Đại biểu Tăng Hữu Phong chất vấn Chủ tịch UBND TPHCM (Ảnh: Việt Dũng/sggp)

Vì sao một số Nghị quyết còn triển khai chậm?

Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Tú (Bình Tân), HĐND TP đã ban hành nhiều nghị quyết về kinh tế - xã hội. Một số nghị quyết về chính sách, chế độ được người dân rất mong chờ. Tuy nhiên, hiện có một số nghị quyết chưa được triển khai hoặc triển khai chậm làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Vậy Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo ra sao với việc triển khai để các nghị quyết của HĐND TP đi vào cuộc sống.

Trong khi đó, đại biểu Trần Quang Thắng (Quận 11) cho rằng, việc giải ngân đầu tư công hiện nay của TP rất thấp, giải pháp nào để nâng tỷ lệ giải ngân đầu tư công trong 1 tháng cuối năm.

Trả lời các đại biểu, đồng chí Phan Văn Mãi thẳng thắn nhận khuyết điểm trước HĐND TP khi chậm chỉ đạo triển khai nghị quyết.

Về vấn đề đầu tư công, Chủ tịch UBND TP cho biết, có 4 nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ thấp: Nhiều dự án chuyển tiếp nên việc chuẩn bị hồ sơ mất nhiều thời gian; giải phóng mặt bằng chậm (vốn giải phóng mặt bằng mới đạt 21%); việc phối hợp giữa các đơn vị, cơ quan trong giải quyết vướng mắc; trách nhiệm của chủ đầu tư.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, TP đã thành lập 3 tổ công tác về dự án có vốn ODA, dự án có vốn lớn và giải phóng mặt bằng. Hiện tổ công tác về dự án có vốn ODA đang gặp khó vì vướng các thủ tục. Bên cạnh đó, tổ giải phóng mặt bằng sẽ họp hằng tuần để tháo gỡ, triển khai; tổ công tác về các dự án có vốn lớn luôn theo dõi sát sao các dự án bởi ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ giải ngân. “TP đang rất nỗ lực để đạt kết quả giải ngân đầu tư công cao nhất có thể” - đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Về dự án đường Vành đai 3, đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, làm sao làm để đời sống của người dân bị ảnh hưởng bởi dự án phải có cuộc sống tốt hơn hoặc bằng. Cụ thể, giá bồi thường phải tính làm sao để cao nhất, tiệm cận giá thị trường; chỗ tái định cư phải đảm bảo cơ sở vật chất. Đối với những hộ chưa đủ điều kiện tái định cư, TP Hồ Chí Minh sẽ xem xét để có chính sách, như thuê nhà hoặc mua nhà giá phù hợp. Bên cạnh đó, sẽ hỗ trợ đào tạo nghề, sinh kế cho người dân bị ảnh hưởng.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi trả lời chấn vấn tại kỳ họp (Ảnh: Việt Dũng/sggp.vn)

Tập trung thực hiện các dự án nhà ở xã hội

Cũng tại phiên chất vấn, đại biểu Tăng Hữu Phong (Phú Nhuận) thông tin, vừa qua, trong Hội nghị của Thành ủy, Bí thư Thành ủy có chỉ đạo rất quyết liệt về chương trình nhà ở nói chung và nhà ở xã hội của TP. Đây là một trong những nội dung rất được quan tâm của công nhân, người lao động, viên chức. Đồng thời, ngày 24/6 vừa qua, tại buổi giám sát UBND TP Hồ Chí Minh của HĐND TP Hồ Chí Minh về chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2016 - 2025, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi tiếp tục khẳng định, chương trình phát triển nhà ở, nhất là nhà ở xã hội, là công việc lớn của TP Hồ Chí Minh và  UBND TP Hồ Chí Minh sẽ tập trung làm tốt hơn nữa. Từ những yêu cầu và chủ trương nhất quán, xuyên suốt nêu trên, đại biểu Tăng Hữu Phong đề nghị Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh có thông tin cho đồng bào, cử tri TP rõ và yên tâm. Cụ thể, TP đã, đang và sẽ triển khai Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2030.

Trao đổi về nhà ở xã hội, đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, để triển khai kế hoạch phát triển nhà ở đến năm 2030, Sở Xây dựng phối hợp cùng các sở, ngành đang tham mưu cho UBND TP tập trung triển khai 10 dự án, 18 dự án đang rà soát lại. Bên cạnh đó, đang hoàn thiện đề án nhà ở trên kênh rạch, nhà chung cư cũ và phát triển các nhà lưu trú, công nhân, trong đó có nhà ở xã hội hoặc là nhà cho thuê cho cán bộ, công chức, viên chức của TP.

“TP Hồ Chí Minh sẽ kiên trì thực hiện mục tiêu giải pháp đã đề ra. Đây cũng là một nội dung đăng ký dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước” - đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Đại biểu Trương Lê Mỹ Ngọc đặt vấn đề, trong bối cảnh thế giới và trong nước có nhiều thay đổi sau đại dịch COVID-19; việc cơ cấu lại kinh tế TP Hồ Chí Minh là yêu cầu cấp bách, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo đôn đốc việc này như thế nào?

Ngoài ra, nhiều người lao động tới giờ vẫn chưa được hưởng chính sách hỗ trợ do ảnh hưởng dịch COVID-19, trong khi hiện nay rất khó khăn, lại sắp đến tết. đại biểu Cao Thanh Bình đề nghị TP Hồ Chí Minh quan tâm rà soát lại tất cả gói hỗ trợ COVID-19, đảm bảo chi đúng chi đủ cho người dân.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh thừa nhận, về bố trí vốn giảm nghèo năm 2021-2022 có chậm. Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nhận khuyết điểm trước HĐND TP Hồ Chí Minh và cho biết nguyên nhân là có những ý kiến khác nhau. Theo đồng chí, vừa rồi Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã thống nhất chi từ nguồn chi thường xuyên. Năm nay, TP Hồ Chí Minh dự kiến bố trí 600 tỷ đồng. Vì vậy, TP Hồ Chí Minh cố gắng trong tháng này sẽ thực hiện xong./.

 

 

Hoàng Mẫn