Toàn cảnh Diễn đàn.

Ngày 13-12, Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh và Tổng Lãnh sự quán Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại TP Hồ Chí Minh đã phối hợp tổ chức Diễn đàn Thương mại và Đầu tư Việt Nam - Lào.

Đây là hoạt động nhằm thúc đẩy mối quan hệ ngoại giao, thương mại và đầu tư giữa TP Hồ Chí Minh và các địa phương của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; giới thiệu tiềm năng hợp tác, kết nối cộng đồng doanh nghiệp, xúc tiến đầu tư song phương giữa 2 quốc gia nhân kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ Ngoại giao và 45 năm ngày ký kết Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Lào.

Tham dự Diễn đàn có đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; Đồng chí Sonxay Siphandon, Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; Đồng chí Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh cùng hơn 300 đại biểu là lãnh đạo các sở, ban, ngành TP Hồ Chí Minh, các hiệp hội doanh nghiệp và cơ quan báo đài; đại diện các bộ ngành trung ương Lào; lãnh đạo các tỉnh của Lào như tỉnh Khăm Muộn, Hủa Phăn, Savanakhet, Sekong, Champasak…

TP Hồ CHí Minh tạo điều kiện, thúc đẩy đầu tư, thương mại với doanh nghiệp Lào

leftcenterrightdel
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho biết, trong 60 năm qua, mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, sự gắn bó giữa nhân dân hai nước Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam đã vượt qua vô vàn khó khăn, thử thách, trở thành mối quan hệ mẫu mực, thủy chung hiếm có.

Phát biểu khai mạc, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho biết, trong 60 năm qua, mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, sự gắn bó giữa nhân dân hai nước Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam đã vượt qua vô vàn khó khăn, thử thách, trở thành mối quan hệ mẫu mực, thủy chung hiếm có. Đặc biệt, sau khi hai nước ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác vào năm 1977 trở lại đây, quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào, Lào - Việt Nam tiếp tục được vun đắp, vì lợi ích thiết thực của nhân dân hai nước.

Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, mối quan hệ chính trị, tình cảm tốt đẹp đó đã tạo nền tảng vững chắc để hai bên triển khai các hoạt động hợp tác kinh tế. Lào hiện là thị trường đầu tư ra nước ngoài lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam, đứng thứ nhất trong số 78 quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, với 238 dự án có tổng vốn đăng ký 5,34 tỷ USD, trong đó riêng nhà đầu tư đến từ TP Hồ Chí Minh có khoảng 44 dự án với tổng số vốn đăng ký khoảng 496 triệu USD Mỹ. Cho đến nay, các dự án đầu tư của Việt Nam có mặt tại hầu khắp các vùng miền của Lào, thuộc nhiều lĩnh vực như tài chính ngân hàng, viễn thông, dịch vụ, nông lâm nghiệp.... Nhiều dự án đã đi vào hoạt động đạt hiệu quả tốt, có đóng góp nhiều mặt cho phát triển kinh tế - xã hội của Lào và được Chính phủ Lào ghi nhận, đánh giá cao như: các dự án đầu tư của Tập đoàn Hoàng Anh - Gia Lai; các chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng liên doanh của Việt Nam tại Lào; dự án viễn thông của Tập đoàn Viettel; dự án xây dựng hệ thống phân phối xăng dầu của Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP; dự án tổ hợp sân golf và khách sạn, nhà ở với tổng số vốn đầu tư 1 tỷ USD của Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh Golf Long Thành…

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, hòa chung trong mối quan hệ bền vững hai nước, hợp tác giữa TP Hồ Chí Minh và các địa phương Lào thời gian qua cũng đạt nhiều kết quả tích cực. TP Hồ Chí Minh hiện đã thiết lập quan hệ hữu nghị với Thủ đô Viêng Chăn, tỉnh Chăm-pa-xắc và tỉnh Xa-văn-na-khẹt; đồng thời triển khai nhiều hoạt động hợp tác với tỉnh Xiêng Khoảng, tỉnh Hủa Phăn, tỉnh At-ta-pư... trên các lĩnh vực nông nghiệp, thương mại, y tế, giáo dục, giao lưu văn hóa, thể dục thể thao và có nhiều công trình tiêu biểu trong hợp tác giữa hai bên.

leftcenterrightdel

Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên và Phó Thủ tướng Lào

Sonexay Siphandone tham quan gian hàng triển lãm hàng Việt - Lào bên lề Diễn đàn.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên đề nghị đại diện các cơ quan, hiệp hội, các doanh nghiệp Việt Nam và TP Hồ Chí Minh cùng với đại biểu nước bạn Lào trao đổi, tìm hiểu, chia sẻ thông tin về các chính sách, ưu đãi đầu tư, góp phần đề xuất chủ trương thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hoạt động hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước thời gian tới.

