Quang cảnh Hội thảo.

Tại Hội thảo, các cơ quan quản lý, các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch đã đánh giá thực trạng công tác đào tạo và hướng phát triển của các cơ sở đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực cho du lịch. Đặc biệt là nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao; từ đó đề xuất các giải pháp thiết thực, hiệu quả trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng yêu cầu bứt phá vươn lên thực hiện hiệu quả Quyết định số 2292 của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch về hành động phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2021-2025.

Hội thảo là dịp để ngành du lịch bước vào giao đoạn phục hồi và phát trệt bứt phá, việc tạo dựng nguồn nhân lực du lịch, trong đó có đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao đang là một trong những nhu cầu cấp thiết, đáp ứng kịp thời những đời hỏi ngày càng cao của thị trường lao động. Đào tạo trong lĩnh vực du lịch cũng là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển du lịch đến năm 2023.

Thông tin tại Hội thảo cho biết: Trong 11 tháng của năm 2022, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 2,95 triệu lượt người, khách nội địa đạt 96,3 triệu lượt người. Riêng tháng 10/2022 khách quốc tế đến Việt Nam tăng 12,1% so với tháng trước đó.

Tuy nhiên theo thống kê của Tổng Cục Du lịch, dịch COVID-19 đã tác động mạnh đến 2,5 triệu lao động trong ngành du lịch với 800.000 lao động trực tiếp. Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng cảnh báo nguy cơ thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực chất lượng của ngành Du lịch.

Chia sẻ về "thực trạng công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao", PGS, TS Phan Thị Xuân Hồng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và Đào tạo nguồn nhân lực ASEAn, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn -ĐHQG HCM đánh giá: Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn để phát triển du lịch, có đủ sức cạnh tranh lớn với các nước trong khu vực và thể giới khi có nguồn nhân lực dồi dào, trẻ hóa. Qua khảo sát, mỗi năm Ngành Du lịch cần 40.000 lao động, nhưng thực tế chỉ cung cấp được 20.000, trong khi đa số lao động có trình độ chuyên môn không cao, lao động phổ thông chiếm tỷ lệ cao. Ngành du lịch đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực có chuyên môn cao, hiện tượng "thừa thầy, thiếu thợ" trong cân lao động, đào tạo không đáp ứng nhu cầu thực tiễn, đào tạo chưa có hướng đi khác biệt để tạo lợi thế cạnh tranh.

PGS, TS Phan Thị Hồng Xuân, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và Đào tạo nguồn nhân lực ASEAn, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn -ĐHQG HCM chia sẻ tại Hội thảo.

Hiện nước ta có khoảng 200 cơ sở đào tạo du lịch, trong đó có 62 trường đại học có khoa du lịch, 54 trường cao đẳng, 71 trường trung cấp, 4 trung tâm về dạy nghề nhưng nguồn cung ứng lao động du lịch chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi kinh tế. Tuy nhiên chất lượng lao động có chuyên môn, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp cần thì còn hạn chế. Các cơ sở du lịch ngày càng tăng, nhưng năng lực đào tạo còn nhiều bất cập. Tính liên thông về chương trình, kết cấu chương trình đào đao giữa các cơ sở không đồng nhất; cơ sở đào tạo manh mún, nhỏ lẻ, chưa gắn thực tiễn... Vì thế , đi tìm một giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao ở các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp được xem là "chìa khóa" hữu hiệu để đưa du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

PGS, TS Phan Thị Hồng Xuân cho hay, Tổ chức Du lịch thế giới dự báo ngành Du lịch toàn cầu phải cần từ 3 đến 4 năm nữa mới phục hồi là hoạt động như mốc năm 2019. Đây là thông tun quan trọng để các địa phương, doanh nghiệp du lịch của Việt Nam định hướng và xây dựng sản phẩm phù hợp với xu hướng và thị trưởng du lịch.

PGS, TS Phan Thị Hồng Xuân cho rằng, ngoài sự chủ động của các doanh nghiệp du lịch thì cần có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp du lịch và các cơ sở đào tạo; ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo du lịch; nâng tầm chất lượng hình ảnh nguồn nhân lực phục vụ trực tiếp cho du khách…

Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh Lê Trương Hiền Hòa cho biết thách thức mà ngành Du lịch TP Hồ Chí Minh đang gặp phải về vấn đề nhân lực là rất lớn, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Chính vì vậy, thời gian qua, TP cũng đã trung đẩy mạnh ngoại ngữ cho các hướng dẫn viên du lịch; Phối hợp với các cơ sở đào tạo để tạo nhân lực cho ngành du lịch; Liên kết với các tỉnh, thành 27 tỉnh thành với nhiều chương trình khác nhau trong đó có đào tạo nguồn nhân lực, để giúp sức cho ngành Du lịch TP trong vấn đề bổ sung nhân lực.

Bên cạnh đó, Ngành du lịch TP Hồ Chí Minh cũng đã vận động doanh nghiệp có chính sách ưu đãi , hỗ trợ cho nhân lực làm trong ngành du lịch để họ gắn bó lâu dài với nghề...

 


Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh Lê Trương Hiền Hòa chia sẻ tại Hội thảo.

Chia sẻ về nhóm giải pháp nâng cao công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong du lịch, TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn -ĐHQG Hà Nội về  đã phác thảo 11 giải pháp thúc đẩy công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

GS, TS Phạm Hồng Long đã chỉ ra những xu hướng đào tạo tiêu biểu trên thế giới từ đó cho rằng ở Việt Nam cần phải quốc tế hóa chương trình đào tạo, và đây sẽ là xu hướng mà nhiều cơ sở đào tạo về du lịch và khách sạn trong nước theo đuổi. Trong đó có thể thực hiện thông qua việc liên kết với các cơ sở đào tạo uy tín cyar nước ngoài đào tạo chương trình cử nhân, chương trình đào tạo thạc sỹ; đào tạo theo hình thức chuyển nhượng thương hiệu và nỗ lực quốc tế hóa các chương trình đào tạo bằng việc đưa vào chương trình các học phần chuyên môn được giảng dạy bằng ngoại ngữ…

Tại hội thảo đại diện lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng, các sở, ngành tại các địa phương đã chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành du lịch; đồng thời cũng nêu rõ những khó khăn và từ đó có kiến nghị để sớm đáp ứng được nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành trong thời gian tới./..

An Nhiên