Phải chuẩn bị đầy đủ các phương án phòng dịch tiếp theo, theo từng cấp độ dịch của địa phương.

Phải xây dựng kế hoạch bảo vệ người chưa được tiêm vắc xin: Nếu đáp ứng 4 vấn đề trên thì việc từng bước mở lại sản xuất kinh doanh tôi nghĩ có thể thực hiện tôt theo lộ trình “Thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

Trên cơ sở 4 vấn đề đã trình bày, chúng ta cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng và bài bản hơn 4 vấn đề đã nêu, đông thời xây dựng các chiến lược y tế quốc gia (dự phòng đủ mạnh); khi xảy ra đại dịch y tế tư nhân phải vào cuộc như y tế công. Chúng ta cần chủ động sản xuất bằng được trang thiết bị, vật tư y tế, kể cả vắc xin, không để bị động như đại dịch vừa qua.

 

PV: Xin trân trọng cảm ơn Thượng tướng!

 

Ngọc Anh- Quỳnh Mai (thực hiện)