leftcenterrightdel
Tại cuộc họp các đại biểu cũng có những ý kiến nhằm đưa ra giải pháp giúp phát triển kinh tế Thành phố nhanh, mạnh hơn nữa trong thời gian tới (Ảnh: Việt Dũng)

Ngày 19/11, UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội năm 2022, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh Lê Thị Huỳnh Mai, năm 2022 các lĩnh vực kinh tế Thành phố có mức tăng trưởng khá. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 9,44% so với cùng kỳ năm 2021 và vượt kế hoạch đề ra từ đầu năm (6-6,5%). Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 17,3% so với cùng kỳ, trong đó bốn ngành công nghiệp trọng yếu ước tăng 19,92% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Thành phố qua cửa khẩu cả nước ước đạt 49,5 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ; Tổng kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp Thành phố qua cửa khẩu cả nước ước đạt 66,2 tỷ USD, tăng 10% so cùng kỳ.

Thu ngân sách nhà nước vượt dự toán được giao. Trong 19 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2022, dự kiến có 14 chỉ tiêu cơ bản đạt và vượt kế hoạch; 2 chỉ tiêu dự kiến không đạt và 3 chỉ tiêu chưa có cơ sở tính toán và đánh giá.

Về giải ngân đầu tư công, đồng chí Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, năm 2022, UBND TP Hồ Chí Minh đã giao và phân bổ chi tiết số kế hoạch vốn là 37.463,673 tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách trung ương là 2.479,640 tỷ đồng và vốn ngân sách địa phương là 34.984,033 tỷ đồng.

Căn cứ số liệu của Kho bạc Nhà nước thành phố đến ngày 31/10 số vốn đầu tư công đã giải ngân là  11.418,639 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 30,48% tổng kế hoạch vốn giao. Đến hết niên độ kế hoạch đầu tư công năm 2022 (31/1/2023), dự kiến giải ngân vốn đầu tư công của TP Hồ Chí Minh sẽ đạt 28.753,707 tỷ đồng, tương đương 76,7% tổng số vốn giao.

Sở Kế hoạch - Đầu tư Thành phố cũng đã đề xuất chủ đề năm 2023 là: “Phát huy hiệu quả chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số; nâng cao năng lực nội tại, tính tự lực, tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng của nền kinh tế”.

Tổng số 19 chỉ tiêu chủ yếu của năm 2023, Sở Kế hoạch -Đầu tư Thành phố đưa ra chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn (GRDP) trên 8%. Theo đồng chí Lê Thị Huỳnh Mai, với kết quả tăng trưởng năm 2021-2022 như vừa qua, để đạt được tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm trên 8% như mục tiêu đã đề ra, thì các năm 2023, 2024, 2025, tốc độ tăng trưởng cần đạt trên 10%. “Mục tiêu đề ra là rất khó khăn, chúng ta cần rất nỗ lực để thực hiện”, đồng chí Huỳnh Mai nhấn mạnh.

leftcenterrightdel

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.

(Ảnh: Việt Dũng)

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đề nghị lãnh đạo các sở, ngành, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện nắm sát tình hình, đánh giá đúng diễn biến để xác định được trọng tâm và có giải pháp cụ thể cho những tháng cuối năm 2022 và năm 2023, tránh tình trạng bị động.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng các sở, ngành, địa phương cần chia  công việc theo các nhóm để đánh giá tiến độ từ đó có giải pháp phù hợp nhất.  

Đối với việc giải ngân đầu tư công, đồng chí Phan Văn Mãi đề nghị từng sở, từng chủ đầu tư, quận huyện và TP Thủ Đức phải rà lại nhiệm vụ trên địa bàn còn vướng mắc ở điểm nào để tháo gỡ góp phần đảm bảo giải ngân đầu tư công đạt kết quả cao nhất.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị phải tập trung tháo gỡ khó khăn, nâng trách nhiệm hành chính, trách nhiệm công vụ của cơ quan, công chức để phối hợp tốt hơn trong việc giải quyết thủ tục hành chính.

Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi nhận định, từ nay đến Tết Nguyên đán, tình hình an ninh trật tự sẽ có nhiều khó khăn cho nên các địa phương cần phải theo sát xử lý kịp thời.

Liên quan đến các công trình trọng điểm trong đó có dự án Vành đai 3, đồng chí nhấn mạnh cần chú ý mốc thời gian ngày 31/11 phải phê duyệt dự án kể cả giải phóng mặt bằng và xây lắp, các sở ngành, quận huyện liên quan đến quy hoạch phối hợp Sở Quy hoạch – Kiến trúc hoàn thành hồ sơ, đảm bảo tiến độ phê duyệt dự án./..




V.Lê