Toàn cảnh Hội thảo. (Ảnh: thanhuytphcm)

Hội thảo với tên gọi “Sức mạnh của Blockchain trong Chuyển đổi số” và là một trong những hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện của Tuần lễ Chuyển đổi số tại TP Hồ Chí Minh từ ngày 8/10 đến ngày 14/10/2022.

Hội thảo có ý nghĩa quan trọng trong việc cung cấp thông tin tổng quan tới các đại biểu, doanh nghiệp và cộng đồng phát triển công nghệ tại Hồ Chí Minh đối với việc phát triển công nghệ blockchain; đồng thời đề xuất các giải pháp để hướng tới hoàn thiện tiến trình ứng dụng số và xây dựng thể chế, chính sách tạo hành lang pháp lý giúp Việt Nam tận dụng thời cơ để phát triển mạnh mẽ và bền vững.

“Blockchain đang được các chuyên đánh giá là tiêu chuẩn cho các giao dịch kỹ thuật số. Thay vì được lưu trữ tập trung, blockchain là một cơ sở dữ liệu đa tầng được lưu trữ trong một hệ thống mạng mà mỗi người dùng trong đó có một bản sao cơ sở dữ liệu không thể sao chép khác”, ông Hoàng Văn Huây, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo.

Blockchain giúp tăng tốc các quy trình kinh doanh

Nhờ cấu trúc phi tập trung kết hợp với mật mã học, blockchain giúp tăng tốc các quy trình kinh doanh, tạo ra mức độ bảo mật cao trong các giao dịch ngang hàng nên không cần đơn vị trung gian. Khi các doanh nghiệp B2B và B2C chuyển sang thị trường kỹ thuật số, blockchain tạo ra sự tin tưởng và bảo mật cho người tiêu dùng, khách hàng, đối tác thương mại và kinh doanh. Trong chuyển đổi số, tốc độ là một trong những yếu tố quan trọng giúp bạn khác biệt với các đối thủ cạnh tranh. Trên cơ sở này, ứng dụng blockchain vào quy trình vận hành doanh nghiệp góp phần thực hiện giao dịch hoàn toàn tự động, đáng tin cậy và nhanh chóng.

Blockchain có khả năng kết nối và thay đổi vận hành chuỗi cung ứng

Bản chất phi tập trung của blockchain tạo ra sự minh bạch tối đa trong mọi giao dịch trong chuỗi cung ứng - từ việc thu mua nguyên liệu và sản xuất đến phân phối và bán sản phẩm cuối cùng. Bằng cách này, sẽ có ít rủi ro hơn và khách hàng cuối cùng có thể truy xuất nguồn gốc của sản phẩm trong toàn bộ chuỗi cung ứng.

Chuyển đổi kỹ thuật số đang xây dựng lại cơ sở hạ tầng truyền thông trong các công ty đa ngành nghề, chẳng hạn như: IoT (Internet of Things) giúp kết nối tất cả các loại thiết bị và phổ biến quyền truy cập vào dữ liệu. Dự kiến sẽ có hơn 75 tỷ thiết bị IoT được sử dụng trên toàn cầu vào năm 2025. Hơn thế nữa, blockchain có thể trở thành công nghệ quan trọng để quản lý dữ liệu (nguồn: Statista). Các nền tảng blockchain mới, hoạt động bằng cách sử dụng bằng chứng xác thực cổ phần (proof of stake) có thể quản lý an toàn và minh bạch lượng lớn dữ liệu được tạo ra trong các quy trình kinh doanh.

Blockchain làm nền tảng cho các hợp đồng thông minh và quản lý tài chính hiệu quả

Hợp đồng thông minh (smart contract) là hợp đồng kỹ thuật số chạy trên blockchain, có thể được doanh nghiệp sử dụng để thiết lập các thỏa thuận kinh doanh dựa trên cơ sở minh bạch, an toàn. Các hợp đồng thông minh từ lâu đã được sử dụng trong các quy trình kinh doanh khác nhau. Bằng cách này, công nghệ blockchain có thể cách mạng hóa việc số hóa các quy trình kinh doanh trong tương lai.

Ngoài ra, sự thành công của blockchain trong việc tạo và quản lý các loại tiền mã hóa như Bitcoin cho thấy công nghệ này đã tạo ra cuộc cách mạng về tài chính. Do đó, các doanh nghiệp cũng có thể kiểm soát tài chính bằng cách sử dụng blockchain như một sổ cái kỹ thuật số để quản lý các quy trình tài trợ, thanh toán và giao dịch nội bộ.

Trong tiến trình thực hiện Chuyển đổi số Quốc gia, thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động bộ máy chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trong nhiều ngành. Uỷ Ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xác định nhiệm vụ: “Thành phố Hồ Chí Minh sẽ là đầu tàu kinh tế của cả nước, đi đầu trong thực hiện mô hình tăng trưởng mới, là trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất cả nước, đi đầu trong việc tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển mạnh kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn”.

Trong những năm qua, việc phát triển nền kinh tế số đã và đang được triển khai trên nhiều phương diện và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Các chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế số đã tạo động lực thúc đẩy các doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo, làm chủ công nghệ, đóng góp quan trọng vào quá trình chuyển đổi số quốc gia. Trong đó, doanh nghiệp nhà nước là đầu tàu trong ứng dụng công nghệ số vào quy trình quản lý, quy trình sản xuất kinh doanh như: Tập đoàn Viettel, Mobifone, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT), Tập đoàn Điện lực (EVN), Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Vietcombank... Các doanh nghiệp trên đã có lộ trình áp dụng công nghệ số vào quá trình quản lý, sản xuất kinh doanh từ khá sớm.

Blockchain là một trong những công nghệ trung tâm của quá trình chuyển đổi này. Các khái niệm về sổ cái phân tán lần đầu xuất hiện vào năm 1991, nhưng phải đến năm 2009, blockchain được áp dụng vào thực tiễn với Bitcoin. Kể từ đó, các ứng dụng Blockchain bắt đầu phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, trong nhiều lĩnh vực, công nghệ này vẫn còn sơ khai và các chuyên gia cho rằng blockchain sẽ tác động sâu rộng đến thế giới kinh doanh trong những năm tới./..

Khánh Vy