Trước đó, bệnh nhân Nguyễn Thanh T. (26 tuổi), nhập viện cấp cứu là ngày thứ 5 của bệnh với chẩn đoán shock nhiễm khuẩn đường vào từ viêm mô tế bào cẳng bàn tay phải và gout mạn tính. Với biểu hiện mạch nhanh 130 lần/phút, huyết áp tụt 80/50mmHg, cánh cẳng tay phải sưng nề, ấn lõm, mặt sau 1/3 cánh tay phải có vùng phỏng nước, hoại tử kích thước 5cm, mu tay phải có phù nề, chảy mủ kích thước 2cm. Qua siêu âm, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị phù nề tụ dịch mô kẽ, viêm mô tế bào vùng cẳng tay phải.
Sau một tuần điều trị tích cực, bệnh nhân chưa đáp ứng điều trị, tiến triển tại chỗ của bệnh ngày càng nặng hơn, toàn thân nhiễm trùng nhiễm độc nặng, rối loạn dinh dưỡng, rối loạn điện giải. Tại chỗ vết thương có nhiều hoại tử ướt, mô hạt kém phát triển, nhiều dịch dạng tinh thể urat.
Vi khuẩn xâm nhập vào đường máu, gây Sốc nhiễm khuẩn, tổn thương đa cơ quan. Bệnh viện đã hội chẩn, nhanh chóng lọc máu liên tục, truyền bù đạm, bù máu, đổi sang kháng sinh mạnh hơn. Đồng thời, cắt lọc bổ sung tổn thương tại chỗ vết thương.
Hai ngày sau đó, bệnh tiến triển nặng hơn cả toàn thân và tại chỗ, được hội chẩn toàn bệnh viện, được chẩn đoán rõ ràng: “Viêm phổi bệnh viện do vi khuẩn K. pneumoniae – sốc nhiễm khuẩn đường vào từ viêm mô tế bào cánh – cẳng tay phải do S. pyogenes + Klebsiella đa kháng”.
Sau hơn ba tuần điều trị quyết liệt, kiên trì bệnh nhân
đã được ghép da mỏng rạch mắt lưới tự thân.
Các bác sĩ đã nhanh chóng phẫu thuật rạch giải phóng ổ áp xe, cắt lọc, nguy cơ tái sốc do nguồn nhiễm chưa giải quyết hoàn toàn - loạn thần sau dùng an thần kéo dài, rối loạn điện giải – gout – tiền đái tháo đường suy tim.
Là bác sĩ điều trị chính cho bệnh nhân, BS.CKII Nguyễn Văn Bình - Phó Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật chi trên, BVQY 175 cho biết : “Với tinh thần ưu tiên cứu sống tính mạng bệnh nhân. Sau khi trao đổi giải thích với bệnh nhân và người nhà cũng như làm những thủ tục bắt buộc, ngay trong đêm, các bác sĩ triển khai mổ cấp cứu giữ lại 1/3 đoạn chi trên cánh tay phải để cứu sống tính mạng bệnh nhân” .
Tình trạng bệnh nhân được cải thiện qua cơn nguy kịch, tỉnh tiếp xúc được, cai thở máy, các chỉ xét nghiệm dần trở về bình thường, tại chỗ mỏm cụt sau 02 lần đặt VAC (máy hút áp lực liên tục) đã lên tổ chức hạt đẹp.
Hiện tại, toàn thân bệnh nhân ổn định, vùng da ghép mỏm cụt tiến triển tốt. Bệnh nhân chỉ còn đánh giá lại một vài yếu tố cuối cùng để ra viện trở về với cuộc sống sau khi qua được cơn bạo bệnh.
“Trường hợp bệnh nhân T. là một trường hợp khá đặc biệt, bệnh nhân có tuổi đời còn khá trẻ, nhưng bệnh diễn biến nhanh, nặng nề và phức tạp. Quá trình điều trị phải quyết liệt, kiên trì và luôn sâu sát để kịp thời xử trí nếu không sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát, luôn đặt nguyên tắc cứu sống tính mạng bệnh nhân lên hàng đầu. Sự thành công trong công tác điều trị bệnh nhân có được là nhờ sự phối hợp tốt của các chuyên khoa liên quan, sự chỉ đạo quyết liệt của thủ thưởng bệnh viện với quyết tâm điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.” – Bác sĩ Bình chia sẻ.
Bệnh nhân được các bác sĩ dặn dò trước khi ra viện trở về với cuộc sống sau khi qua được cơn bạo bệnh.
Viêm mô tế bào là tình trạng nhiễm khuẩn mô mềm cấp tính. Nguyên nhân thường do vi khuẩn thuộc nhóm Streptococcus hoặc Staphylococci gây ra. Các trường hợp nhẹ do nhiễm trùng cục bộ có thể xuất hiện mẩn đỏ ở một vùng da. Trường hợp nặng gây sốt và các hạch bạch huyết khu vực có thể sưng to, nặng hơn gây nhiễm khuẩn huyết thậm chí sốc nhiễm khuẩn dẫn đến suy đa cơ quan và có thể làm người bệnh tử vong nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời.
Bác sĩ Bình khuyến cáo thêm, viêm mô tế bào là tổn thương khá thường gặp trong cộng đồng, với biểu hiện lúc khởi phát thường không quá nghiêm trọng nên dễ làm cho người bệnh cũng như người nhà có tâm lý chủ quan không đến cơ sở y tế khám bệnh. Khi bệnh diễn biến nặng, biến chứng nguy kịch rồi mới đến khám thì đã muộn. Do đó, khi bệnh nhân có biểu hiện sưng, nóng, đỏ, đau vùng da trên cơ thể nhất là các vùng trên chi thể cần đến ngay cơ sở y tế để làm khám và điều trị, tránh chủ quan dẫn đến những biến chứng nặng nguy hiểm đến tính mạng./..