Thay mặt lãnh đạo Sở Ngoại vụ, cơ quan tham mưu và triển khai các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của Thành phố, Giám đốc Sở Ngoại Vụ TP Hồ Chí Minh Trần Phước Anh trình bày tổng quan về quan hệ hợp tác giữa TP Hồ Chí Minh và Lào nói chung, các địa phương Lào nói riêng và khẳng định, lãnh đạo Thành phố luôn tạo điều kiện và khuyến khích các cơ quan, đoàn thể Thành phố hỗ trợ, hợp tác với các cơ quan đối tác của các địa phương Lào, thúc đẩy các doanh nghiệp Thành phố đầu tư, trao đổi thương mại với các doanh nghiệp Lào. Lãnh đạo Thành phố mong muốn và quan tâm thúc đẩy để quan hệ giữa Thành phố với các địa phương của Lào ngày càng hiệu quả, thực chất, đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị và hội nhập quốc tế của mỗi địa phương, mỗi nước.

Tính đến tháng 11/2022, Thành phố có 05 trường hợp đầu tư gián tiếp thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư Lào, với tổng vốn đạt gần 2 triệu đô-la Mỹ. Kim ngạch thương mại song phương đạt khoảng 20 triệu đô-la Mỹ, tăng gần 200% so với cùng kỳ năm 2021. Ngoài ra, tính đến tháng 11 năm nay, Việt Nam có 238 dự án đầu tư vào Lào với tổng số vốn đăng ký 5,34 tỷ USD; trong đó có 44 dự án của các nhà đầu tư từ TP Hồ Chí Minh với tổng vốn đăng ký khoảng 496 triệu đô-la Mỹ.

leftcenterrightdel
Giám Đốc Sở Ngoại Vụ TP Hồ Chí Minh Trần Phước Anh trình bày tổng quan về quan hệ hợp tác giữa TP Hồ Chí Minh và Lào nói chung, các địa phương Lào nói riêng.

Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh rất tự hào về quan hệ Hữu nghị Hợp tác giữa Thành phố với các địa phương Lào, đặc biệt là Thủ đô Viêng-Chăn, tỉnh Chăm-pa-xắc và tỉnh Xa-văn-na-khệt. Mối quan hệ này không ngừng phát triển sâu rộng trên nhiều lĩnh và ngày càng đạt được hiệu quả thiết thực, bao gồm các dự án đã và sẽ được triển khai trong thời gian tới như việc chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, quản lý ngân sách và chuyển đổi số với Viêng Chăn; hợp tác về giáo dục – đào tạo, văn hóa và thể thao... với Chăm-pa-xắc và Xa-văn-na-khệt. Hiện Thành phố đang khẩn trương triển khai các nội dung đã thống nhất giữa Thành phố với Thủ đô Viêng Chăn, tỉnh Chăm-pa-xắc, tỉnh Xa-văn-na-khệt, cụ thể:

Với Viêng Chăn: triển khai dự án công tác củng cố hệ thống thu ngân sách; Dự án Trung tâm sản xuất giống bò thịt tại Viêng Chăn, khảo sát địa điểm xây dựng Trại chăn nuôi sản xuất giống bò thịt; Dự án xây dựng Trung tâm Thương mại – Du lịch tại Viêng Chăn và TP Hồ Chí Minh;  Dự án xây dựng Trung tâm Bảo trợ xã hội tại Viêng Chăn; chuyển giao trang thiết bị họp trực tuyến...

Với tỉnh Xa-văn-na-khệt: trao 30 suất học bổng mỗi năm các trình độ cử nhân, thạc sỹ và tiến sỹ cho tỉnh Xa-văn-na-khệt; dự án tôn tạo và nâng cấp Khu di tích lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh Xa-văn-na-khệt; chuyển giao trang thiết bị họp trực tuyến...

Với tỉnh Chăm-pa-xắc: tăng số học bổng dành cho tỉnh Chăm-pa-xắc lên 35 suất mỗi năm; nghiên cứu, sớm có kế hoạch triển khai hợp tác xây dựng công viên,quảng trường Hữu nghị tại tỉnh Chăm-pa-xắc;  chuyển giao trang thiết bị họp trực tuyến...

Việt Nam đứng thứ ba trong số các quốc gia đầu tư tại Lào

leftcenterrightdel
Phó Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone chia sẻ, thời gian tới, Chính phủ Lào sẽ nghiên cứu, xem xét, đôn đốc và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư tại Lào ngày càng được thuận lợi và nhanh chóng.

Tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone cho biết, trong giai đoạn 2,3 năm trở lại đây, mặc dù chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 nhưng Chính phủ Lào cùng toàn thể nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đã triển khai các biện pháp để thích ứng với điều kiện bình thường mới, đồng thời tập trung phát triển đất nước thông qua tận dụng vị trí địa lý và thế mạnh, tiềm năng bằng cách thu hút, vận động các thành phần kinh tế cả trong và ngoài nước nước.

