Lãnh đạo Cục Y tế dự phòng thuộc Bộ Y tế thăm hỏi, động viên người bệnh mắc đậu mùa khỉ. (Ảnh: TTXVN phát)

 

 

Chiều 31/10, bệnh nhân nữ 38 tuổi, được xuất viện sau 2 tuần điều trị và cách ly tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh. Bệnh nhân đã hết sốt, tổng trạng tốt, tinh thần thoải mái, các tổn thương đã lành hoàn toàn.

Kết quả PCR phết sẹo tổn thương ngày 31/10 cho thấy bệnh nhân âm tính với virus Monkeypox. Các bác sỹ kết luận, bệnh nhân đã khỏi bệnh và được xuất viện.

Trước đó, từ ngày 29/9 đến ngày 18/10 vừa qua, bệnh nhân đi làm tại Dubai, có tiếp xúc gần với bạn có biểu hiện nghi ngờ bệnh đậu mùa khỉ (sốt, mệt mỏi, nổi bóng nước vùng sinh dục) trước khi khởi bệnh 10 ngày.

Nghi ngờ mình có thể nhiễm bệnh, nhờ sự hỗ trợ của bệnh nhân đậu mùa khỉ đầu tiên, bệnh nhân đã liên lạc với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh và ngay khi nhập cảnh được đưa vào cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới thành phố. Bệnh nhân không tiếp xúc với ai kể từ khi về Việt Nam.

Sau khi nhập viện, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm và kết quả PCR dương tính MP Ct=19.4. Kết quả giải trình tự chuỗi gene định danh xác định bệnh nhân nhiễm chủng Monkeypox virus thuộc biến thể clade Iib có nguồn gốc từ Tây Phi. Đây cũng là chủng virus đã gây bệnh cho ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên của Việt Nam và là chủng virus gây bệnh trên thế giới từ đầu năm 2022 đến nay.

Để an toàn cho bản thân và cộng đồng, các bác sỹ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh khuyến cáo, người dân cần thực hiện biện pháp phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ theo khuyến cáo của ngành Y tế.

Khi có triệu chứng nghi ngờ hoặc tiếp xúc gần với ca nghi ngờ đậu mùa khỉ, hãy liên hệ với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới thành phố hoặc cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn./.


PV