Toàn cảnh Hội thảo. (Ảnh: PV)

Ngày 9/5, tại TP Hồ Chí Minh, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam đồng chủ trị tổ chức Hội thảo “Lấy ý kiến về Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo”.

Năm 2012, Quốc hội đã thông qua Luật Quảng cáo, thay thế cho Pháp lệnh Quảng cáo năm 2001. Theo đó, Luật Quảng cáo ra đời đã điều chỉnh toàn diện về các vấn đề liên quan đến hoạt động quảng cáo, từ quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động quảng cáo, trách nhiệm quản lý nhà nước, các hành vi cấm, yêu cầu, điều kiện đối với từng nội dung quảng cáo, phương tiện quảng cáo cho đến các loại hình quảng cáo có yếu tố nước ngoài.

Đồng thời, Luật ra đời đã góp phần tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận các thủ tục và dịch vụ công, huy động tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, hiện tại, trong lĩnh vực quảng cáo cũng đã xuất hiện một số tồn tại, vướng mắc, gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Chính vì vậy, việc tổ chức hội thảo lấy ý kiến về Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo trong bối cảnh hiện nay, được cho là quan trọng và cần thiết. Trong đó, trọng tâm của hội thảo sẽ là trao đổi những điểm cần được sửa đổi, bổ sung vào Luật Quảng cáo cho phù hợp với bối cảnh hiện tại trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó cũng đảm bảo tính thông thoáng, hiện đại, công bằng, minh bạch, đúng quy định của pháp luật; bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động quảng cáo.

TP Hồ Chí Minh là địa phương có số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo chiếm tỷ lệ cao và không ngừng tăng lên qua các năm. Tính đến năm 2019, có 5.497 doanh nghiệp hoạt động trong ngành quảng cáo trên địa bàn TP. Năm 2020 ngành quảng cáo đóng góp 1,8% GRDP cho TP, mục tiêu đến năm 2025 đóng góp 2.6% và đến 2030 là 3.2%. Những con số trên cho thấy, ngành quảng cáo ngày càng có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn TP nói riêng và cả nước nói chung.

Theo bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, thông qua hội thảo này, Cục và Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam mong muốn được các doanh nghiệp góp ý cho Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Bởi việc này có ý nghĩa quan trọng, tạo ra hành lang phù hợp với sự thay đổi, biến chuyển của cuộc sống cũng như phù hợp với hệ thống văn bản pháp luật nói chung trong hiện nay. Đặc biệt nên tạo hành lang cho doanh nghiệp phát triển nhưng vẫn đảm bảo được biện pháp quản lý và đáp ứng được nhu cầu cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người tham gia, tiếp cận và hưởng thụ từ hoạt động quảng cáo.

Tại hội thảo, Hội Quảng cáo TP Hồ Chí Minh kiến nghị Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tích cực có ý kiến bằng văn bản để TP Hồ Chí Minh và các địa phương chưa có qui hoạch sớm ban hành qui hoạch quảng cáo ngoài trời, tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật. Việc chưa ban hành qui hoạch quảng cáo ngoài trời gây khó khăn cho các doanh nghiệp và cần sớm được tháo gỡ nhanh chóng kịp thời.

Đồng thời cho rằng, Luật Quảng cáo sửa đổi cần cân nhắc hạn chế phạm vi, đối tượng trong qui hoach quảng cáo nhằm hạn chế tối đa các ảnh hưởng không đáng có đối với doanh nghiệp. Ví dụ như bỏ qui hoach quảng cáo với tấm áp tường, quảng cáo trên tài sản tư nhân. Thay vào đó chỉ nên đưa ra các tiêu chí chung về an toàn công trình, an toàn phòng cháy chữa cháy, an toàn giao thông,...

Về mỹ quan đô thị, ông Nguyễn Thanh Đảo – Chủ tịch Hội Quảng cáo TP Hồ Chí Minh kiến nghị các địa phương cũng nên có quy hoạch việc treo băng rôn nhằm làm đẹp mỹ quan đô thị và tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp hoat động. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần tăng cường công tác giám sát, xử phạt các hành vi vi phạm. Đồng thời nghiên cứu qui hoach những địa điểm trong khu phố, tuyến phố cho quảng cáo rao vặt miễn phí nhằm hạn chế tình trạng rao vặt, quảng cáo các dịch vụ như “khoan cắt bê tông”, “rút hầm cầu”, “hỗ trợ tài chính”… làm ảnh hưởng cảnh quan đô thị.

Đối với ý kiến về hồ sơ đề nghị luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật quảng cáo, ông Nguyễn Thanh Đảo cho rằng trong phần phân tích những tồn tại, vướng mắt trong quá trình thực thi Luật Quảng cáo của tờ trình, chưa thấy ban soạn thảo nêu vấn đề tồn đọng của việc qui hoạch quảng cáo tại địa phương, đặc biệt tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số đô thị lớn khác.

Ông Trần Việt Tân, Chủ tịch HĐQT Vinama JSC, cho rằng quảng cáo ngoài trời là quảng cáo mà ngành rất mong mang tính ổn định, quy hoạch theo tiêu chí, số lượng thay vì quy hoạch theo số nhà như hiện nay. Hơn nữa, các doanh nghiệp mong bộ ban hành một quy hoạch quảng cáo ngoài trời mang tính chất đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Đồng thời đề nghị nên xem quảng cáo ngoài trời là ngành kinh doanh đặc thù và quản lý bằng cách tính thuế phù hợp để doanh nghiệp phát triển, nhà nước thu được ngân sách; tổ chức đấu thầu các vị trí được xây dựng trên đất công, đất sở hữu tư nhân nếu đáp ứng các điều kiện về quy hoạch.

Cũng tại Hội thảo, các đại biểu góp ý những điểm cần được sửa đổi, bổ sung vào Luật Quảng cáo cho phù hợp với bối cảnh hiện tại ở trong nước và quốc tế; đảm bảo tính thông thoáng, hiện đại, công bằng, minh bạch, đúng quy định pháp luật; bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động quảng cáo; hoàn thành những mục tiêu, chỉ tiêu cơ bản theo Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8/9/2016 phê duyệt chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ đề ra, đưa Quảng cáo trở thành mũi nhọn chủ lực trong các ngành công nghiệp văn hóa./.

 

CM