Chính phủ Lào cũng đã nỗ lực củng cố cơ sở hạ tầng, cải thiện đường giao thông, bao gồm đường cao tốc, đường sắt, sân bay, phát triển hệ thống cảng cạn; xây dựng và phát triển hệ thống cầu xuyên quốc gia; củng cố dịch vụ vận chuyển hàng hóa; tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại giữa nhân dân Lào với các nước trong khu vực.

Lào cũng có nhiều chính sách phát triển nông nghiệp sạch, công nghệ chế biến, du lịch, nhất là du lịch văn hóa; phát triển năng lượng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời; nỗ lực trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo nhằm thích ứng với cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 và áp dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất, dịch vụ vận tải, logistics; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa… Thời gian tới, Chính phủ Lào sẽ nghiên cứu, xem xét, đôn đốc và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư tại Lào ngày càng được thuận lợi và nhanh chóng.

Phát biểu tại Diễn đàn, bà Phimpha Keomixay, Tổng lãnh sự nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại TP Hồ Chí Minh cho biết Lào - Việt Nam đã ký Hiệp định Thương mại song phương và Thương mại biên giới từ năm 2015. Lào luôn tăng cường xúc tiến và phát triển thương mại biên giới và dịch vụ thương mại kết nối với logistics quá cảnh với Việt Nam. Trong giữa tháng 4-2022, hai Bộ Công Thương Lào - Việt Nam đã hoàn thành tổ chức Hội nghị hợp tác phát triển thương mại biên giới lần thứ 12 tại Viêng Chăn.

leftcenterrightdel

Bà Phimpha Keomixay, Tổng lãnh sự nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại

TP Hồ Chí Minh phát biểu tại Diễn đàn.

Ngoài ra, hai nước đã phối hợp thực hiện ưu đãi thuế nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ từ hai nước cũng như danh mục hàng hóa được miễn thuế 0%, thể hiện kim ngạch thương mại giữa Lào - Việt Nam có sự tăng trưởng đáng chú ý.

Những thành công của nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực kinh doanh đã và đang kích thích các doanh nghiệp lớn của Việt Nam như: Ngân hàng, viễn thông, hãng hàng không… chuyển hướng đầu tư sang Lào ngày một nhiều hơn. Trong đó, nguồn vốn của Việt Nam vào thị trường này trong thời gian gần đây cũng không ngừng tăng, Việt Nam hiện nay đứng thứ ba trong số các quốc gia đầu tư tại Lào, với 211 dự án, có tổng vốn đăng ký 5,2 tỷ USD. Đến nay nhiều dự án của doanh nghiệp Việt đã đi vào hoạt động đạt hiệu quả tốt, có đóng góp nhiều mặt cho phát triển kinh tế - xã hội của Lào và được Chính phủ hai nước ghi nhận, đánh giá cao.

Hoạt động đầu tư của Việt Nam tại Lào đã có ở hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng như: nông nghiệp, năng lượng, sản xuất, phân phối các hàng hóa thiết yếu như điện, xăng dầu, hàng tiêu dùng; cung ứng các dịch vụ quan trọng như ngân hàng, du lịch, khách sạn, trung tâm thương mại... một mặt mở rộng thị trường cho doanh nghiệp Việt Nam, giúp tạo nền tảng, cơ sở cho việc thành lập các ngành công nghiệp trong tương lai của nước Lào. Tiêu biểu trong 6 tháng năm 2022 Tổng lãnh sự quán đã và đang thực hiện hết trên các ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng sẽ được ký kết hợp tác thông qua 12 bản ghi nhớ.

Trong tương lai, Lào tiếp tục là thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là Việt Nam nhờ dân số ổn định, trẻ (50% dưới 25 tuổi và 60% dưới 35 tuổi); GDP tăng trưởng tốt; thu nhập khả dụng tăng, tầng lớp trung lưu đang mở rộng; Chính phủ Lào cũng đặt mục tiêu trở thành “nguồn năng lượng cho Đông Nam Á” thông qua các hoạt động khai thác các nguồn năng lượng tái tạo bền vững.

leftcenterrightdel
Lễ kí kết 17 biên bản hợp tác ghi nhớ (MOU) và 01 hợp đồng kinh tế.

Trên tinh thần phát huy những kết quả đạt được, tiếp tục phát triển quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Lào nói chung, cũng như giữa TP Hồ Chí Minh và Lào nói riêng, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào như ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo cấp cao hai nước, tại Diễn đàn đã diễn ra Lễ kí kết Biên bản ghi nhớ và hợp đồng kinh tế. Lễ kí kết bao gồm 17 biên bản hợp tác ghi nhớ (MOU) và 01 hợp đồng kinh tế với nội dung tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp (phát triển giống cây trồng, chế phẩm sinh học, thức ăn chăn nuôi), năng lượng thủy điện, khoáng sản, thương mại, công nghệ thông tin, du lịch./..

Chi Mai